Tinh gọn bộ máy: Cốt lõi là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Anh Vũ - 18/11/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Để thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, chuyên gia cho rằng, trước hết phải xây dựng một mô hình tổng thể, trong đó, cán bộ được coi là gốc rễ của vấn đề và nếu muốn có một tổ chức tốt thì phải xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp.

Dành 70% ngân sách để trả lương cho “bộ máy cồng kềnh”

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành TW khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, mặc dù đã ghi nhận một số kết quả tích cực, tuy nhiên, những kết quả về tinh gọn bộ máy và giảm biên chế chưa đáp ứng yêu cầu đề ra và thực tiễn cuộc sống.

TS. Nguyễn Văn Đáng, Nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu thực trạng, hệ thống nhà nước ở nước ta hiện nay vẫn còn quá cồng kềnh, nhiều tầng, nấc, nhiều đầu mối.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân gia tăng. Tình trạng này dẫn đến nhiều hậu quả, cả trước mắt và lâu dài.

"Hậu quả dễ thấy nhất là nỗi vất vả, tốn nhiều thời gian của người dân và doanh nghiệp mỗi khi phải thực hiện các quy định quản lý của Nhà nước. Tiếp đến là sự tốn kém ngân sách để bảo đảm hoạt động cho cả bộ máy, hiện tại việc trả lương và chi thường xuyên hàng năm chiếm đến 70% ngân sách", ông Đáng nêu rõ.

Ngoài ra, sự chồng chéo, không rõ trách nhiệm và thẩm quyền cũng dẫn đến nguy cơ gây đùn đẩy trách nhiệm, hoặc nghiêm trọng hơn là "lấn sân", "bao biện làm thay", cản trở, thậm chí vô hiệu hóa lẫn nhau giữa các đơn vị.

Theo ông Đáng, những hậu quả kể trên tác động tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả, khả năng linh hoạt đáp ứng nhu cầu, sự chủ động, sáng tạo, cũng như sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị. Chính vì vậy, cần phải quyết liệt sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển.

Nói về gốc rễ của việc tinh gọn bộ máy, TS. Nguyễn Văn Đáng nhận định, đó là quá trình thu gọn, cắt giảm đơn vị, tổ chức, giảm về con người.

“Thực chất, liên quan đến hai vấn đề căn cốt là lợi ích và quyền lực của các chủ thể bị ảnh hưởng, từ cá nhân cho đến từng đơn vị, tổ chức. Từ đó chi phối đến tiến trình chúng ta thực hiện, chậm là vì lý do này. Chưa kể đến chuyện khác biệt về quan điểm, cách thức triển khai, có nên làm hay không, rồi liên quan đến vấn đề tình cảm con người”, vị chuyên gia cho biết.

Đồng thời, theo ông Đáng, những quy định, thể chế chồng chéo, phức tạp không thể giải quyết "một sớm một chiều" bởi việc sắp xếp đơn vị hành chính là quyết định của Quốc hội.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến công tác tinh giản bộ máy chưa đạt hiệu quả được là nhận thức, hiểu biết trong quá trình thực hiện. Bởi chúng ta không thể bê một mô hình ở đâu về để áp dụng được, chúng ta đã phải vừa làm, vừa tính trong hàng chục năm qua.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nhìn nhận rằng, cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành hiện vẫn chưa thật sự gọn nhẹ. Tình trạng lẫn lộn chức năng hoạch định chính sách pháp luật và chức năng thực thi pháp luật trong bộ máy hành chính nhà nước khó khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”…

“Bối cảnh hiện nay đang đòi hỏi một Chính phủ thật sự kiến tạo phát triển, rõ về nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền, tinh gọn về bộ máy, hiệu quả về hoạt động, năng động, sáng tạo, phản ứng chính sách một cách linh hoạt, kịp thời, chủ động nhằm tạo sức bật mới để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

“Cốt lõi” là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Để thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, trước hết phải có một mô hình tổng thể.

“Cốt lõi” là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, việc có một mô hình tổng thể cũng là tư duy khoa học, phải có nhận thức đúng đắn cũng là tư duy khoa học và từ tư duy ấy sẽ phải có quyết tâm cao. Quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những đụng chạm, do vậy phải hết sức quyết tâm để thực hiện - quyết tâm nhưng không duy ý chí.

“Lâu nay vì sao chúng ta cứ nhập vào tách ra là vì thiếu một mô hình tổng thể và đây cũng là điều mà tới đây cần phải hoàn thiện cho được. Trên mô hình tổng thể đó mới có thể điều chỉnh, sắp xếp bộ máy một cách khoa học”, ông Phú cho hay.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, cán bộ được coi là gốc rễ của vấn đề và nếu muốn có một tổ chức tốt thì phải xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp. Đây là công việc rất công phu, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt nhưng phải toàn diện, thận trọng, trung tâm vẫn là lấy con người làm chính.

“Khi quan điểm đã rõ như vậy, chúng ta phải làm mạnh, tích cực nhưng phải làm đúng. Trong kinh tế, nếu làm không chắc thì gây ra thiệt hại nhưng khắc phục không khó, còn tổ chức mà sai thì sẽ gây hậu quả lớn. Phải làm, quyết làm nhưng phải làm khoa học, chắc chắn và chặt chẽ”, ông Phú nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cốt lõi nhất trong tinh gọn bộ máy là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy của hệ thống chính trị. Muốn như vậy phải đổi mới công tác cán bộ vì “cán bộ là gốc vấn đề”, “là then chốt của then chốt”. Làm sao cán bộ được lựa chọn một cách minh bạch, cạnh tranh và thực sự đáp ứng được yêu cầu của công cuộc vươn tầm của dân tộc.

Theo đó, ông Thông đề xuất 2 giải pháp cụ thể là đổi mới bầu cử để tạo sự cạnh tranh và công khai hóa công tác cán bộ.

"Công tác cán bộ của Đảng nhưng công tác đó chỉ có hiệu quả khi dựa vào dân để lựa chọn cán bộ, đồng thời khắc phục được tình trạng đúng quy trình mà không đúng người. Trao cho cán bộ, đảng viên, nhân dân quyền tham gia vào lựa chọn cán bộ thì chúng ta sẽ có được đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ", ông Thông nói.

Ngoài ra, theo Đại biểu Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cần xem lại cơ chế đặc thù của các tổ chức là xã hội nghề nghiệp hiện nay. Các tổ chức này biên chế cũng không hề nhỏ. Hay như tổ chức mặt trận và các tổ chức đoàn thể khác cũng phải đảm bảo tinh gọn, tinh giảm để mang lại hiệu quả thiết thực.

“Tất nhiên thể chế chính trị của Việt Nam khác với nhiều nước khác, chúng ta vẫn phải có những cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, trong đó có tổ chức Mặt trận và các đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải xem xét tình hình biên chế, bộ máy của những tổ chức này để tiếp tục tổ chức tinh gọn”, ông Hòa nói.

Hà Nội được tăng thêm biên chế, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ

Hà Nội được tăng thêm biên chế, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ

Tiêu điểm
(VNF) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tại dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi quy định về chính quyền Thủ đô, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội. 
Cùng chuyên mục
Tin khác