Tốc độ già hóa dân số nhanh hàng đầu thế giới: 'Cơn bão' mới thách thức Việt Nam

Khánh Tú - 30/08/2023 23:19 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều quốc gia đã và đang phải đối mặt với thách thức mang tên "già hóa dân số" ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của đất nước. Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hoá dân số và những nguy cơ mới đang được cảnh báo.

Già hóa dân số ở Việt Nam: Con số và hệ luỵ

Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mang tên “già hóa dân số”. Ông Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng, chuyên viên cao cấp Tổng cục dân số, Bộ Y Tế cho biết: “Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Dự kiến, nước ta sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già vào năm 2035 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 14%”.

Phát biểu tại Tọa đàm “Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững” sáng ngày 30/8, ông Sơn cảnh báo: Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Không chỉ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tình trạng già hóa dân số còn đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên toàn thế giới. 

Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số.

Hệ luỵ được cảnh báo đầu tiên là suy giảm năng suất lao động cũng như tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Tốc độ già hóa dân số nhanh chóng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai. Đây sẽ là nhân tố kìm hãm năng suất lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, mặc dù tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh của người dân Việt Nam lại thấp hơn so với nhiều nước khác. Số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới là khoảng 8 năm. Gánh nặng bệnh tật kép, thường mắc các bệnh mãn tính đè nặng lên hệ thống y tế khi bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh.

Thực trạng này đặt ra một thách thức nan giải liên quan đến các dịch vụ xã hội nhằm phục vụ cho những người cao tuổi. Ước tính, chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi cao hơn từ 7 – 8 lần chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho người trẻ tuổi. Dân số già hóa còn gây áp lực không nhỏ lên hệ thống lương hưu, an sinh xã hội, hệ thống bảo trợ xã hội của người cao tuổi.

Câu chuyện Trung Quốc, Nhật Bản

Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Tính đến năm 2020, trên thế giới có 727 triệu người trong độ tuổi từ 65 tuổi trở lên. Con số này dự kiến sẽ tăng hơn 2 lần vào năm 2050.

Tình trạng già hóa dân số cũng là bài toán khó giải đối với Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế của quốc gia này đang chững lại.

Trong năm 2022, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm xuống còn dưới 1,1, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ cần thiết để duy trì dân số là 2,1, theo thống kê của Hiệp hội Dân số Trung Quốc. Tỷ lệ sinh này được cho là thấp hơn mức có lợi cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng do dân số già.

Theo dự báo của chính phủ Trung Quốc, tới năm 2035, quốc gia này có khoảng 400 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 30% dân số. Dân số của Trung Quốc đã giảm xuống còn 1,412 tỷ người vào năm 2022, đánh dấu lần đầu tiên dân số Trung Quốc giảm sau 6 thập kỷ, dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc có thể mất trung bình khoảng 7 triệu người trưởng thành trong độ tuổi lao động mỗi năm trong thập kỷ tới.

Các chuyên gia phân tích từ Moody’s Investor Service nhận định: “Nhân khẩu học của Trung Quốc đang già đi, đặt ra thách thức đáng kể đối với tiềm năng tăng tưởng kinh tế của đất nước này”.

Không chỉ ảnh hưởng đến lực lượng lao động, dân số già hóa còn khiến nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc phải hứng chịu “cơn sóng thần nghỉ hưu”, có nguy cơ rút cạn quỹ hưu trí vốn đã gần cạn kiệt. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc từng cảnh báo quỹ hưu trí của nước này sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2035 tới với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay.

Dân số già hóa cũng kéo lùi nhu cầu nhà ở tại quốc gia này và là một trong những yếu tố góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhà đất đang càn quét khắp Trung Quốc.

Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Beike, khối lượng giao dịch mua nhà trên 330 thành phố ở Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua đã giảm 19,2% so với cùng kỳ năm trước với giá trị cũng giảm 23,4%.

Khi thời kỳ “dân số vàng” – đóng góp khoảng 15% tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 20 năm qua dần bị thế chỗ bởi “dân số già”, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những viễn cảnh không mấy tươi sáng như thâm hụt tài chính do giảm nguồn cung lao động nhưng lại tăng chi tiêu xã hội, chăm sóc sức khỏe.

Một Trung Quốc đang dần già nua.

“Một Trung Quốc đang già nua đi sẽ khó có thể cạnh tranh với những quốc gia trẻ hơn và đang phát triển trong nền kinh tế đa cực”, tờ CNN nhận định.

Tương tự Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã phải trải qua một “thập kỷ lạc lối” bởi sự suy giảm dân số. Tính đến năm 2021, cứ trong 4 người dân Nhật Bản lại có 1 người cao tuổi, tương đương với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 28,9% tổng dân số.

Theo dự báo của Cơ quan Thống kê Nhật Bản, tỷ lệ dân số già trong cơ cấu Nhật Bản sẽ tăng lên 31,2% vào năm 2030 trong khi tỷ lệ lực lượng lao động trong cơ cấu dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống còn 51,6% trong năm 2060.

Vấn đề dân số của Nhật Bản đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy như thiếu lao động, lĩnh vực sản xuất suy thoái, thâm hụt tài khóa và “bong bóng” bất động sản sụp đổ.  

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida từng lên tiếng cảnh báo: “Nhật Bản đang bên bờ vực của tình trạng mà chúng ta chưa chắc có thể tiếp tục vận hành như một xã hội bình thường” khi nói đến vấn đề suy giảm dân số và già hóa dân số.

Ứng phó trước “cơn bão”

Trong những năm qua, dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam tăng mạnh, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng vào năm 2006. Tính đến năm 2019, cơ cấu theo nhóm tuổi từ 15 – 64 tuổi của Việt Nam vào năm 2019 chiếm 68%.

Tuy nhiên, để thích ứng với diễn biến dân số già đi, chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế xã hội.

Đáng chú ý, chính phủ yêu cầu các bộ ban ngành tìm ra giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải chuẩn bị kỹ lượng về chính sách, cơ sở vật chất, luật pháp… cho một xã hội có dân số già trong thời gian tới.

Chính sách của Việt Nam đã đi trước một bước để ứng phó 'cơn bão' già hoá dân số. Bởi vì, theo các chuyên gia, mức độ ảnh hưởng của già hóa dân số đến tốc độ phát triển của nền kinh tế một quốc gia nhiều hay ít còn phụ thuộc vào tốc độ ứng biến và những chính sách phù hợp, kịp thời của chính quốc gia đó.

Cùng chuyên mục
Tin khác