'Tôi không nghĩ mình thành công nhưng tự biết bằng lòng với những gì làm được'

Lệ Chi - 12/10/2021 19:18 (GMT+7)

(VNF) - "Tôi kinh doanh nhỏ, tự hài lòng với công việc của mình, có thể nuôi mình sống và giúp chút ít cho xã hội. Về chính trị, tôi từng là đại biểu Quốc hội, nhiều năm làm đại biểu HĐND, nói lên tiếng nói của cô bác cử tri, cũng được nhiều người quý mến, cũng có người không hài lòng. Tôi không nghĩ là mình thành công, nhưng tôi tự biết bằng lòng với những gì mình làm được", doanh nhân Trần Khắc Tâm chia sẻ với VietnamFinance.

VNF
Doanh nhân Trần Khắc Tâm

Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Giãn cách xã hội khiến giới doanh nhân phải gồng mình sinh tồn nhưng cũng đem đến cơ hội sống chậm lại để nhìn về những mục tiêu, giá trị đã theo đuổi lâu nay.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với doanh nhân Trần Khắc Tâm, Chủ tịch HĐTV Công ty Trần Liên Hưng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đại biểu Quốc hội khóa XIII.

- Đại dịch Covid-19 được ví như “cơn bão dữ” quét đi nhiều thành quả của nền kinh tế và thổi bay hàng nghìn doanh nghiệp khỏi thương trường. Ông đánh giá thế nào về cuộc khủng hoảng lần này đối với nền kinh tế Việt Nam?

Ông Trần Khắc Tâm: Tính từ đầu năm đến nay, cả nước có khoảng trên dưới 100.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, trong đó có nhiều doanh nghiệp phá sản. Con số này và chỉ số tăng trưởng kinh tế (GDP) quý III/2021 âm 6,17% đã cho chúng ta thấy mức độ “tàn khốc” của đại dịch. Việc TP. HCM và nhiều tỉnh, thành phố miền Nam phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt trong suốt thời gian dài đã làm cho hoạt động kinh tế - xã hội đình trệ, chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hoá bị đứt gãy, các doanh nghiệp bị tê liệt.

Thực trạng cả trăm ngàn doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường không chỉ tác động lớn đến chính các chủ doanh nghiệp, đến cộng đồng doanh nghiệp, mà khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của hàng triệu lao động khi họ mất việc làm, không có thu nhập, đối diện với cuộc sống vô cùng khó khăn.

Chúng ta vừa trải qua 2 tuần lễ chứng kiến dòng người di chuyển khỏi trung tâm kinh tế lớn nhất nước là miền Đông Nam Bộ về các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên và trở lại miền Bắc. Đấy là hình ảnh mang lại cho mỗi người Việt Nam chúng ta nhiều cảm xúc nhất, để chúng ta thấy mức độ khó khăn, những bi kịch mà đại dịch Covid-19 gây ra cho đất nước mình. Chưa hết, doanh nghiệp không hoạt động được cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến đầu tư công và nhiều vấn đề khác nữa.

- Ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động của Công ty Trần Liên Hưng ra sao, thưa ông?

Ảnh hưởng của đại dịch đối với chúng tôi cũng không ngoại lệ. Trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt, người lao động cũng phải tạm thời nghỉ việc, ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của họ. Nhưng Trần Liên Hưng là một doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi không phải là doanh nghiệp sản xuất nên ảnh hưởng cũng không quá lớn, may mắn là chúng tôi chưa lâm vào cảnh phải nợ nần, không phải rút khỏi thị trường nên sau khi nới giãn cách, chúng tôi sẽ hoạt động trở lại ngay.

Ông Trần Khắc Tâm được biết đến là người rất tâm huyết với công tác an sinh xã hội.
Ông Trần Khắc Tâm được biết đến là người rất tâm huyết với công tác an sinh xã hội.

- Vậy còn ảnh hưởng đến cá nhân ông?

Tôi là người thích giao du bạn bè nên thời gian giãn cách quá lâu cũng bị stress như nhiều người khác, có cảm giác bức bối, chồn chân khi mình không được đi lại, không được làm việc như bình thường. Chính vì vậy, đây là khoảng thời gian tôi phải sống chậm, tập thiền trong suy nghĩ, dành thời gian để suy tư về các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh sau đại dịch.

Với xã hội, tôi vẫn như trước đây, cố gắng làm những gì hữu ích nhất mà mình có thể làm được cho cộng đồng, cụ thể là tôi đã cố gắng dành một khoản kinh phí để mua lương thực hỗ trợ người khó khăn. Ngoài ra, trong thời gian giãn cách dài ngày, tôi cũng xin theo học Phật giáo.

Không phải đến bây giờ tôi mới có ý tưởng học Phật giáo. Tôi muốn học, muốn nghe giảng để hiểu sâu hơn triết lý của nhà Phật. Tôi là một Phật Tử, bao năm nay tôi thường đi lễ chùa, thăm các nhà sư, tôi quen biết và được nhiều Hoà thượng từ Bắc đến Nam luôn sẵn lòng đàm đạo, chỉ giáo cho tôi những điều hay của Phật.

Tôi đã đọc sách Phật giáo từ lâu, thường suy nghĩ về những điều các bậc chân tu giảng giải. Đạo Phật giúp tôi hướng đến những điều từ - bi - hỷ - xả, biết sống thế nào là đủ, là vừa, biết buông bỏ… Hành trình đến với phật học là hành trình hướng đến niềm tin về cái thiện, biết tu, biết thiền để làm một bông hoa sen toả hương giữa đời thường.

- Điều quan trọng nhất ông học được từ Phật pháp để áp dụng vào triết lý kinh doanh là gì?

Phật không dạy doanh nhân triết lý kinh doanh, nhưng học Phật để biết rằng dù có làm việc gì trên đời này cũng phải hướng về điều tốt đẹp.

"Đạo Phật giúp tôi hướng đến những điều từ - bi - hỷ - xả, biết sống thế nào là đủ, là vừa, biết buông bỏ...", ông Tâm chia sẻ

- Đến giờ này, ông có nghĩ mình là người thành công?

Về kinh doanh thì tôi kinh doanh nhỏ, tự hài lòng với công việc của mình, có thể nuôi mình sống và giúp chút ít cho xã hội. Về chính trị, tôi từng là đại biểu Quốc hội, nhiều năm làm đại biểu HĐND, tôi nói lên tiếng nói của cô bác cử tri, cũng được nhiều người quý mến, cũng có người không hài lòng. Tôi không nghĩ là mình thành công, nhưng tôi tự biết bằng lòng với những gì mình làm được.

- Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông muốn gửi thông điệp gì đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh hiện nay?

Lúc khó nhất phải cố gắng vượt khó. Tài sản quan trọng nhất của các doanh nhân là kinh nghiệm và thị trường. Họ có niềm đam mê, có trí tuệ.

Hội nghị Trung ương vừa rồi đã thống nhất chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh, nới lỏng các hoạt động để dần trở lại bình thường mới trên điều kiện tiên quyết là phải tiêm vaccine. Do đó, khi dịch bệnh được khống chế, tỷ lệ tiêm vaccine cao lên, dần dần “mở cửa” kinh tế thì công việc đầu tư kinh doanh, sản xuất sẽ lập tức hồi phục.

Thông qua các hiệp hội, chúng tôi đã gửi kiến nghị đến Chính phủ, Quốc hội, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được triển khai. Tới đây, Quốc hội họp chắc chắn sẽ có thêm những chính sách kích thích kinh tế.

Về mặt cá nhân, như tôi đã nói trên, tôi là chủ một doanh nghiệp rất nhỏ, không thể có “tư cách” đưa ra thông điệp với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mà trong số đó có rất nhiều anh, chị là bậc thầy của mình. Nếu có điều gì muốn bày tỏ, tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, vào lúc này hãy cùng nhau đồng cam cộng khổ, đoàn kết vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ rằng bước sang năm 2022, các hoạt động kinh tế sẽ sôi động trở lại.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ông Trần Khắc Tâm, sinh năm 1972, quê ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Ông là Tiến sỹ khoa học quản trị kinh doanh.

Ông hiện giữ các chức vụ: Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Trần Liên Hưng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ông Tâm là đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng các khóa VIII, IX, X.

Chia sẻ khi trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 vào tháng 6 vừa qua, ông Tâm cho biết trong suốt 10 năm qua đã vinh dự được làm người đại biểu của nhân dân, được bà con gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. Quá trình trực tiếp tiếp xúc, nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện về đời sống của người dân khiến ông luôn trăn trở. Vì những lẽ đó, ông mong muốn được tiếp tục đóng góp phần công sức nhỏ nhoi của mình vào sự phát triển của quê hương Sóc Trăng nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

“Sức người có hạn, tôi biết rằng không thể đáp ứng hết được những gởi gắm, kiến nghị của hàng trăm ngàn cô bác anh chị. Chỉ xin hứa rằng tôi luôn dành hết tâm huyết, đóng góp ý kiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của quê hương. Tôi không né tránh, không ngại va chạm và luôn sẵn sàng dốc hết sức mình để “phò chính, trừ tà”. Đó là một hành trình mới, trả nợ ân tình cho đồng bào, cử tri và đấu tranh bảo vệ dân chủ, công bằng xã hội”, ông Tâm nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác