Trần Ngọc Nam: Người đưa thương hiệu gạo hữu cơ Việt ra thế giới

Anh Bình - 02/09/2019 09:51 (GMT+7)

(VNF) - Giới khoa học Nhật Bản đã phát hiện ra sự có mặt của 2 hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) trong hạt gạo hữu cơ của tỉnh Quảng Trị, 2 hợp chất này quý và đắt hơn cả vàng gấp 30.000 lần. Đó là sản phẩm khoa học của Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu.

VNF

24 năm "dan díu" với nông dân

Ông cười bảo với tôi rằng: “Hai chữ dan díu nghe cứ sao sao ấy, nhưng thấy đã ở trong lòng lắm! Ở đó là yêu, là thương, là phải gắn bó máu thịt, phải đau đáu vì nhau… nếu không có những điều này, chắc hẳn sẽ không có thương hiệu phân bón Ong Biển hôm nay!”. Đó là Nhà khoa học ngoài bằng cấp học vị Trần Ngọc Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Nam ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một “hai lúa” chính hiệu làm khoa học thành công, khiến các nhà khoa học trong và ngoài nước trầm trồ thán phục.

Tôi gặp ông vào một ngày đầu năm, khi gió trên những rặng tràm, đước đã nghe ràn rạt, khô ráp, báo hiệu mùa khô ở miền Tây Nam bộ sắp sửa vào kỳ đỉnh điểm. Tôi và ông rảo bước ngắm cảnh quan nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển, tôi cứ ngỡ như đang lọt thỏm vào môt cơ ngơi du lịch sinh thái nào đó. Ông Nam bắt đầu chuyện về nghề nông, nghề sản xuất phân bón hữu cơ của mình khá dài và cũng không kém phần hấp dẫn, ông vốn gốc gác ở vùng cát bạc “khoai khoai rành khoai” (Quảng Bình).

Ngước nhìn về một cõi xa xăm, trong chốc lát điềm tỉnh, ông kể cho tôi nghe chuyện cuộc đời mình. Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ từ hồi còn nhỏ, chào đời không biết mặt cha, học hành dang dở, ở quê nghèo không có việc làm, ông đã phải tha hương vào sống, làm thợ hồ tại tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu.

Nhờ đức tính chuyên cần, thông thái, vừa làm vừa học từ thực tiễn, những lúc rảnh rỗi ông tranh thủ đọc, nghiên cứu trên sách vở. Nghề đầu tiên ông chọn là cơ khí chế tạo máy, vốn kiến thức được nhen nhóm từ đây. Sau khi vốn kiến thức có sẵn ông tự đứng ra thành lập xưởng chế tạo máy ngay giữa lòng thành phố Vũng Tàu, chẳng bao lâu ông đã trở thành nhà chế tạo máy nổi tiếng có một không hai tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng như các tỉnh trong khu vực, từ đó ông bắt đầu giàu có lên dần.

Mỗi lần về thăm quê thấy nông dân “một nắng hai sương”, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, làm không đủ ăn bởi vấn đề giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dởm, giả, độc hại làm cho người nông dân không thể ngước mặt lên được.

Nghĩ về quê hương, nghĩ về người nông dân, năm 1996 ông “cắm đầu” vào học hỏi, nghiên cứu đồng thời đi ra các nước tìm kiếm học hỏi như Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc... Ông đã mạnh dạn đặt mua 17 loài con vi sinh về cấy ghép trên 17 chất liệu, ngâm ủ. Sau 10 năm, đến năm 2008 ông đã thành công, cho ra đời sản phẩm phân bón hữu cơ khoáng chất mang tên Ong Biển.

Khi sản phẩm phân bón Ong Biển ra đời ông đã trở thành Nhà đầu tư số 1, thu mua trọn gói đối với nông dân Quảng Trị và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, góp phần loại bỏ dần các loại phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi đồng ruộng, giúp nông dân thoát nghèo làm giàu, giảm bớt sức lao động, bởi chỉ bón phân và tưới nước đến lúc thu hoach, tất cả đều trở thành sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch.

Ghi nhận những thành tích đóng góp cho nông nghiệp nước nhà, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen với 2 giải thưởng cao quý khác về Khoa học và Công nghệ trong nước về (Bàn tay Việt-Công nghệ Việt).

Thương hiệu gạo Việt lên tầm thế giới

Một ngày đầu hè 2019, cầm trên tay tờ kết quả xét nghiệm của hạt gạo hữu cơ được gieo cấy trên đồng đất Quảng Trị, PGS Trần Đăng Xuân - Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và hóa sinh (Đại học Hirosima, Nhật Bản) không khỏi ngỡ ngàng.

Trước đó 1 tháng, khi nhận được túi gạo của công ty Đại Nam liên kết với người nông dân Quảng Trị để làm chuỗi lúa gạo hữu cơ cùng lời đề nghị làm xét nghiệm xem loại gạo này có đạt tiêu chuẩn sạch không, vị PGS nghĩ, Quảng Trị vốn là vùng đất còn nhiều tàn dư của chiến tranh để lại, kể cả bao nhiêu năm nay nông dân canh tác đã sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học. Trong khi đó, canh tác hữu cơ đòi hỏi phải khắt khe từ giống, đất, nước làm sao mà vùng đất này có thể tạo ra được thứ “hạt ngọc” quý như vậy.

Thế nhưng ông thật sự sửng sốt khi có kết quả phân tích. Cánh đồng chết ở vùng đất từng nhiễm rất nặng chất độc dioxin trong cuộc chiến tranh trước đây đã hồi sinh như một kỳ tích. Những hạt gạo hữu cơ Quảng Trị được tạo ra từ cánh đồng này không những sạch mà còn siêu sạch, đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng.

PGS Trần Đăng Xuân tiếp tục khẳng định, không những vậy, hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) được tìm thấy trong hạt gạo có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, gút, tim mạch, chống lão hóa được tìm thấy trong gạo hữu cơ Quảng Trị này.

“Nhiều hoạt tính quý của 2 hợp chất này đang được chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và đã đăng trên nhiều tạp chí sinh học quốc tế. Chúng tôi cũng phát hiện sự có mặt của 2 hợp chất này trên gạo ở Quảng Trị. Hai hợp chất có trong gạo hữu cơ Quảng Trị này còn quý và đắt hơn vàng gấp 30.000 lần”, ông Xuân cho biết.

Được biết sau khi công bố kết quả trên nhiều nhà khoa học từ các nước như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Camphuchia… đã tìm đến và yêu cầu được đặt hàng mua gạo hữu cơ Quảng Trị.

Trước lúc chia tay, ông mời tôi tham dự bữa tiệc chiêu đãi bằng các món ăn thực phẩm hữu cơ sạch như sâm thủy cầm “vịt”, các loại thịt, cá đều được nuôi từ lúa gạo hữu cơ, đến các món ăn rau củ quả đều được bón từ phân bón Ong Biển. Theo ông Nam, tất cả các loại lương thực, thực phẩm, rau củ quả… đều được Công ty sản xuất theo đúng tiêu chuẩn Vietgap do bàn tay Việt, công nghệ Việt Đại Nam thực hiện hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Cùng chuyên mục
Tin khác