Trình quyết định cổ phần hóa Vinachem trong nửa đầu năm 2018
Thanh Long -
09/03/2018 09:18 (GMT+7)
(VNF) - Vinachem sẽ trình Bộ công Thương ban hành quyết định cổ phần hóa trong quý I và quý II/2018 đối với: Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam; Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Ngày 5/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 16/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2017-2020.
Mục tiêu của Đề án là bảo đảm Vinachem có cơ cấu hợp lý; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của tập đoàn. Đề án nêu rõ, ngành, nghề kinh doanh chính của Vinachem là: sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản; Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất; sản xuất, kinh doanh phân bón chứa lân; sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.
Về phương án và lộ trình thực hiện, trong công tác cổ phần hóa, Vinachem sẽ trình Bộ công Thương ban hành quyết định cổ phần hóa trong quý I và quý II/2018 đối với: Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam; Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
"Các công việc sau quyết định cổ phần hóa sẽ được Vinachem khẩn trương thực hiện để sớm hoàn thiện lộ trình tái cấu trúc", phía Vinachem cho biết.
Trong công tác thoái hết vốn, bán bớt vốn tại các doanh nghiệp thành viên, Vinachem sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể.
Đối với doanh nghiệp do Vinachem nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ (7 doanh nghiệp), Vinachem sẽ giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình là 51% và Công ty Cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam là 51%.
Đồng thời bán bớt một phần vốn tại 5 doanh nghiệp mà tập đoàn này đang nắm giữ 51% vốn điều lệ (Công ty Cổ phần Hơi Kỹ nghệ Que hàn, Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì, Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản miền Nam, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển).
Đối với các doanh nghiệp do Vinachem nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, sau khi bán bớt một phần vốn, tỷ lệ nắm giữ vốn của Vinachem là 36% vốn điều lệ tại 9 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Cao su Sao vàng, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cẫn Thơ, Công ty Cổ phần Phân bón miền Nam, Công ty Cổ phần Bột giặt Net, Công ty Cổ phần Bột giặt Lix và Công ty Cổ phần Pin Ắc quy miền Nam).
Cùng với đó, Vinachem sẽ thực hiện thoái hết vốn tại 15 doanh nghiệp theo danh mục phê duyệt tại Quyết định số 16/QĐ-TTg, bao gồm: Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội, Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Vĩnh Phú, Công ty Cổ phần Ắc quy Tia sáng, Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam, Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hóa chất miền Nam.
Tiếp nữa là Công ty Cổ phần Sơn Tổng hợp Hà Nội, Công ty Cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, Công ty Cổ phần Pin Hà Nội, Công ty Cổ phần Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất, Công ty Cổ phần Cảng đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần Công nghiệp Hóa chất Tây Ninh, Công ty Cổ phần Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ, Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất.
Đối với 4 doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Vinachem sẽ thực hiện thoái hết vốn theo quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 sau khi các doanh nghiệp hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, gồm: Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty Cổ phần DAP - Vinachem, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem và Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình.
"Vinachem đã xác định rõ được hướng đi của mình, tuy vậy, trên chặng đường thực hiện tái cấu trúc, để có thể vượt qua những thách thức và khó khăn, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo và tập thể cán bộ công nhân viên, Vinachem rất mong nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, nghành liên quan để công tác tái cấu trúc doanh nghiệp ở Vinachem hoàn thành đúng kế hoạch", phía Vinachem bày tỏ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone