Chứng khoán Việt ‘nín thở’ chờ tin bầu cử Tổng thống Mỹ

Thanh Long - 04/11/2024 07:30 (GMT+7)

(VNF) – Không có thông tin đáng chú ý trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ các thông tin ngoài nước, đặc biệt là sự kiện bầu Tổng thống Mỹ.

Tuần qua, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.254 điểm, tăng nhẹ 0,17%. Giá trị giao dịch trung bình trên cả ba sàn chỉ đạt hơn 16.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn khoảng 20% so với tuần giao dịch trước đó. Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu VIB, khối ngoại ghi nhận rút ròng 5/5 phiên giao dịch với giá trị bán ròng đạt hơn 1.700 tỷ đồng.

Trên đồ thị kỹ thuật, chỉ số VN-Index diễn biến giằng co trong biên độ hẹp xuyên suốt tuần giao dịch và gặp khó khăn khi nỗ lực bứt phá khỏi kháng cự gần tại vùng 1.263 điểm, tương ứng với đường trung bình động 10 phiên.

Ông Lê Đức Huy, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), cho rằng việc thị trường chứng khoán Việt Nam đi ngang với thanh khoản thấp sau nhịp chiết khấu từ ngưỡng kháng cự 1.300 điểm là diễn biến phù hợp khi tâm lý nhà đầu tư còn nhiều e ngại. Động lực nâng đỡ cho chỉ số trong tuần giao dịch qua chủ yếu tới từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là một số cổ phiếu ngân hàng với nhiều thông tin tích cực về việc chia cổ tức.

“Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ cùng các biến số mới về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp diễn xu hướng giằng co trong tuần giao dịch tới. Nhà đầu tư cũng nên lưu ý kịch bản chỉ số có thể lùi về các mốc hỗ trợ sâu hơn (1.240 +/-5 điểm) để kích hoạt lực cầu mới tham gia”, ông Huy lưu ý.

Cũng theo chuyên gia của Agriseco, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại và quan hệ với các nước, tác động sâu rộng tới nền kinh tế không chỉ Mỹ mà còn lan rộng ra toàn cầu. Tổng thống mới và đội ngũ của họ cũng ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tạo ra tác động không nhỏ tới sự dịch chuyển các dòng vốn toàn cầu vào thị trường mới nổi như Việt Nam.

Chính sách của bà Kamala Harris có xu hướng ôn hòa hơn, duy trì hợp tác quốc tế và ưu tiên tầng lớp trung lưu; trong khi đó, ông Donald Trump tập trung nhiều hơn vào bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất trong nước và khuyến khích vốn đầu tư vào sản xuất nội địa. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bầu cử Tổng thống Mỹ thường tạo ra biến động tâm lý trên thị trường tài chính toàn cầu. Điều này có thể khiến xu hướng rút ròng hoặc giảm bớt giao dịch tại các thị trường mới nổi (trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam) gia tăng trong giai đoạn bầu cử.

Đối với nhà đầu tư trong nước, chuyên gia của Agriseco cho rằng tâm lý thận trong trước những diễn biến xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống được dự báo sẽ tiếp diễn, đặc biệt trong bối cảnh sức mạnh đồng USD có xu hướng hồi phục trong khoảng thời gian gần đây.

“Tôi cho rằng, sau khi kết quả bầu cử được hé lộ, chính sách ôn hòa của bà Harris sẽ không có nhiều tác động tới thị trường chứng khoán trong nước; trong khi kịch bản ông Trump đắc cử cho thể khiến thị trường gặp áp lực rung lắc do lo ngại về lạm phát tăng nóng trong ngắn hạn và tác động đến sức mạnh đồng USD. Tuy nhiên, các áp lực điều chỉnh diễn ra (nếu có) cũng sẽ không kéo dài và không làm ảnh hưởng tới xu hướng chính của thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Huy nêu quan điểm.

Chuyên gia của Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường về các vùng hỗ trợ hấp dẫn (1240 +/- 5 điểm) để tích lũy cổ phiếu trong dài hạn, ưu tiên các cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành trong nhóm VN30, các doanh nghiệp được dự báo tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý IV và triển vọng sáng trong năm 2025. Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư năng động, các nhóm ngành thu hút thanh khoản như Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản cũng là các nhóm ngành có thể cân nhắc bổ sung vào danh mục đầu tư ngắn hạn.

Diễn biến VN-Index từ đầu năm đến nay

Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhấn mạnh tới bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2024 cải thiện tích cực với doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 8,7% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt trội so với mức tăng trưởng của 2 quý đầu năm (số liệu chốt đến ngày 1/11/2024 với 1.058 doanh nghiệp đã công bố báo cáo quý III/2024, chiếm 97,5% vốn hóa toàn thị trường).

“Bức tranh kết quả kinh doanh tươi sáng hơn sẽ phần nào cải thiện định giá thị trường và hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư. Đồng thời, tôi cho rằng áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt trong nửa sau của quý IV khi FED tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất điều hành và nguồn cung ngoại tệ tăng lên dịp cuối năm nhờ dòng vốn FDI và kiều hối tích cực. Do đó, chúng tôi bảo lưu nhận định rằng vùng 1.240-1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index”, ông Hinh nêu quan điểm.

Theo đó, các nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ kể trên, ưu tiên những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ).

Cùng chuyên mục
Tin khác