Trừng phạt năng lượng Nga, EU vẫn chi 13 tỷ USD để nhập khẩu LNG

Hạnh Chi - 01/12/2022 10:38 (GMT+7)

(VNF) - Liên minh châu Âu (EU) đã cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong năm nay, cấm nhập khẩu than và sẵn sàng cấm vận dầu mỏ. Tuy nhiên, EU vẫn chi 13 tỷ USD để nhập khẩukhí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga.

VNF
Trừng phạt năng lượng Nga, EU vẫn chi 13 tỷ USD để nhập khẩu LNG.

Trong khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Điện Kremlin nhằm cắt giảm nguồn tài chính, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga của EU vẫn tăng khoảng 40% trong năm qua do người mua đua nhau tìm nguồn thay thế dòng nhiên liệu chảy qua các đường ống đang cạn kiệt. 

Tổng cộng, EU đã chi kỷ lục 12,5 tỷ euro (13 tỷ USD) cho LNG của Nga từ tháng 1 đến tháng 9, gấp 5 lần so với một năm trước đó.

Dữ liệu theo dõi tàu và cảng của Bloomberg cho thấy, nhu cầu gia tăng từ các quốc gia như Pháp và Bỉ đã giúp Nga trở thành nhà cung cấp LNG số 2 cho tây bắc châu Âu trong năm nay, xếp sau Mỹ nhưng cao hơn Qatar.

Trước khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2, khí đốt từ Nga là nguồn nhiên liệu lớn nhất của châu Âu. Kể từ đó, với việc Điện Kremlin siết chặt nguồn cung khí đốt, khu vực này buộc phải nhập thêm LNG từ Nga và khắp thế giới, để duy trì hoạt động thắp sáng và lấp đầy kho dự trữ mùa đông.

"LNG của Nga phải tiếp tục chảy. Chúng tôi cần điều đó đối với cán cân LNG toàn cầu. Tôi nghĩ rằng hầu hết các nước châu Âu thực sự muốn nhắm mắt làm ngơ trước điều này", bà Anne-Sophie Corbeau, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, cho biết.

Trong số các quốc gia châu Âu, chỉ có Vương quốc Anh và các quốc gia vùng Baltic ngừng mua LNG của Nga. Trái lại, dầu của Nga đã bị người mua trong khu vực "xa lánh" và lệnh cấm của EU sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12. 

Dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp

Một lệnh cấm vận hoàn toàn đối với khí đốt của Nga chưa bao giờ được nghiêm túc cân nhắc, do sự khan hiếm nguồn cung toàn cầu và tiềm năng cho một thị trường thậm chí còn thắt chặt hơn vào năm tới. 

Tuy nhiên, EU đã nỗ lực tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế. Vào tháng 3, khối đã cam kết thay thế gần 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay, với phần lớn khối lượng mới đến ở dạng LNG.

Khí đốt của Nga hiện chiếm chưa đến 10% nguồn cung cấp nhiên liệu của khu vực, giảm so với hơn 1/3 vào năm ngoái, nhưng tỷ trọng LNG trong các đợt giao hàng của Nga đã chiếm gần một nửa.

Theo Bloomberg, dữ liệu theo dõi tàu cho thấy việc giao hàng trên khắp châu Âu sẽ khó đồng đều. Bất chấp việc Anh từ chối, LNG của Nga đã tìm thấy những điểm đến hấp dẫn khác, chẳng hạn các chuyến hàng của nước này đến các cảng của Bỉ tăng gấp đôi từ tháng 1 đến tháng 10/2022, hay nhập khẩu của Pháp đã tăng 60%.

Hầu hết các nguồn cung cấp LNG toàn cầu đều được ký kết theo các hợp đồng dài hạn, với việc người bán thường là các công ty đa quốc gia lớn, đa phần không chịu sự kiểm soát của chính phủ.

Chẳng hạn, Total Energies SE của Pháp có 20% cổ phần trong Yamal LNG, cơ sở sản xuất lớn nhất của Nga. 

Mặc dù công ty đã tạm dừng các khoản đầu tư mới vào Nga và bán một số tài sản ở nước này, nhưng công ty đã cam kết ở lại Yamal để giúp đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, miễn là lệnh trừng phạt cho phép. Total cũng sở hữu 19% cổ phần của Novatek PJSC của Nga, công ty kiểm soát dự án.

Gã khổng lồ năng lượng nhà nước Gazprom PJSC, chủ yếu là nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu, cũng đã bắt đầu vận chuyển LNG đến khu vực.

Mặc dù dự án Sakhalin 2 khổng lồ ở vùng Viễn Đông của Nga thường vận chuyển hàng hóa đến châu Á, nhưng một cơ sở mới, nhỏ hơn trên bờ biển Baltic của Nga đã gửi những chuyến hàng đầu tiên đến Hy Lạp.

Điều đó không có nghĩa là Nga sẽ không hạn chế nguồn cung LNG trong tương lai, như đã làm với dòng chảy đường ống. Đầu năm nay, Moscow đã cấm vận chuyển LNG tới một đơn vị kinh doanh cũ của Gazprom bị Đức tịch thu.

Một số người mua cũng lo ngại Chính phủ Nga có thể yêu cầu thanh toán LNG bằng đồng ruble, như đã làm đối với khí đốt hồi đầu năm nay, nhưng cho đến nay vẫn chưa có quyết định nào như vậy.

Hiện tại, có vẻ như châu Âu có rất ít lựa chọn ngoài việc tiếp tục mua LNG của Nga. Với việc người tiêu dùng đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và giá nhiên liệu tăng cao dẫn đến lạm phát, an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ trong khu vực.

Xem thêm >> ‘EU cần thêm kinh phí để thoát khỏi năng lượng Nga’

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.