TS Võ Trí Thành: ‘Tiến độ giải ngân vẫn là bài toán khó giải’

Ngọc Lưu - 09/04/2022 15:42 (GMT+7)

(VNF) - Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, công cuộc giải ngân vốn ngân sách nhà nước hiện gặp không ít khó khăn. Cho dù nền kinh tế luôn khát vốn, song thực tế cũng cho thấy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua luôn là một bài toán không dễ giải.

VNF
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh.

- Ông đánh giá thế nào về tiến trình đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống cao tốc của Việt Nam trong thời gian qua?

TS Võ Trí Thành: Xét về tổng thể, sự tiến triển của hạ tầng giao thông tại Việt Nam đang có những điểm nghẽn nhất định, một trong số này chính là hệ thống đường sắt của chúng ta vẫn còn rất ngổn ngang. Tương tự, hệ thống đường bộ cũng vậy, dù trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc ưu tiên phát triển đường cao tốc đã được Chính phủ đẩy mạnh nhưng để triển khai thực sự có hiệu quả thì vẫn còn rất khó khăn.

Với hệ thống đường bộ, rõ ràng Việt Nam đang đi rất chậm so với các quốc gia trên thế giới. Điều này thể hiện rõ trong giai đoạn 2016 – 2020 chúng ta vẫn chưa phát triển được hệ thống cao tốc xuyên Việt, đặc biệt là công trình C phía Đông vẫn chậm tiến độ.

Có thể nói, Việt Nam hiện vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ km đường cao tốc trên dân số thấp nhất khu vực và đây cũng là một trong những yếu tố hạn chế tốc độ phát triển chung cũng như tại nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, đầu tư trục lớn chạy từ Bắc vào Nam, song nếu hệ thống giao thông chỉ bố trí theo chiều dọc như vậy thì chưa đủ. Để tuyến cao tốc này thực sự phát huy được hiệu quả, nó phải được kết nối với quốc tế cũng như kết nối nội địa.

- Còn trong thời gian tới thì thế nào thưa ông?

Chính phủ đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu tại Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra. Trong đó, phân bổ nguồn lực đầu tư công được ưu tiên rất nhiều cho việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ cũng đã bổ sung rất nhiều nguồn lực cho lĩnh vực này.

Điều quan trọng nhất là làm sao để “đại lộ sinh đại phú”, những con đường, cây cầu khi hoàn thành tạo ra động lực to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương. Vì vậy, việc sớm hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông, trong đó có cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

- Thủ tướng Chính phủ thời gian qua cũng rất quyết liệt với các bộ ngành và các địa phương để thúc đẩy việc đầu tư cao tốc, ông đánh giá thế nào về quyết tâm của Chính phủ?

Quyết tâm của Chính phủ được thể hiện rõ trong Nghị quyết 18 về triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, với những cơ chế đặc thù để tạo điều kiện tối đa nhất trong việc triển khai các dự án.

Các cơ chế này có thể kể đến như việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Để tạo thuận lợi cho việc cung cấp vật liệu cho dự án, Chính phủ cũng cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù như nâng công suất khai thác không quá 50% với các mỏ cát, sỏi lòng sông đang hoạt động, còn thời hạn khai thác…

Ngoài ra, Chính phủ cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, sẵn sàng giao các địa phương có dự án đi qua làm đầu mối thực hiện nếu đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện.

- Trên thực tế, việc đầu tư cao tốc của chúng ta thường xuyên gặp phải những trở ngại lớn, đặc biệt là về tiến độ và khả năng huy động nguồn lực, theo ông vì sao?

Với một quốc gia đang phát triển và cần phát triển hạ tầng nhiều như Việt Nam thì việc gặp khó trong nguồn lực là điều dễ hiểu. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì chắc chắn sẽ không thể phát triển được. Điều này đặt ra bài toán về việc huy động nguồn lực tư nhân, đồng thời thu hút nguồn vốn ODA. Thời gian qua, việc huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách vào đầu tư hạ tầng giao thông chưa được nhiều.

Mặc dù khung pháp lý đã cơ bản hoàn thiện nhưng việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức PPP của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Các nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn chủ yếu huy động nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tuy nhiên tình trạng nợ xấu của các dự án BOT, BT giai đoạn trước khiến cho thị trường vốn dành cho PPP ngày càng hạn chế. Các tổ chức tín dụng trong nước chưa sẵn sàng cho vay dự án mới, trong khi các tổ chức tín dụng quốc tế còn ngần ngại.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng lực lượng kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng không phải là quá nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp có đủ tiềm lực để thực hiện việc đầu tư hạ tầng giao thông hay cao tốc.

Với nguồn lực ngân sách nhà nước, công cuộc giải ngân cũng gặp không ít khó khăn. Cho dù nền kinh tế luôn khát vốn, song thực tế cũng cho thấy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua luôn là một bài toán không dễ giải. Một lý do khác nữa chính là việc đầu tư dàn trải, manh mún, khiến hiệu quả của việc đầu tư không cao.

- Để giải quyết bài toán này, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư công, theo ông chúng ta cần phải làm gì nữa?

Chính phủ thời gian qua cũng đã có rất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ thể chế để đẩy nhanh và có hiệu quả trong việc giải ngân đầu tư công. Theo tôi, bài toán cần phải giải quyết bây giờ chính là vấn đề ưu tiên. Chúng ta cần phải đánh giá lại tác động để chọn ra những lĩnh vực, những dự án cần được ưu tiên trong bối cảnh nguồn lực có hạn.

Bên cạnh đó, các thủ tục, quy trình lựa chọn, giám sát các nhà đầu tư phải được minh bạch và đơn giản hóa hơn nữa. Các vấn đề pháp lý trong việc đầu tư công hay đầu tư PPP… cũng cần được hoàn thiện hơn nữa. Đồng thời, chúng ta cũng cần đánh giá lại tổng thể hơn về phát triển hạ tầng giao thông. Câu chuyện bây giờ không chỉ là đường bộ, đường sắt, đường thủy hay đường hàng không, mà quan trọng là tạo ra sự lan tỏa và kết nối với thế giới.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Cùng chuyên mục
Tin khác