Tỷ phú người Úc đóng tàu Titanic II với khát vọng 'mang lại hòa bình'

Quốc Anh - 16/03/2024 23:25 (GMT+7)

(VNF) - Đam mê tái hiện lại con tàu lịch sử từng bị chìm năm 1912, tỷ phú người Úc Clive Palmer đã liên tục theo sát, thúc giục kế hoạch đóng tàu Titanic II trong hơn một thập kỷ. Ông Palmer chia sẻ lý do lớn nhất ông muốn tái tạo lại con tàu Titanic này là bởi ông muốn xây dựng một hình ảnh Titanic phiên bản không có kết cục bi thảm.

VNF
Tỷ phú người Úc Clive Palmer muốn đóng tàu Titanic II

Hơn 2.200 người chết sau vụ đắm tàu năm 1912, Titanic được cả thế giới nhắc đến là tai nạn thảm khốc nhất thế giới. Thế nhưng, dấu mốc lịch sử này lại tạo ra ý tưởng độc đáo cho một tỷ phú kỳ lạ có sở thích du lịch trên biển.

Tỷ phú người Úc Clive Palmer đưa ra kế hoạch dựng lại tàu Titanic II vào năm 2012, sau đó ông lại tiếp tục nhắc lại một lần nữa vào năm 2018. Đến tận 6 năm sau, dự án độc lạ này mới được thực hiện. Ngày 13/3 vừa qua, trong cuộc họp báo tại Nhà hát Opera Sydney, tỷ phú Clive Palmer đã chính thức công bố khởi động lại kế hoạch đóng tàu Titanic II.

Nhiều người không khỏi thắc mắc lý do vì sao, ông Palmer lại luôn có một chấp niệm trong nhiều năm trời với tàu Titanic. Trên thực tế, ý tưởng ban đầu chỉ xuất phát từ mục đích muốn “tiêu tiền” của vị tỷ phú. “Làm Titanic thú vị hơn nhiều so với việc ngồi một góc trong nhà và đếm số tiền tôi đang có”, tỷ phú kiếm gần nửa tỷ đô mỗi năm chia sẻ.

Ông Palmer ước mơ được một lần ra khơi trên con tàu Titanic

Giấc mơ kỳ lạ này của ông Palmer lần đầu xuất hiện vào hơn 1 thập kỷ trước. Thế nhưng, hết lần này đến lần khác, kế hoạch đóng tàu phải hoãn lại bởi nhiều yếu tố khách quan.

Đầu tiên, khi đại dịch xuất hiện, dự án trị giá hàng triệu USD buộc phải tạm dừng, toàn bộ các cảng cũng đều phải đóng cửa. Đến khi đại dịch lắng xuống, ông Palmer lại liên tục bị mắc kẹt trong những vụ kiện chống lại chính quyền tiểu bang và liên bang.

Trong thời kỳ Covid-19, tỷ phú Palmer từng là cái tên rất nổi trội bởi ông đã đứng ra phản đối chính quyền bang Tây Úc về quyết định đóng cửa biên giới vào khoảng thời gian này.

Tiếp sau đó, ông lại vướng vào một vụ lùm xùm khác khi yêu cầu chính quyền liên bang Tây Úc bồi thường hàng tỷ USD vì cho rằng dự án quặng sắt Balmoral South cua mình đã bị chính quyền từ chối một cách bất hợp pháp.

Đến một ngày, khi đại dịch qua đi, các tàu du lịch được ra khơi trở lại, ông Palmer liền quyết định quay về sống với giấc mơ Titanic ban đầu.

“Chúng tôi rất vui mừng thông báo rằng sau những trì hoãn không lường trước được, chúng tôi đã tái hợp tác với các đối tác để bắt đầu hành trình biến giấc mơ Titanic ll thành hiện thực. Hãy cùng căng buồm ra khơi”, ông Palmer thông báo.

Hiện nay, các cuộc đấu thầu đang được mở ra nhằm tìm kiếm một công ty đóng tàu vào cuối năm nay. Dự kiến, việc khởi công sẽ diễn ra vào quý I/2025.

Ông Palmer cho biết bản thân ông mong muốn những đơn vị trúng thầu sẽ có trụ sở tại châu Âu, bởi ông cho rằng chỉ có các nhà thầu đến từ châu Âu mới có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn đối với loại tàu này.

Video phối cảnh dài 8 phút được phát trong buổi ra mắt cho thấy cách bố trí con tàu và nội thất mỗi phòng đều có nét tương đồng với Titanic bản gốc, đặc biệt, ngay cả các diễn viên xuất hiện trong video cũng mặc trên mình những trang phục cổ xưa.

Ảnh phối cảnh phòng ăn bên trong con tàu Titanic II

 

Nhiều thiết kế có nét tương đồng với bản gốc

Theo số liệu được công bố, phần thân con tàu sẽ dài 269m và rộng 32,2m, to hơn một chút so với nguyên bản. Với chín tầng và 835 cabin, dự kiến sức chứa của con tàu sẽ lên đến 2.345 hành khách và gần ½ diện tích tàu sẽ để dành cho hành khách hạng nhất.

Đã hơn 1 thế kỷ tính từ thời điểm tàu Titanic bị nhấn chìm dưới băng. Thảm kịch này từng là nguồn cảm hứng cho bộ phim bom tấn đoạt giải Oscar năm 1997 của James Cameron “Titanic”, với sự tham gia của Leonardo DiCaprio và Kate Winslet, đồng thời đã mê hoặc những nhà thám hiểm đại dương đi tìm kiếm xác tàu đắm.

Bom tấn "Titanic" do Leonardo DiCaprio và Kate Winslet thủ vai

Ông Palmer chia sẻ lý do lớn nhất ông muốn tái tạo lại con tàu Titanic này là bởi ông muốn xây dựng một hình ảnh Titanic không có kết cục bi thảm, và từ đó, truyền tải thông điệp khẳng định tầm quan trọng của hoà bình thế giới.

“Tất cả chúng ta đều biết cách tạo ra một cuộc chiến. Thế nhưng, để đạt được hòa bình trên khắp thế giới khó hơn rất nhiều. Titanic II có thể sẽ là thứ đem lại hoà bình”, ông Palmer nhận định.

Theo CNN
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.