Tài chính

Tỷ phú Trần Đình Long kỳ vọng sớm hoàn thiện thủ tục để khởi công 'siêu dự án' thép Dung Quất 2

(VNF) - "Hòa Phát sẽ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công Dự án Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất 2. Công ty đặt mục tiêu sản xuất 8 triệu tấn thép thô, tiêu thụ hết lượng sản phẩm sản xuất ra, tiếp tục dẫn đầu thị phần toàn quốc về thép xây dựng, ống thép và bò Úc", tỷ phú Trần Đình Long tiết lộ về tham vọng của Hòa Phát trong năm nay.

Tỷ phú Trần Đình Long kỳ vọng sớm hoàn thiện thủ tục để khởi công 'siêu dự án' thép Dung Quất 2

Tỷ phú Trần Đình Long kỳ vọng sớm hoàn thiện thủ tục để khởi công 'siêu dự án' thép Dung Quất 2

Trong thông điệp gửi tới cổ đông mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) cho biết năm 2020, đại dịch Covid-19 càn quét trên phạm vi toàn cầu, đi kèm là ngổn ngang khủng hoảng đối với hầu hết ngành nghề kinh doanh, kéo theo nhiều hệ lụy về việc làm và tổn thất kinh tế. Tuy nhiên, năm 2020 lại là năm ghi nhận nhiều thành quả đáng tự hào nhất của Hòa Phát.

"Hệ sinh thái Hòa Phát được tạo dựng trên nền tảng chuỗi sản xuất khép kín đã thể hiện sức bật mạnh mẽ của mình", tỷ phú Trần Đình Long nhấn mạnh.

Được biết, năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đạt 13.506 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch đề ra, tăng 78% so với cùng kỳ và cao nhất từ trước tới nay. Doanh thu đạt trên 91.000 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019 và gấp 6,3 lần sau 10 năm (so với năm 2010).

Lĩnh vực sắt thép là mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này. Doanh thu nhóm này tăng trưởng 81%, lợi nhuận từ các sản phẩm thép tăng 94%. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát vẫn giữ thị phần số 1 tại Việt Nam, lần lượt là 32,5% và 31,7%. Sản phẩm Tôn Hòa Phát ghi nhận doanh số tăng tới gần 150% so với cùng kỳ. Sản  lượng  bán  hàng  thép rút dây, mạ dây, thép thanh dự ứng lực (PC Bar) đạt 100.000 tấn, xuất khẩu 30.000 tấn, tăng gấp  đôi so với năm 2019. Lượng đơn đặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) vượt 300% so với công suất của Hòa Phát.

Trong thông điệp gửi tới cổ đông, tỷ phú Trần Đình Long nhấn mạnh đến hệ sinh thái của Hòa Phát.

Cuối năm 2020, Hòa Phát cơ cấu lại mô hình tổ chức với 4 nhóm ngành bao gồm: Gang thép, Sản phẩm thép, Nông nghiệp và Bất động sản. 4 nhóm ngành được quản lý theo từng tổng công ty độc lập.  

Tuy nhiên các lĩnh vực đều phát triển với tính tương hỗ cao trong hệ sinh thái. Chẳng hạn thép cuộn chất lượng cao (SAE) là nguồn nguyên liệu cho sản xuất thép rút dây, dự ứng lực, lõi que hàn,…HRC là nguồn nguyên liệu cho ống thép, tôn mạ. Ống thép, tôn được sử dụng trong quá trình chế tạo các sản phẩm nội thất, điện lạnh. Nhà máy thức ăn chăn nuôi ngoài bán ra thị trường còn cung cấp khối lượng lớn cho cho hệ thống trang trại chăn nuôi heo, gà của tập đoàn này.

"Hòa Phát sẽ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công Dự án Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất 2. Công ty đặt mục tiêu sản xuất 8 triệu tấn thép thô, tiêu thụ hết lượng sản phẩm sản xuất ra, tiếp tục dẫn đầu thị phần toàn quốc về thép xây dựng, ống thép và bò Úc", tỷ phú Trần Đình Long tiết lộ về tham vọng của Hòa Phát trong năm nay.

Bên cạnh đó, Hòa Phát sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với sản phẩm nông nghiệp, điện lạnh. Đối với lĩnh vực bất động sản, tập đoàn này cho biết sẽ tập trung mở rộng lĩnh vực bất động sản nhà ở với một số dự án tại các vùng động lực kinh tế, thanh khoản cao. 

Năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 31% và 33% so với năm 2020.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, HĐQT Hòa Phát dự trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 35%, trong đó chi trả 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu, thời gian thực hiện dự kiến trong quý II-III/2021. Doanh nghiệp cũng có kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30%.

Một nội dung quan trọng khác, đó là trình đại hội đồng cổ đông thông qua thực hiện dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, có diện tích dự kiến 283,73 ha tại xã Bình Đông và xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến 85.000 tỷ đồng, trong đó vốn cố định dự kiến 70.000 tỷ đồng, vốn lưu động dự kiến 15.000 tỷ đồng.

Công suất dự án dự kiến là 5,6 triệu tấn/năm, trong đó, công suất sản xuất HRC dự kiến 4,6 triệu tấn/năm; thép thanh, thép dây chất lượng cao dự kiến 1 triệu tấn/năm. Dự án dự kiến xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng.

Tin mới lên