Ứng phó mưa bão: tiêu chí số một là đảm bảo an toàn

PV - 28/07/2016 08:26 (GMT+7)

(VNF) – Đó là khẳng định của ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty điện lực miền Bắc (EVN NPC), khi trả lời về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Tổng công ty trong mùa mưa bão 2016.

Theo ông Tuấn, những năm gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã gây nên nhiều hiện tượng thời tiết phức tạp, khắc nghiệt, nhiều khi không tuân theo một quy luật nào, ảnh hưởng rất lớn đến ngành điện. Đặc biệt là với EVNNPC, khi 2/3 địa bàn quản lý của Tổng công ty là đồi núi.

Vì thế, công tác PCTT đã được chú trọng ngay từ những ngày đầu tiên với mục tiêu là ứng phó kịp thời, chủ động mọi tình huống nhằm cung cấp điện ổn định, vận hành an toàn. Tuy nhiên, "ưu tiên số một vẫn là đảm bảo an toàn cho dân, sau đó mới tiến hành sửa chữa, khắc phục sự cố rồi cấp điện lại", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC

Sẵn sàng các phương án phòng chống

Theo báo cáo của EVNNPC, trong 6 tháng đầu năm, 100% đơn vị thành viên của Tổng công ty đã hoàn thành việc thành lập Ban, tiểu ban, đội xung kích; đồng thời lập và thực hiện đầy đủ các phương án diễn tập phòng chống thiên tai.

Cùng với đó, việc kiểm tra vận hành đường dây và trạm biến áp, thực hiện thí nghiệm thiết bị và lập bảng kê thiết bị dự phòng cũng được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sửa chữa khi có sự cố xảy ra.

Ngoài ra, các đơn vị còn chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến đối với người dân về công tác an toàn về điện trong mùa mưa bão.

Cũng theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, lốc xoáy, sạt lở, băng tuyết… gây thiệt hại rất lớn về thiết bị cho hàng chục đơn vị thành viên như PC Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Tĩnh… Nhưng do đã được chuẩn bị tốt từ đầu nên công tác khắc phục được các đơn vị thực hiện nhanh chóng, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định.

Giải pháp phù hợp cho từng địa phương

Ông Hồ Mạnh Tuấn cho biết, công tác PCTT&TKCN ở tất cả các đơn vị đều được Tổng công ty chú trọng và quan tâm như nhau. Tuy nhiên, tùy từng đặc thù của các địa phương mà sẽ có những giải pháp riêng, phù hợp với đặc điểm lưới điện của địa bàn khu vực.

Chẳn hạn như với địa bàn đảo, là điểm đầu tiên hứng bão với cường độ gió rất mạnh thì công tác kiểm tra, rà soát sẽ được thực hiện sớm hơn, kĩ lưỡng hơn so với các nơi khác. Ngoài ra, chất lượng lưới điện ngoài đảo như thiết bị sà xứ, đường dây, trạm biến áp cũng được thiết kế, đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cao để chống lại khí hậu biển, ăn mòn kim loại.

Còn với những địa bàn mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn thì ưu tiên là sửa chữa, khắc phục những điểm xung yếu, có khả năng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. 

Ông Tuấn thông tin thêm, trong 7 năm qua, EVNNPC đã tiếp nhận hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn từ gần 4000 xã, đa số trong đó đều cũ nát, không đảm bảo vận hành. Trong thời gian qua, EVNNPC đã tranh thủ các nguồn vốn tự có như vốn sửa chữa lớn, vốn sửa chữa thường xuyên...  để cải tạo nâng cao hệ thống lưới điện hạ áp sau tiếp nhận nhằm đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật vận hành, đảm bảo an toàn tối thiểu. 

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay, EVNNPC đang quản lý vận hành đối với 27 tỉnh thành miền bắc, trong đó, miền núi và ven biển là những địa bàn chịu ảnh hưởng mạnh nhất của các hiện tượng thiên tai. Đối với các địa bàn này, ngoài tuân thủ sự chỉ đạo của Tổng công ty, các đơn vị thành viên đều có những kinh nghiệm riêng trong ứng phó.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Điện lực Lạng Sơn, địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của mưa lũ, gió lốc, lũ cục bộ cho biết kinh nghiệm của công ty là xây dựng bản đồ, khi xảy ra mưa bão thì chủ động cắt điện sớm ở các vị trí ngập nước để đảm bảo an toàn. Ngoài ra việc di chuyển các cột trung thế cũng là một hướng ưu tiên trong PCTT, đặc biệt là ở huyện Chi Lăng, nơi dòng chảy thường xuyên thay đổi. 

Còn với vị trí của một tỉnh ven biển, ông Phạm Văn Tắm, Phó Giám đốc phụ trách an toàn Công ty điện lực Hải Phòng chia sẻ, kinh nghiệm của Hải Phòng qua các năm ứng phó với bão, ngập lụt là trong thiết kế hệ thống lưới điện và lắp đặt thiết bị phải tính đến hệ số an toàn. Cùng với đó là kết hợp chặt chẽ với Sở Công thương và chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Cùng chuyên mục
Tin khác