Vaccine vừa được Vingroup nhận chuyển giao công nghệ tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với biến chủng Delta

Mộc An - 21/08/2021 12:45 (GMT+7)

(VNF) - Việc công ty Mỹ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 theo công nghệ mRNA cho VinBioCare (thành viên của Vingroup) sẽ không chỉ giúp Việt Nam sản xuất hàng triệu liều vaccine mỗi năm mà còn giúp thúc đẩy ngành công nghệ sinh học đang phát triển của đất nước trong tương lai.

VNF
Các nhà khoa học của Arcturus Therapeutics (Mỹ) nghiên cứu vaccine trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Arcturus.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã quyên tặng nhiều thiết bị bảo hộ cá nhân, máy thở và các vật tư y tế để giúp Mỹ ngăn chặn lây lan của virus. Những khoản quyên góp này đã thể hiện tấm lòng hảo tâm sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với Mỹ và nhấn mạnh mối quan hệ gần gũi giữa hai nước.

Giờ đây, khi Việt Nam phải đối mặt với giai đoạn bùng phát dịch bệnh khó khăn nhất từ trước tới nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đáp trả lại lòng tốt này bằng cách tài trợ hàng triệu liều vaccine cũng như các khoản tài chính khác cho Việt Nam.

Theo tinh thần hợp tác này, một cột mốc mới đã đạt được trong tháng vừa qua khi công ty thành viên VinBioCare của Vingroup đã hoàn tất thoả thuận chuyển giao công nghệ độc quyền với đối tác Arcturus Therapeutics có trụ sở tại Mỹ.

Theo The Asia Group, công ty hỗ trợ thỏa thuận chuyển giao với tư cách nhà cố vấn chiến lược, việc chuyển giao này sẽ không chỉ giúp Việt Nam sản xuất hàng triệu liều vaccine mỗi năm mà còn giúp thúc đẩy ngành công nghệ sinh học đang phát triển của đất nước trong tương lai.

Theo thỏa thuận, Arcturus sẽ cung cấp cho VinBioCare công nghệ mRNA tiên tiến để tiến hành sản xuất vaccine Covid-19 sử dụng tại Việt Nam và khắp Đông Nam Á.

Nghiên cứu tiền lâm sàng đã cho thấy vaccine của Arcturus tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với các biến chủng đáng lo ngại như Delta. Như vậy, nó có thể đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp Việt Nam ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ tư và đưa nền kinh tế hồi phục trở lại.

Trong thời gian tới, VinBioCare sẽ xây dựng cơ sở sản xuất và phối hợp với Bộ Y tế để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho vaccine, với dự kiến xin cấp phép sử dụng vào tháng 12 năm nay và bắt đầu sản xuất hàng loạt từ đầu năm sau.  

Cũng theo The Asia Group, thoả thuận này không chỉ có ý nghĩa với công việc quản lý bệnh dịch Covid-19 trong thời gian ngắn. Sự chuyển giao công nghệ mRNA tiên tiến sẽ giúp nâng cao đáng kể tiềm năng công nghệ sinh học của Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành y tế. Nó chính là một bước tiến khổng lồ cho Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tham vọng trở thành nhà tiên phong trong công nghệ sinh học trong khu vực cũng như trên toàn cầu.

Thoả thuận giữa Vingroup và Arcturus còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại Việt – Mỹ, phản ánh lên những thành quả chung có thể đạt được khi hợp tác trong lĩnh vực tư nhân được đưa lên tầm cao mới. Nó thể hiện nỗ lực tận tâm của đôi bên trong việc thúc đẩy đối tác một cách kịp thời và hiệu quả để giải quyết các thách thức nghêm trọng về sức khoẻ cộng đồng.

Xem thêm >> Ba Lan tặng hơn 500.000 liều vaccine AstraZeneca và lô thiết bị y tế 4 triệu USD cho Việt Nam

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.