Ngân hàng

VAMC: Lượng phát hành TPĐB tối đa năm 2020 là 15.000 tỷ, xúc tiến thành lập sàn giao dịch nợ

(VNF) - VAMC cho biết sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng (TCTD) để thực hiện mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các TCTD có tỷ lệ nợ xấu lớn hơn 3% với phạm vi và số lượng nợ xấu theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

VAMC: Lượng phát hành TPĐB tối đa năm 2020 là 15.000 tỷ, xúc tiến thành lập sàn giao dịch nợ

VAMC: Lượng phát hành TPĐB tối đa năm 2020 là 15.000 tỷ, xúc tiến thành lập sàn giao dịch nợ

Theo báo cáo Kế hoạch Sản xuất kinh doanh và Đầu tư phát triển năm 2020 vừa công bố, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho hay năm 2019, VAMC đã thực hiện mua 381 khoản nợ của 9 tổ chức tín dụng (TCTD) với tổng dư nợ gốc nội bảng là 20.544 tỷ đồng, giá mua nợ là 19.846 tỷ đồng, đạt 99,23 % kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt.

Lũy kế từ khi thành lập đến 31/12/2019, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng TPĐB với tổng dư nợ gốc nội bảng là 359.393 tỷ đồng, giá mua nợ là 327.413 tỷ đồng.

Cùng với đó, doanh nghiệp đặc biệt này cũng đã thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường được 37 khoản nợ với tổng giá mua nợ là 2.247 tỷ đồng, góp phần xử lý hơn 2.131 tỷ đồng dư nợ xấu cho TCTD. Lũy kế từ năm 2017 đến 31/12/2019, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường đạt 8.013 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 8.207 tỷ đồng.

Trong năm, VAMC đã xử lý 69.778 tỷ đồng dư nợ gốc (đạt 140% kế hoạch NHNN phê duyệt). Lũy kế đến 31/12/2019 tạm tính đạt 258.205 tỷ đồng dư nợ gốc xử lý. Tổng số tiền thu hồi nợ trong năm 2019 là 32.273 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2019 là 151.619 tỷ đồng.

Cùng thời gian, VAMC cũng đã miễn giảm 1.019 tỷ đồng tiền lãi.

Năm 2020, VAMC đặt kế hoạch phát hành tối đa 15.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Bên cạnh đó, mua 5.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường. Dư nợ gốc xử lý dự kiến ở mức 50.000 tỷ đồng.

Phía VAMC cho biết sẽ phối hợp với TCTD để thực hiện mua nợ bằng TPĐB của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các TCTD có tỷ lệ nợ xấu lớn hơn 3% với phạm vi và số lượng nợ xấu theo quyết định của NHNN.

Cùng với đó, tập trung thực hiện mua theo giá thị trường đối với các khoản nợ xấu đã được VAMC mua bằng TPĐB; rà soát danh sách các khoản nợ đang hạch toán nội, ngoại bảng tại TCTD, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua để có cơ sở đề xuất thực hiện mua khoản nợ theo giá thị trường.

Doanh nghiệp này cũng dự định trình NHNN và các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng theo nội dung tại Đề án Cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020, hướng tới 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 28/QĐ - NHNN ngày 5/1/2018 của Thống đốc NHNN và Đề án tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1058/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/7/2017.

Tại Quyết định 1058/QĐ - TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt đề án “ Tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, VAMC được tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn mua nợ xấu theo giá thị trường, bổ sung cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và nâng cao năng lực tài chính...

Tuy nhiên đến ngày 27/11/2017, VAMC mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1699/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của VAMC trong năm nay là phát triển thị trường mua bán nợ, thiết lập, vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC.

Theo đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu triển khai xúc tiến việc thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản; tổ chức thực hiện các hoạt động của Sàn giao dịch nợ; xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư và tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung.

Đồng thời chủ động tìm kiếm mở rộng đối tác, các nhà đầu tư để thực hiện tư vấn, môi giới mua, bán nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ trên cơ sở danh mục nợ xấu đã mua được phân loại; công khai hoạt động mua, bán nợ xấu.

Ngoài ra, triển khai các nghiệp vụ mới như bảo lãnh, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay...

Tin mới lên