Vàng thế giới giảm giá mạnh, Trung Quốc nhập vàng nhiều nhất trong 5 năm gần đây

Bích Thủy - 20/08/2022 13:27 (GMT+7)

(VNF) - Giá vàng hôm nay (20/8) ở thị trường trong nước giảm mạnh xuống sát ngưỡng 67 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới giảm giá trong 5 phiên giao dịch liên tiếp, tính ra giảm đến 2,6% trong tuần này (khoảng 1,7 triệu đồng).

VNF
Hiện biên độ giá mua và bán vàng vẫn được duy trì ở khoảng 1 triệu đồng/lượng, mức chênh khá cao cho thấy thị trường mua bán vàng vẫn còn nhiều biến động.

Hôm nay (20/8), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,2- 67,2 triệu đồng/lượng.

So với 1 tuần trước, giá vàng trong nước đã giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và cả chiều bán ra. Còn so với mức đỉnh cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 8/3, giá vàng hôm nay đã giảm 7,2 triệu đồng mỗi lượng.

Hiện biên độ giá mua và bán vàng vẫn được duy trì ở khoảng 1 triệu đồng/lượng, mức chênh khá cao trong các tuần gần đây cho thấy thị trường mua bán vàng miếng vẫn còn nhiều biến động, nên các đơn vị kinh doanh kéo giãn khoảng cách chênh lệch mua bán để dự phòng giá vàng tăng giảm quá nhanh.

Giá vàng thế giới ngày 20/8 đang ở 1.748,1 USD/ouce, giảm đến 56 USD/ounce so với cuối tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh, mua bán quanh mức 51,7- 52,6 triệu đồng/lượng, giảm 900.000 đồng/lượng so với tuần trước. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng trang sức đầu tuần này tiếp tục duy trì ở mức 900.000 đồng/lượng.

Tuần này, giá vàng trong nước cố níu giữ mức 67 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục giảm mạnh. Hiện chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới đã tăng thêm cả triệu đồng/lượng so với tuần trước do mức giảm ít hơn giá thế giới. Cụ thể giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá thấp hơn giá vàng SJC khoảng 17,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tuần này đã giảm mạnh rời xa ngưỡng 1.800 USD/ounce khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.748,1 USD/ounce, ghi nhận phiên giao dịch thứ 5 liên tiếp giảm giá.

Do USD tăng giá nên lãi suất trái phiếu Mỹ vọt lên 3%/năm. Từ đó, không ít nhà đầu tư tích cực thu gom USD để mua trái phiếu làm cho đồng tiền này tăng giá trên diện rộng, tác động tiêu cực đến giá vàng hôm nay của thế giới.

Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.747,6 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.762,9 USD/ounce.

USD đã tăng lên mức cao nhất trong một tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Theo chuyên gia công ty môi giới giao dịch GoldSilver Central, đồng USD mạnh chắc chắn đang đè nặng lên giá vàng vào thời điểm hiện tại.

SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới giảm 0,32% lượng vàng nắm giữ, xuống còn 989,01 tấn.

Trang Bloomberg dẫn dữ liệu từ Cơ quan Hải quan Liên bang Thụy Sỹ cho thấy Trung Quốc đã mua hơn 80 tấn vàng từ Thụy Sỹ vào tháng 7/2022.

Lượng vàng mà Trung Quốc nhập khẩu tháng trước được báo cáo là hơn gấp đôi tổng số vàng nhập khẩu trong tháng 6 và gấp 8 lần so với tháng 5.

Nhập khẩu vàng ở Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 5 năm, sau thời gian tạm lắng do phong tỏa ngừa Covid-19 ở các thành phố lớn của đất nước.

Trên thị trường châu Á, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần vào chiều 19/8, khi đồng USD mạnh lên và triển vọng Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất ảnh hưởng tới kim loại quý này.

Tính đến thời điểm hiện tại trong tuần, giá vàng đã giảm 2,6%.

Theo hãng tin Reuters, về mặt kỹ thuật, giá vàng có thể giảm xuống 1.744 USD/ounce vì kim loại này đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.759 USD/ounce trước đó.

Cùng chuyên mục
Tin khác