Giá vàng đắt nhất thế giới, người Việt vẫn tiêu thụ 14 tấn vàng

Bích Thủy - 28/07/2022 20:00 (GMT+7)

(VNF) - Nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam tăng từ 12,6 tấn trong quý I/2021 lên 14 tấn trong quý II/2022, tương đương tăng 11% so với cùng kỳ. Theo cố vấn Hội đồng vàng thế giới (WGC) tại Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh, nhu cầu vàng tăng do khủng hoảng giá dầu, lương thực, biến động trên thị trường chứng khoán... kích thích nhà đầu tư tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro.

VNF
Nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam tăng từ 12,6 tấn trong quý I/2021 lên 14 tấn trong quý II/2022, tương đương tăng 11% so với cùng kỳ (ảnh minh họa)

Theo báo cáo “Xu hướng nhu cầu vàng” do Hội đồng vàng thế giới vừa công bố, nhu cầu vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường phi tập trung OTC) trong quý II/2022 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 948 tấn.

Tuy nhiên, nhờ dòng vốn ETF (Exchange Traded Fund - Quỹ hoán đổi danh mục) mạnh mẽ trong quý I, nhu cầu vàng nửa đầu năm 2022 vẫn tăng 12% so với nửa đầu năm 2021, ở mức 2.189 tấn.

Tại Việt Nam, nhu cầu vàng của người tiêu dùng đã tăng từ 12,6 tấn trong quý II/2021 lên 14 tấn trong quý II/2022, tăng 11% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng này đạt được bởi tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn trong quý II/2021 lên 9,6 tấn trong cùng kỳ năm 2022; đồng thời nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn trong quý II/2021 lên 4,5 tấn trong quý II/2022. 

Nhìn toàn cảnh thế giới, nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng duy trì ổn định so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 245 tấn trong quý II. Nhu cầu tăng mạnh đáng chú ý tại Ấn Độ, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó cân bằng tình hình nhu cầu vàng thấp tại Trung Quốc do phần nào bị ảnh hưởng bởi việc tiếp tục phong tỏa để phòng dịch Covid-19.

Ước tính, nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng toàn cầu giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021, xuống còn 526 tấn trong nửa đầu năm. 

Trong lĩnh vực trang sức, nhu cầu vàng quý II tăng 4% so với cùng kỳ năm, lên 453 tấn nhờ nhu cầu tại Ấn Độ tăng trở lại, tăng thêm 49% so với quý II/2021. Sự tăng trưởng mạnh tại Ấn Độ đã giúp cân bằng với mức nhu cầu giảm đáng kể 29% tại Trung Quốc lục địa, nơi mà thị trường đang suy yếu do các lệnh phong tỏa làm đình trệ hoạt động kinh tế, hạn chế việc chi tiêu của người dân.

Theo đại diện WGC, do lo ngại về tình trạng lạm phát và sự suy yếu của Việt Nam Đồng, các nhà đầu tư đã tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro. 

Số liệu ghi nhận từ các đơn vị kinh doanh vàng lớn ở trong nước, doanh thu từ vàng miếng tăng từ 30% - trên 60% so với 6 tháng đầu năm 2021. Loại trừ yếu tố vàng tăng giá, số lượng vàng miếng mua - bán từ các đơn vị tăng khoảng 10% - 15%, có nơi trên 20%. WGC đánh giá, việc sở hữu vàng của người dân Việt Nam rất cao. 

Trong các nghiên cứu của WGC, một trong những lí do khiến người tiêu dùng Việt Nam mua nhiều vàng, đặc biệt là vàng miếng, là do người dân lựa chọn vàng miếng như loại tài sản trú ẩn an toàn, phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá, lạm phát.

Nghiên cứu về người tiêu dùng của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam cho thấy 81% nhà đầu tư tại Việt Nam cảm thấy vàng khiến họ an tâm về lâu dài và 79% tin rằng vàng là biện pháp bảo vệ tốt trước lạm phát và biến động tiền tệ.

Lý giải về nguyên nhân tiêu thụ vàng đang tăng, ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia của WGC tại Việt Nam, cho rằng dù Covid-19 đã giảm mức ảnh hưởng, nhưng lạm phát toàn cầu là nguyên nhân lớn nhất, các nguy cơ dẫn đến lạm phát ngày càng trầm trọng hơn nếu chiến sự ở châu Âu kéo dài, biến động trên thị trường chứng khoán, cộng thêm giá xăng dầu, giá lương thực tăng toàn cầu…

Cùng chuyên mục
Tin khác