Vành đai 3 TP. HCM: Kinh phí bồi thường GPMB lên gần 5.000 tỷ đồng

Trần Lê - 18/07/2023 15:58 (GMT+7)

(VNF) - Ban chỉ huy dự án thành phần 2 dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM vừa có báo cáo về kết quả thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (GPMB) của dự án.

VNF
Bồi thường gần 5.000 tỷ đồng GPMB cho Vành đai 3 TP. HCM (ảnh minh họa)

Tình đến hết ngày 17/7, huyện Hóc Môn là địa phương đầu tiên hoàn tất công tác bàn giao mặt bằng. 330 hộ dân có tổng diện tích đất 99ha bị giải toả đã nhận được 1.167 tỷ đồng tiền bồi thường. 

Tỷ lệ bàn giao mặt bằng của huyện Củ Chi đạt 97,6%. Trong 383 trường hợp tại huyện này bị ảnh hưởng bởi dự án, đã có 343 hộ nhận bồi thường tổng cộng 1.358 tỷ đồng. Tổng diện tích đất của các hộ dân tại huyện Củ Chi đã bàn giao đạt 63,7ha/65,2ha. 

Huyện Bình Chánh đã chi 466 tỷ đồng bồi thường cho 147 hộ dân. Diện tích đất các hộ dân đã bàn giao tính đến nay đạt 137,4ha, tương ứng 94,1%. 

Với 572 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, tính đến nay, TP .Thủ Đức bồi thường cho 225 hộ dân với số tiền 1.827 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đã bàn giao đạt 74,2ha/100ha. Trung bình, mỗi hộ dân tại TP. Thủ Đức được chi bồi thường hơn 8 tỷ đồng.

Theo Ban chỉ huy dự án thành phần 2 dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM, trong 1.678 trường hợp trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi dự án, đến nay đã có 968 hộ dân nhận bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền hơn 4.818 tỷ đồng. 

So với tổng diện tích 410,4ha đất cần thu hồi, tính đến ngày 17/7, tổng diện tích đất đã bàn giao tại 4 địa phương đạt 374,2ha, tương ứng 91,17%. Trong đó có 174,3ha đất do Nhà nước trực tiếp quản lý và tổ chức quản lý.

Chính thức khởi công vào ngày 18/6 vừa qua, dự án Vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài 76km. Dự án đi qua địa phận TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 75.300 tỷ đồng. 

Tại TP. HCM, đường Vành đai 3 đi qua TP. Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, với tổng chiều dài 47km. Tổng mức đầu tư đoạn đường này hơn 41.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 18.000 tỷ đồng. 

Còn một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng do chưa đồng thuận với mức giá bồi thường. Hoặc do tình trạng mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay qua nhiều chủ sở hữu dẫn đến khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu, nguồn gốc pháp lý đất. 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.