Vay vàng mua đất, nhà đầu tư bất động sản 'méo mặt' vì giá vàng liên tục phá đỉnh
Nhiều nhà đầu tư phải “méo mặt” khi đã vay vàng để mua bất động sản, trong khi giá vàng gần đây liên tục tăng mạnh.
Cuối năm 2020, anh Nguyễn Phong (Nam Định) mua một căn nhà trong ngõ đã xây dựng 5 tầng với diện tích mỗi sàn là 32m2 tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) với mức giá 2,7 tỷ đồng. Với số tiền vốn có khoảng 700 triệu đồng, anh Phong vay người thân 10 lượng vàng, không mất lãi. Số tiền thiếu còn lại anh Phong vay ngân hàng.
“Ở quê tôi đa phần mọi người dư tiền sẽ đều mua vàng để tích sản, nên nếu muốn vay đôi khi phải chấp nhận vay vàng. Thời điểm gia đình tôi vay giá vàng đang ở mức 54 - 55 triệu đồng/lượng. Với 10 lượng vàng tôi đem bán được khoảng hơn 540 triệu đồng. Vì vay vàng của người thân không mất lãi nên vợ chồng tôi tập trung trả nợ ngân hàng trước. Vợ chồng cũng bàn tính, khi giá vàng xuống thấp sẽ mua để trả. Nào ngờ từ năm 2022 đến nay giá vàng liên tục phá đỉnh”, anh Phong than thở.
Anh Phong nhẩm tính, nếu bây giờ người thân đòi lại số vàng đã vay, với mức giá hiện tại khoảng gần 90 triệu đồng/lượng (cập nhật lúc 14h ngày 13/5/2024), 10 lượng vàng sẽ có giá 900 triệu đồng. “Mới hơn 3 năm, số tiền vay đã tăng gần gấp đôi, thiệt hại nặng hơn vay ngân hàng. Nếu giá tiếp tục tăng cao chúng tôi sẽ mất nhiều hơn nữa”, anh Phong nói thêm.
Đồng cảnh ngộ, chị Trần Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cuối tháng 10 năm ngoái, nhiều lô đất nền tại các tỉnh đã giảm giá khá sâu. Khi đó, gia đình chị tìm được một mảnh đất ưng ý có diện tích 500m2 tại Bắc Giang với mức giá 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì có trong tay chỉ có trong tay gần 3 tỷ đồng, chị Hà đã hỏi mượn người thân 15 lượng vàng.
“Ở quê mọi người đều có xu hướng ‘ăn chắc mặc bền’ nên cứ có tiền dư là mua vàng tích trữ đến khi giá tăng mới bán hoặc sẽ để dành cho con cháu. Nên hầu hết đều không có sẵn tiền mặt, muốn vay tôi phải chấp nhận vay vàng. Khi đó, giá vàng khoảng 71 triệu đồng/lượng, tôi nghĩ giá đã đạt đỉnh. Do đó, đến lúc phải trả vàng cùng lắm cũng chỉ bằng khi vay hoặc sẽ thấp hơn”, chị Hà nói.
Thời điểm bán đi, chị Hà thu về được khoảng 1,05 tỷ đồng và nhanh chóng xuống tiền chốt lô đất đã xem. Tuy nhiên, gần đây giá vàng liên tục tăng mạnh, trong khi mảnh đất mua trước đó tăng chưa được bao nhiêu khiến chị Hà “méo mặt”.
“Mới chỉ chưa đầy 1 năm số tiền tôi vay đã tăng khoảng 25 - 30%, như này còn lỗ nhanh hơn cả mua đất lúc đỉnh. Bây giờ tôi chỉ mong vàng sớm điều chỉnh bình ổn trở lại. Đây cũng là lần đầu tiên tôi vay vàng nên chưa lường hết rủi ro”, chị nói.
Thực tế, anh Phong và chị Hà không phải trường hợp hiếm gặp. Thời gian gần đây giá vàng biến động nhanh, mạnh khiến nhiều người vay vàng cảm thấy “sốc”.
Với bối cảnh thị trường bất động sản hiện tại, nhiều chuyên gia cũng đã khuyên nhà đầu tư chưa nên sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư. Bởi thị trường địa ốc có thể đã chạm đáy và từ từ đi lên nhưng với đặc tính chu kỳ, nhà đầu tư có thể phải “ôm” đất rất nhiều năm.
Phòng chống rửa tiền, yêu cầu DN vàng thực hiện nghiêm chứng từ, hóa đơn điện tử
- Giá vàng đột ngột giảm sâu: 'Bốc hơi' 5 triệu/lượng, khuyến cáo người dân cẩn trọng 13/05/2024 11:39
- Nguy cơ rửa tiền qua vàng: Mua bán phải xuất hoá đơn, tính chuyện cấm thanh toán tiền mặt 12/05/2024 01:30
- Vị thế độc quyền vàng miếng: Doanh thu giảm không phanh, SJC khó tìm lại thời hoàng kim? 13/05/2024 07:00
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.