VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước ‘xét lại’ việc hạn chế giải ngân trực tiếp của công ty tài chính

Lê Nguyễn - 22/04/2019 15:21 (GMT+7)

(VNF) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

VNF
VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước ‘xét lại’ việc hạn chế giải ngân trực tiếp của công ty tài chính

Cân nhắc quy định hạn chế giải ngân trực tiếp

Điều 4a của dự thảo tập trung vào việc hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay thông qua hai quy định: chỉ giải ngân trực tiếp khi khách hàng có lịch sử tín dụng tốt; và tổng dư nợ giải ngân trực tiếp không quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.

Lý giải cho quy định này, cơ quan soạn thảo cho rằng: “cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay” và “để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả”.

Tuy nhiên VCCI cho rằng hiện chưa rõ tình hình nợ xấu cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính ở mức độ nào, đã có trường hợp công ty tài chính nào mất thanh khoản vì lý do cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp quá mức hay chưa?

Kể cả trong trường hợp đã có công ty tài chính mất thanh khoản vì cho vay tiêu dùng thì liệu có cần thiết phải áp dụng biện pháp này không khi nó sẽ làm tăng chi phí kinh doanh của các công ty tài chính, khiến cho việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng trở nên đắt đỏ và khó khăn hơn.

Ngoài ra, VCCI cũng lưu ý rằng cùng là hoạt động cấp tín dụng, nhưng mục tiêu quản lý các ngân hàng khác so với mục tiêu quản lý các công ty tài chính.

“Đối với các ngân hàng, do huy động tiền gửi từ cá nhân, nên việc bảo đảm thanh khoản, bảo đảm an ninh tài chính – tiền tệ là mục tiêu quan trọng. Do đó, việc áp dụng các quy định để chống nợ xấu trong hoạt động cấp tín dụng là rất cần thiết. Đối với các công ty tài chính thì mục tiêu quản lý theo chúng tôi cần  hướng vào việc chống gian lận, lừa đảo, mất an ninh trật tự”, VCCI nhấn mạnh.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về việc đưa ra chính sách hạn chế giải ngân trực tiếp, cần giải trình rõ hơn về sự cần thiết của quy định này trong bối cảnh đẩy lùi tín dụng đen, đặc biệt là vấn đề thực trạng nợ xấu và tính thanh khoản của các công ty tài chính.

Cần bổ sung quy định về cung cấp thông tin

Về vấn đề cung cấp thông tin cho khách hàng vay, VCCI cho biết nhiều trường hợp mâu thuẫn giữa khách hàng vay và công ty tài chính xuất phát từ việc khách hàng vay không nắm rõ thông tin về quyền và nghĩa vụ của hai bên.

“Đây cũng là cơ hội để một số nhân viên của các công ty tài chính có thể lợi dụng để xâm phạm quyền lợi hợp pháp của khách hàng như đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua. Giải pháp tốt nhất để chống lại hiện tượng này là các khách hàng vay phải được cung cấp đầy đủ thông tin về quyền và nghĩa vụ của hai bên”, VCCI nhận xét.

Theo VCCI, mặc dù Điều 10.4 và Điều 10.5 của Thông tư 43 đã có quy định yêu cầu công ty tài chính phải: cung cấp dự thảo hợp đồng cho khách hàng trước khi ký; giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực nội dung hợp đồng; niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và website; lấy xác nhận của khách hàng về việc đã được cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Tuy nhiên, trên thực tế, có trường hợp công ty tài chính, nhân viên công tài chính không thực hiện đầy đủ quy định này. Pháp luật cũng không có quy định về chế tài hay hệ quả pháp lý bất lợi nào cho các công ty tài chính khi không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trên.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ cung cấp thông tin của công ty tài chính cho khách hàng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành một văn bản “Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng” với dung lượng ngắn gọn (trong một trang giấy). Văn bản này gồm các nội dung: tóm tắt những quyền và nghĩa vụ cơ bản của khách hàng vay tiêu dùng theo quy định của pháp luật, website của Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin về cho vay tiêu dùng;

Khi giao kết hợp đồng vay tiêu dùng, công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng hai bản sao của văn bản trên, một bản khách hàng giữ (có chữ ký của nhân viên giao dịch) và một bản công ty tài chính giữ (có chữ ký của khách hàng);

Trường hợp có tranh chấp, nếu công ty tài chính không xuất trình được bản sao “Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng” theo mẫu của Ngân hàng Nhà nước và có chữ ký của khách hàng thì không được hưởng lãi suất của khoản vay.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, VCCI cũng đề nghị đơn vị này cần lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.

Trang thông tin điện tử này sẽ gồm những thông tin như: danh sách các công ty tài chính cho vay tiêu dùng được cấp phép cùng với tên giao dịch, địa chỉ, số điện thoại chăm sóc khách hàng, website; danh sách điểm giới thiệu dịch vụ cùng thông tin liên lạc của các công ty tài chính; quy định nội bộ cho vay tiêu dùng mà công ty tài chính đã gửi cho NHNN; khung lãi suất cho vay tiêu dùng mà công ty tài chính đã gửi cho NHNN; Văn bản Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng, các câu hỏi thường gặp (FAQ), và văn bản pháp luật có liên quan…

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.