Tài chính tiêu dùng

VDSC: Bảo hiểm nhân thọ khó lấy lại đà tăng trưởng mạnh

Lãi suất trái phiếu chính phủ thấp khiến doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ phải tiếp tục 'kìm' đà tăng trưởng nhằm giảm gánh nặng dự phòng, theo VDSC.

VDSC: Bảo hiểm nhân thọ khó lấy lại đà tăng trưởng mạnh

Bảo hiểm nhân thọ khó lấy lại đà tăng trưởng mạnh

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Covid-19 khiến tăng trưởng của ngành bảo hiểm năm 2020 chậm lại, nối tiếp xu hướng giảm tăng trưởng bắt đầu từ giữa năm 2018.

Theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng hơn 16% trong đó doanh thu phi nhân thọ tăng gần 8% và nhân thọ tăng 21%. Tăng trưởng phi nhân thọ kém sắc trong năm 2020 là do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại và du lịch, gián tiếp kéo giảm nhu cầu bảo hiểm. Nhưng mảng phi nhân thọ được dự đoán phục hồi mạnh trong năm 2021 cùng với sự phục hồi của các hoạt động kinh tế.

Với mảng bảo hiểm nhân thọ, theo VDSC, lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm từ mức thấp năm 2019 khiến doanh nghiệp nhân thọ phải giữ tăng trưởng doanh thu hợp đồng mới thấp nhằm giảm gánh nặng chi phí dự phòng. Trong khi đó, giai đoạn 2015-2018, doanh thu hợp đồng mới của nhân thọ tăng từ 30-40% một năm.

Môi trường lãi suất thấp kéo dài khiến các doanh nghiệp nhân thọ khó khăn trong việc bán các sản phẩm có tính chất tiết kiệm như bảo hiểm hỗn hợp nhằm hạn chế bất cân xứng giữa lãi đầu tư nhận được trong tương lai và đã cam kết với khách hàng khi kí hợp đồng. Nỗ lực đẩy mạnh doanh số các sản phẩm liên kết đầu tư bù đắp các sản phẩm tiết kiệm có thể làm tăng chi phí bán hàng, giảm hiệu quả nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm, báo cáo của VDSC nhận định.

Bên cạnh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), nhiều kênh phân phối mời bảo hiểm nhân thọ sẽ tiếp tục hình thành. Xu hướng đa dạng hoá kênh phân phối với các đối tác mới là hệ thống bán lẻ điện thoại, điện máy, hãng taxi... nhằm đến tệp khách hàng lớn tiềm năng.

Với kênh bancas, tỷ trọng phí thu từ kênh này trong tổng phí bảo hiểm đã tăng từ 5% năm 2012 lên hơn 30% trong 9 tháng 2020 (theo số liêụ của Hiệp hội bảo hiểm) nhưng vẫn thấp hơn mức 60-70% ở nhiều quốc gia. Dư địa của kênh này còn rất lớn nhưng điểm yếu là cạnh tranh ngày càng cao ở các kênh này làm tăng gánh nặng chi phí bán hàng cho hãng, giảm biên khả năng thanh toán, gây áp lực tăng vốn để đảm bảo tăng trưởng.

Trong khi đó với mảng đầu tư, VDSC dự đoán doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ phân bổ nhiều hơn vào tài sản rủi ro, là động lực tăng trưởng chính cho năm 2021. Lãi suất tiền gửi và trái phiếu chính phủ nhiều khả năng tiếp tục ở mức thấp trong năm 2021 nên các doanh nghiệp có thể điều chỉnh trong cách thức phân bổ vốn vào danh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng tiền gửi và trái phiếu chính phủ, tăng tỷ trọng cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp nhằm ổn định lợi suất đầu tư và lợi nhuận tổng thể, đồng thời đảm bảo nghĩa vụ chi trả cho chủ hợp đồng.

Tin mới lên