VEA xin Chính phủ cấp bảo lãnh cho loạt dự án tỷ USD của PVN

Vĩnh Chi - 01/11/2018 15:25 (GMT+7)

(VNF) – Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đề nghị Chính phủ tạo cơ chế chính sách để các dự án án nhiệt điện Sông Hậu 1, Long Phú 1 và dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được cấp bảo lãnh vay vốn.

VNF
VEA xin Chính phủ cấp bảo lãnh cho loạt dự án tỷ USD của PVN

Theo VEA, PVN hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng các công trình năng lượng.

Cụ thể, về thu xếp vốn trong các dự án điện, VEA cho biết theo quy định của Nghị định 91/2015, sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 22% phần lợi nhuận sau thuế chỉ được trích lập 3 quỹ (khoảng 30% giá trị lợi nhuận sau thuế), phần còn lại nộp hết vào ngân sách nhà nước. Do đó, riêng PVN không đủ để thực hiện trách nhiệm của nhà đầu tư mà phải yêu cầu bảo lãnh vay vốn.

“Nhiều dự án của quy mô lớn như Nhà máy điện Sông Hậu 1, Long Phú 1, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất… có tổng mức đầu tư lên tới nhiều tỷ USD. Việc thu xếp 70% vốn vay để triển khai các dự án này là hết sức khó khăn và không hiệu quả, nếu không có bảo lãnh của Chính phủ”, VEA nêu.

Về cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích các dự án điện khí LNG, VEA cho hay hiện nay và các năm tới, nguồn khí thiên nhiên giá thấp khai thác trong nước ngày càng suy giảm. Chính phủ đã có chủ trương quy hoạch phát triển lĩnh vực khí LNG tại Việt Nam để đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp cho các dự án sản xuất điện, phát triển hiệu quả và bền vững ngành điện Việt Nam, đáp ứng mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường.

Chủ trương trên của Chính phủ là đúng đắn nhưng VEA cho rằng giá khí LNG nhập khẩu cao nên giá điện sản xuất cũng cao, rất khó cạnh tranh với các nguồn điện khác.

Về định mức dự toán xây dựng và giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá cả máy móc thiết bị, VEA đánh giá hiện các bộ định mức đơn giá chưa được ban hành đầy đủ, chưa phù hợp với yêu cầu kĩ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công giá thị trường. Điều này dẫn tới chủ đầu tư gặp khó khăn trong công tác lập tổng mức đầu tư, tổng dự toán đối với các nhà máy nhiệt điện.

Ngoài ra, Điều 52 Luật Xây dựng còn quy định đối với dự án nhóm A thì trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng làm cơ sở xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều dự án điện đã được duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Theo quan điểm của VEA, đây là các dự án điện quan trọng bắt buộc phải triển khai phù hợp với tiến độ quy hoạch để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế đất nước. Do đó, không nên lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nữa.

VEA kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Xây dựng theo hướng cho phép chủ đầu tư các dự án điện đã có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Bên cạnh đó, VEA cũng kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế, chính sách để các dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, Long Phú 1 và dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất của PVN được cấp bảo lãnh vay vốn, nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nguồn vốn để các dự án được thực hiện đúng tiến độ.

Cùng chuyên mục
Tin khác