Ví điện tử sắp được cấp phép làm đại lý thanh toán của ngân hàng

Hải Đường - 17/04/2024 11:56 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo thông tư quy định về hoạt động giao đại lý thanh toán. Theo đó, dự thảo được xây dựng để hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các dịch vụ thanh toán đến được với những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

VNF
(Ảnh minh hoạ)

Từ cuối năm 2014, NHNN đã cho phép thực hiện thí điểm 3 mô hình dịch vụ thanh toán của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service, đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) và Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Trong đó, 3 tổ chức không phải là ngân hàng bao gồm Viettel, M_Service và Petrolimex đóng vai trò là đối tác, là cánh tay nối dài của ngân hàng, dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông và tận dụng hệ thống mạng lưới sẵn có của mình để đưa dịch vụ thanh toán đến những địa bàn, những đối tượng người dân mà ngân hàng không thuận lợi trong việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ.

Theo NHNN, việc triển khai các mô hình thí điểm này góp phần thúc đẩy dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng như góp phần phổ cập tài chính (Financial Inclusion) nói chung.

Các mô hình này được triển dưới hình thức thí điểm. Đến cuối năm 2023, các mô hình này đã dừng triển khai do chưa có hành lang pháp lý. NHNN cho rằng cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động này nhằm thúc đẩy dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và góp phần phổ cập tài chính.

Dự thảo thông tư về hoạt động giao đại lý thanh toán vừa được NHNN công bố quy định bên giao đại lý bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bên đại lý thanh toán bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

NHNN cho biết, sau khi rà soát các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền đại lý, giao đại lý trong lĩnh vực thanh toán; hoạt động của ngân hàng chính sách theo quy định của Chính phủ; quỹ tín dụng nhân dân được làm đại lý thanh toán cho ngân hàng hợp tác xã đối với thành viên, khách hàng của mình, tổ chức tài chính vi mô được làm đại lý thanh toán cho ngân hàng đối với khách hàng của mình.

Đối với trường hợp tổ chức làm đại lý thanh toán không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dự thảo thông tư quy định phù hợp với thực tế hiện nay.

Dự thảo thông tư quy định 3 nhóm nghiệp vụ được giao đại lý thanh toán. Một là nhận hồ sơ mở tài khoản thanh toán, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán.

Hai là nhận hồ sơ phát hành thẻ ngân hàng, kiểm tra, xác minh thông tin khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng.

Ba là tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ của khách hàng, lập, ký, kiểm soát, xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng, chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý, nhận tiền mặt từ khách hàng hoặc trả tiền mặt cho khách hàng nhằm thực hiện các giao dịch nộp/rút tiền mặt vào/từ tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại bên giao đại lý; nộp tiền mặt vào thẻ trả trước định danh của khách hàng do bên giao đại lý phát hành; nộp tiền mặt để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng của khách hàng do bên giao đại lý phát hành; thực hiện dịch vụ thanh toán lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ.

“Đây là những những dịch vụ được quy định trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Việc giao đại lý đối với các dịch vụ này giúp các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường tiếp cận, gia tăng lượng khách hàng mà không cần phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ”, dự thảo thông tư nêu rõ.

NHNN cho rằng, hoạt động này sẽ giúp các ngân hàng có mạng lưới hẹp có thể giao đại lý cho các ngân hàng, tổ chức khác có mạng lưới rộng hơn thực hiện một số nghiệp vụ cho khách hàng ở những địa bàn mà các chi nhánh này chưa vươn tới.

Ảnh minh hoạ

Về hạn mức giao dịch, dự thảo thông tư không quy định về hạn mức đối với bên đại lý là tổ chức tín dụng (theo thỏa thuận giữa bên giao đại lý và bên đại lý) vì đã đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn trong hoạt động giao nhận, bảo quản, vận chuyển, lưu trữ tiền mặt... theo quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, đối với bên đại lý là tổ chức khác, có những hạn chế nhất định so với chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng về kỹ thuật, công nghệ thông tin, năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro. Theo NHNN, do không phải tổ chức tín dụng nên việc quản lý, vận chuyển, bảo đảm tiền mặt cho khách hàng hạn chế hơn tổ chức tín dụng hay rủi ro về thanh khoản khi tiền mặt không đủ lớn một cách thường xuyên và đầy đủ như các phòng giao dịch tổ chức tín dụng.

Dự thảo thông tư quy định bên giao đại lý phải có các biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch như hạn mức giao (bao gồm dịch nộp và rút tiền mặt) đối với khách hàng cá nhân, tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày; bên đại lý chỉ được thực hiện giao dịch cho khách hàng trong phạm vi số dư tài khoản thanh toán để thực hiện các nghiệp vụ được giao đại lý của bên đại lý mở tại bên giao đại lý theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này.

Mỗi một điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 5 tỷ đồng/tháng.

Theo NHNN, mặc dù giao đại lý là nghiệp vụ gia tăng của ngân hàng nhưng ngân hàng phải chịu trách nhiệm toàn bộ vì ngân hàng có quyền lựa chọn giao đại lý thanh toán hay không trên cơ sở năng lực quản lý của mình.

Việc có nhiều chủ thể trong đó có cả chủ thể là doanh nghiệp (non-bank) tham gia vào cung ứng nghiệp vụ đại lý dễ phát sinh nhiều rủi ro; do đó, bên giao đại lý phải thiết lập một môi trường kiểm soát hoạt động của đại lý với các quy trình quản trị phù hợp, thiết lập các bộ phận chịu trách nhiệm quản trị hoạt động, quản trị rủi ro, kiểm toán nội bộ với vai trò rõ ràng để bổ sung hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình vận hành.

Cùng chuyên mục
Tin khác