Vì sao các doanh nghiệp liên tục thay đổi cán bộ truyền thông?

Bình Yên - 20/10/2018 22:46 (GMT+7)

(VNF) - Dù xu hướng thông qua các agency ngày càng gia tăng, tuy nhiên không vì vậy mà mức độ quan trọng của những vị trí marketing, truyền thông hay PR giảm đi, đặc biệt là ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có những sự thay đổi nhân sự truyền thông, PR cấp cao, nguyên nhân là vì đâu?

VNF
PR - nghề hấp dẫn, đầy áp lực.

PR - nghề hấp dẫn, đầy áp lực

PR được gọi tắt từ Public Relations, được xem là một loại nghề đào tạo cách tổ chức công ty, hoặc cá nhân giao tiếp với công chúng và truyền thông trong tất cả lĩnh vực. Nhất là thời kỳ kinh tế hội nhập, chung một mặt hàng nhưng có quá nhiều đối thủ. Như vậy, PR xuất hiện như một tiền đề mở ra mục tiêu giúp giữ vững vị trí và thương hiệu công ty, cá nhân trong biểu cảnh kinh tế đang cạnh tranh sôi động.

Chỉ cần gõ từ khóa “tuyển nhân viên PR truyền thông”, sẽ có khoảng 2.780.000 kết quả trả về trong khoảng 0,32s. Điều này cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân viên PR của các doanh nghiệp rất cao.

Mới nhìn qua, nhiều người tưởng rằng đây là một công việc dễ dàng, thậm chí chỉ gói gọn trong mối quan hệ với phóng viên miễn sao "tung" được tin, bài trên báo chí. Thế nhưng, thực tế những người làm trong ngành quan hệ công chúng phải luôn tươi cười và tỏ ra thân thiện mọi lúc mọi nơi, kể cả với những kẻ mà họ không ưa. Bên cạnh đó, họ còn phải tìm ra cách tiếp thị hay hứng "búa rìu dư luận" khi đưa sản phẩm đến với công chúng cũng như đối mặt với hàng trăm công việc giấy tờ rắc rối khác.

Người hoạt động trong nghề PR đòi hỏi nhiều kỹ năng cá nhân. Chẳng hạn như kỹ năng viết- một trong những kỹ năng quan trọng khi muốn bước vào nghề này như viết bài PR, viết thông cáo báo chí, viết bài phát biểu trong các sự kiện, viết bài dẫn chương trình, viết kịch bản… Hay kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin, kỹ năng xử lý khủng hoảng, kỹ năng làm việc với giới báo chí…

PR là một nghề khó và người làm nghề phải chịu nhiều thách thức, áp lực căng thẳng do cường độ công việc và do đòi hỏi ngày càng nhiều,  ngày càng cao của các sếp cấp trên hay khách hàng. Khả năng chịu áp lực trong công việc luôn được chú trọng khi một tổ chức hay một doanh nghiệp muốn tuyển chuyên viên PR.

Theo T.Y, nhân viên PR của một Tập đoàn bất động sản cho biết, “Em làm nghề này cũng được vài năm. Ban đầu em chỉ viết bài PR cho các dự án của Tập đoàn. Do “sếp” em đảm nhiệm thêm cả lĩnh vực khác, nên công việc của em không chỉ còn là viết bài nữa, mà phải đi ngoại giao, xử lý khủng hoảng…

Trước đây, hết giờ hành chính em có thể mang việc về tối làm tiếp. Nhưng hiện giờ có khi về đến nhà chồng con đã đi ngủ. Làm nghề này áp lực rất lớn từ nhiều phía. Khi có khủng hoảng, các sếp thì muốn giải quyết sao cho thật nhanh nên hối thúc liên tục. Song có phải việc gì cũng giải quyết được ngay đâu”.

Muôn ngả nghề truyền thông PR

Thực tế có chút mâu thuẫn trong việc tìm kiếm nhân sự của nghề PR. Các tổ chức hầu như không quan tâm tới bằng cấp đại học hay cao đẳng mà họ chỉ chú trọng tới vấn đề “được việc” của các ứng viên. Điều này xuất phát từ thực tế khách quan, người làm PR ngoài việc giỏi nghề, có kinh nghiệm còn đòi hỏi hội tụ các yếu tố năng động, lanh lợi, nhanh chóng nắm bắt yêu cầu và có năng lực triển khai công việc kịp tiến độ. Bên cạnh tính siêng năng, chịu khó, đòi hỏi các nhân viên PR phải rất cẩn trọng và kỹ lưỡng để tránh bất cứ lỗi lầm đáng tiếc nào có thể xảy ra. Bởi vậy, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng trả mức lương cao để tìm kiếm một nhân viên PR hội tụ được các yếu tố trên.

Từ đầu năm đến nay, nhiều Công ty, Tập đoàn lớn đã thay đổi nhân sự truyền thông như FLC, Sungroup, MIK, Nam Cường, TNR… Ngay cả Tập đoàn lớn và có đội ngũ truyền thông, PR mạnh như Vingroup, việc tuyển nhân viên vẫn diễn ra thường xuyên.

Thậm chí, có một số doanh nghiệp, việc thay đổi nhân viên truyền thông, PR như “thay áo”. Nguyên nhân của những vụ “ly hôn” này thường không được tiết lộ. Có thể do nhân viên không đạt theo mong muốn, yêu cầu của doanh nghiệp. Hoặc áp lực công việc nhiều, nhân viên đòi tăng lương mà doanh nghiệp không đáp ứng được. Cũng có thể nơi khác trả lương cao hơn để lôi kéo người, hay nhân viên truyền thông, PR muốn thay đổi không khí bằng cách “nhảy việc”…

Chị T, cựu giám đốc truyền thông một tập đoàn bất động sản cho biết: "Với vị trí giám đốc truyền thông và các chức danh tương đương, việc tuyển dụng thường sẽ do lãnh đạo cao nhất trực tiếp thực hiện, có thể là tổng giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản trị.

Đối với những vị này, kinh nghiệm làm việc, khả năng, trình độ mới chỉ là một phần, phần nhiều họ sẽ quan sát xem tướng mạo mình ra sao, tuổi tác thế nào, có 'hợp' với các 'sếp' không. Và một khi đã 'ưng' rồi thì thù lao không phải là vấn đề quan trọng".

"Tôi từng đề xuất mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung tại thời điểm đó, nhưng anh ấy (chủ tịch HĐQT-PV) chỉ hỏi rằng khi nào bắt đầu nhận việc được", chị T. cười, nhớ lại.

Nhận mức lương đến “chín con số” mỗi tháng, song chị T. bất ngờ xin nghỉ đầu năm nay. Lý do được đưa ra đưa là “theo nguyện vọng cá nhân”. Chị T. cho biết biến động nhân sự truyền thông là chuyện bình thường. Có thể do không chịu nổi áp lực công việc, có lời đề nghị từ doanh nghiệp khác hấp dẫn hơn, một lý do quan trọng là muốn làm mới mình.

"Trong lĩnh vực truyền thông, việc giữ cho bản thân mình luôn sẵn sàng sáng tạo là không dễ dàng. Kinh nghiệm là thứ nhiều người có thể đáp ứng, nhưng sáng tạo chỉ dành cho những ai có năng lực và luôn khát khao cống hiến. Do vậy, nhân sự truyền thông liên tục thay đổi. Theo tôi, việc này tốt cho cả người lao động lẫn bản thân doanh nghiệp", chị nói

Sau thời gian tự thưởng cho bản thân bằng kỳ nghỉ ngắn ngày ở nước ngoài, chị T. hiện đang đầu quân cho một ngân hàng lớn, giữ chức vụ giám đốc truyền thông kiêm thư ký Hội đồng quản trị. Thu nhập thấp hơn so với trước.

Tuy nhiên chị T. cảm thấy hài lòng khi áp lực công việc cũng giảm đi, các sếp thoải mái hơn và về cơ bản, lĩnh vực ngân hàng 'lành' hơn nhiều so với bất động sản, cho phép chị có thêm thời gian cho con cái, gia đình.

Trước nay, người ta duy trì suy nghĩ truyền thông là nghề nghiệp cần sự uyển chuyển, linh hoạt, do vậy sẽ phù hợp hơn với phái nữ. Tuy nhiên trong nhiều năm trở lại, xu hướng phái nam giữ chức vụ chủ chốt trong các vị trí truyền thông, đối ngoại, quan hệ công chúng, phụ trách báo chí ngày càng nhiều.

Anh H., giám đốc truyền thông một ngân hàng ở Hà Nội cho biết nam giới không phải chịu nhiều “gánh nặng” như nữ giới, bản thân họ cũng dễ dàng gia tăng các mối quan hệ xã hội hơn. Trong công việc này, phái nữ nếu không khéo léo, khôn ngoan sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Ngồi “ghế” phụ trách đã nhiều năm, song anh H. cho hay chưa có ý định chuyển công tác, dù được không ít bên mời gọi với chế độ lương thưởng hấp dẫn. "Đối với tôi, thu nhập chỉ là một phần, cuộc sống còn phải cân bằng với gia đình. Điều quan trọng là tôi được các sếp tin tưởng, có môi trường làm việc như ý và có gia đình nhỏ chờ tôi về vào mỗi tối".

Cùng chuyên mục
Tin khác