(VNF) - Nhiều nguyên nhân khiến cổ phiếu thép vẫn còn giữ được sức hấp dẫn.
Thống kê 1 tháng gần đây cho thấy, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng nhẹ 2%. Trong khi đó, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen tăng tới 18%, cổ phiếu NKG của Công ty Thép Nam Kim tăng tăng 5%, cổ phiếu TLH của Tập đoàn Thép Tiến Lên tăng 24%, cổ phiếu POM của Công ty Thép Pomina tăng 8%...
Diễn biến tích cực này xảy ra giữa lúc giãn cách xã hội cường độ cao ở rất nhiều tỉnh, thành, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có ngành thép; bản thân chỉ số VN-Index cũng chịu tác động khi giảm nhẹ khoảng 2% trong 1 tháng qua.
Điều này cho thấy, "sóng" cổ phiếu thép chưa dứt dù doanh nghiệp thép phải đối mặt với tình huống bất lợi trước mắt và lo ngại về biến động mạnh của giá thép đầu ra cũng như giá nguyên liệu đầu vào trong tương lai.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến cổ phiếu thép vẫn còn giữ được sức hấp dẫn?
Đầu tiên phải kể đến thành quả đáng khích lệ của các doanh nghiệp thép trong bối cảnh giãn cách xã hội cường độ cao.
Số liệu mới nhất từ Tập đoàn Hòa Phát cho thấy sản lượng tiêu thụ tháng 8/2021 vẫn "mạnh mẽ" bất chấp việc thắt chặt các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc. Tổng sản lượng tiêu thụ tháng 8/2021 đạt 690.000 tấn, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái và 15,8% so với tháng trước.
Các động lực tăng trưởng chính bao gồm: sản lượng phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) phục hồi và mảng tôn tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Tuy nhiên, sản phẩm thép xây dựng và ống thép, chủ yếu được tiêu thụ trong nước, đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp phong tỏa.
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), sản lượng HRC tháng 8/2021 phục hồi mạnh mẽ so với tháng trước và đạt mức cao kỷ lục 272.974 tấn, tăng 70,6% so với tháng trước, bởi HRC là nguyên liệu đầu vào chính cho sản xuất tôn và ống thép. Nhu cầu đối với các sản phẩm tôn vẫn tăng mạnh do nhu cầu xuất khẩu cao.
Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ phôi thép là 80.000 tấn, mặc dù giảm 52,9% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã có mức cải thiện tốt từ mức 0 trong tháng trước.
Sản lượng tiêu thụ thép dài tháng 8/2021 giảm 29,2% so với cùng kỳ và giảm 4,4% so với tháng trước xuống còn 348.000 tấn. Tuy vậy, theo đánh giá của HSC, mức tiêu thụ này là đáng khích lệ trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa trong nước ngày càng thắt chặt và cho thấy nỗ lực rất lớn của Hòa Phát để đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh Hòa Phát, các doanh nghiệp như Nam Kim, Hoa Sen cũng đạt được kết quả kinh doanh đáng khích lệ đặt trong bối cảnh ngặt nghèo chưa từng có.
Cụ thể, doanh số bán hàng tháng 7/2021 của Nam Kim mặc dù chậm lại so với tháng trước nhưng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ thép tháng 7 đạt 82.665 tấn, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 18,9% so với tháng trước.
Sản lượng tôn mạ chiếm phần lớn lượng bán trong tháng 7 (91,3%) ở mức 75.483 tấn, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 15,6% so với tháng trước. Riêng sản lượng tôn mạ xuất khẩu (61.950 tấn) đạt mức tăng trưởng lên tới 75,1% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm nhẹ 2,4% so với tháng trước đó.
Với Hoa Sen, xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh nhu cầu nội địa giảm mạnh trong tháng 7. Tổng sản lượng thép bán ra trong tháng 7 đạt 189.474 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ nhưng giảm 5,8% so với tháng trước. Trong đó, sản lượng tôn mạ đạt 157.845 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ và tăng 30,3% so với tháng trước nhờ thị trường nước ngoài.
Song song với kết quả kinh doanh tương đối ổn trong mùa dịch, các doanh nghiệp thép cũng đang triển khai phương án phòng ngừa rủi ro giá hàng hóa tăng.
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN) dựa trên số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hàng tồn kho của Nam Kim tính đến cuối tháng 7 thay đổi theo hai xu hướng tương phản nhưng phù hợp với môi trường kinh doanh hiện tại. Theo đó, tồn kho ống thép giảm 27,2% so với tháng trước và giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 5.607 tấn, điều này có thể được giải thích là do tác động của Covid-19 khiến việc sản xuất và tiêu thụ bị đình trệ.
Mặt khác, tồn kho tôn mạ của Nam Kim lại tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 415,6% so với cùng kỳ năm trước, nhằm dự trữ thành phẩm khi nhu cầu thị trường và giá đầu vào tăng cao.
KISVN đánh giá rủi ro xuất phát từ hàng tồn kho chưa hiện hữu.
"Thị trường xuất khẩu giúp Nam Kim vượt qua tác động tiêu cực của Covid-19 lên thị trường nội địa. Theo công ty, Nam Kim có tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn nhờ tồn kho chi phí thấp từ các kỳ trước và giá thép thị trường quốc tế ở mức cao. Nếu giá ở thượng nguồn (HRC) và hạ nguồn (tôn mạ và ống thép) duy trì tăng, Nam Kim có thể duy trì hoặc hưởng tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra, theo ban lãnh đạo, công ty còn ký hợp đồng kỳ hạn với mức biên lợi nhuận được xác định trước cho các đơn hàng xuất khẩu. Do đó, chúng tôi cho rằng rủi ro vẫn ở mức thấp", chuyên gia của KISVN nêu quan điểm.
Trong khi đó, Hoa Sen cũng có động thái phòng ngừa rủi ro khi giá hàng hóa tăng.
"Hàng tồn kho của Hoa Sen tính đến cuối tháng 7 tăng vọt khoảng 21,7 – 88,9% so với tháng trước đó và 22,2 - 100% so với cùng kỳ dựa trên số liệu của VSA. Chúng tôi lạc quan về chiến lược dự trữ thêm hàng tồn kho giúp Hoa Sen tránh được cơn lốc tăng giá đầu vào và tăng tỷ suất lợi nhuận gộp nếu Hoa Sen có thể chuyển việc gia tăng giá nguyên liệu cho người tiêu dùng cuối cùng", chuyên gia của KISVN bình luận.
Điểm thứ ba giúp cổ phiếu thép giữ được sức hấp dẫn bởi thép là ngành hưởng lợi hàng đầu nhờ triển vọng đầu tư công, theo nhận định của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) trong báo cáo phân tích công bố gần đây. BSC nhấn mạnh cơ hội đầu tư vào nhóm cổ phiếu "đón sóng" đầu tư công là vẫn còn khi cao điểm giải ngân vốn từ nguồn Ngân sách Nhà nước vẫn ở trung hạn, tập trung trong giai đoạn 2022 - 2025.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.