Tài chính quốc tế

Vì sao Triều Tiên nổi giận tại bàn đối thoại với Hàn Quốc?

(VNF) – Cuộc đàm phán cấp cao liên Triều lần đầu tiên sau 2 năm kéo dài 11 giờ đồng hồ và đã đạt được một loạt đồng thuận đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Hàn Quốc mới chỉ đề cập đến vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã khiến đại diện nước này nổi giận và từ chối thảo luận.

Vì sao Triều Tiên nổi giận tại bàn đối thoại với Hàn Quốc?

Cuộc đàm phán cấp cao liên Triều lần dành được sự quan tâm đặc biệt của người dân hai nước.

Triều Tiên xem Nga, Trung Quốc là "anh em"

"Tất cả vũ khí như bom nguyên tử, bom nhiệt hạch và các tên lửa đạn đạo chỉ nhắm vào Mỹ, không phải vào những người anh em của chúng tôi, Trung Quốc hay Nga", Reuters dẫn lời ông Ri Son-gwon, trưởng phái đoàn Triều Tiên tại cuộc họp với Hàn Quốc hôm nay cho biết.

Trưởng đoàn đàm phán của Triều Tiên nổi giận và từ chối thảo luận khi Hàn Quốc đề cập đến vấn đề phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng nói rằng, tất cả vũ khí này của họ chỉ nhằm vào Mỹ.

"Đây không phải là vấn đề giữa Triều Tiên và Hàn Quốc và việc nêu vấn đề này sẽ gây ra hậu quả tiêu cực, có nguy cơ biến mọi thành quả tốt đẹp hôm nay thành hư không", ông Ri, Chủ tịch Uỷ ban Thống nhất Hoà bình của Triều Tiên, cảnh báo trong bài phát biểu kết thúc.

Tất cả vũ khí Triều Tiên chỉ nhắm vào Mỹ.

Trước đó, Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 8/1 đã đăng tải bài viết công kích Tổng thống Mỹ Donald Trump, mô tả ông là người phá hủy nền hòa bình thế giới, đồng thời chỉ trích việc nhà lãnh đạo Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hồi tháng trước.

"Các lực lượng đế quốc do Mỹ dẫn đầu đã xâm phạm trắng trợn chủ quyền của các quốc gia khác và làm tổn hại những người dân thường yêu hòa bình. Bối cảnh quốc tế hiện nay cần kêu gọi lật đổ một thế giới bất bình đẳng mà ở đó, các thế lực đế quốc phản động do Mỹ dẫn đầu ngang nhiên tiến hành các âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, ngoài ra các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế cũng bị phớt lờ một cách công khai", Rodong Sinmun nhấn mạnh.

Tuy nhiên, báo nhà nước Triều Tiên cho biết "trật tự quốc tế bất bình đẳng" do Mỹ tạo ra đã bị "rung chuyển" bởi sự tiến bộ của chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng. Theo Rodong Sinmun, Triều Tiên đã "nổi lên như một nhà nước chiến lược mới có khả năng tạo ra mối đe dọa thực sự với Mỹ".

Hai miền Triều Tiên mở lại đường dây nóng quân sự

Một quan chức Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí mở lại đường dây nóng quân sự bắt đầu từ 8h sáng ngày 10/1 (theo giờ địa phương). Trước đó, Bình Nhưỡng đã ngắt đường dây nóng này từ tháng 2/2016 để đáp trả việc Hàn Quốc đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong.

Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-Sung cho biết Triều Tiên đã hoàn tất công tác kỹ thuật để mở lại đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc ở vùng biển phía Tây.

Cuộc đàm phán cấp cao liên Triều đã đạt được một loạt đồng thuận đáng ghi nhận.

Trước đó, Hàn Quốc cho biết sẽ cân nhắc việc tạm thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nếu như đây là điều cần thiết nhằm tạo điều kiện cho đoàn thể thao của Bình Nhưỡng tham gia vào Thế vận hội (Olympic) mùa Đông tại PyeongChang diễn ra từ ngày 9-25/2 tới.

Thứ trưởng Chun Hae-sung cho biết cuộc hội đàm hôm nay mới chỉ là bước đầu: "Bước khởi đầu mới chỉ là một nửa hành trình, nhưng chúng ta không thể trông chờ mọi sự hoàn hảo chỉ sau một cuộc gặp".

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội tới sẽ giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, theo đó mối quan hệ liên Triều tốt đẹp hơn sẽ tạo điều kiện để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng và thúc đẩy các cuộc đối thoại giữa Mỹ với Triều Tiên.

Mặc dù vậy, một số nhà phê bình ở Mỹ nói rằng động thái đàm phán của Triều Tiên là một nỗ lực nhằm chia rẽ mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn Quốc.

> Đối thoại Bàn Môn Điếm kỳ vọng 'phá băng' trong quan hệ liên Triều

Tin mới lên