Vicostone báo lãi năm 2022 gần 1.400 tỷ đồng

Thanh Long - 30/01/2023 16:15 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Cổ phần Vicostone (HNX: VCS), đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa, công bố kết quả kinh doanh hợp nhất ước tính quý IV/2022. Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế quý IV lần lượt đạt 1.227 tỷ đồng và 258 tỷ đồng. Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 5.660 tỷ đồng và 1.377 tỷ đồng.

VNF
Vicostone báo lãi năm 2022 gần 1.400 tỷ đồng

Phía Vicostone cho biết bất ổn chính trị, lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt nhiều nơi trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh Vicostone.

Cụ thể, sản phẩm đá VICOSTONE®­ hiện có mặt tại trên 50 quốc gia với hơn 10.000 đại lí, đối tác trên toàn thế giới. Vì vậy hoạt động sản xuất kinh doanh của Vicostone năm 2022 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố vĩ mô toàn cầu.

Theo đó, trong năm 2022, kinh tế thế giới và Việt Nam trải qua nhiều biến động khó lường. Ngoài những ảnh hưởng chưa chấm dứt của COVID-19 tới các nền kinh tế, xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra thêm nhiều gián đoạn nghiêm trọng với kinh tế toàn cầu, thổi bùng lạm phát vốn đã ở mức cao. Lạm phát liên tục tăng khiến hàng loạt nền kinh tế phải thắt chặt chính sách tiền tệ, trong đó có các thị trường kinh doanh chính của Vicostone như: Bắc Mỹ, châu Âu.

Tại Mỹ, để kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ liên bang (Fed) nâng lãi suất 7 lần trong năm 2022, đưa lãi suất tham chiếu lên cao nhất kể từ năm 2007. Doanh số bán lẻ giảm, thị trường nhà đất suy yếu, gánh nặng lãi suất tăng cao… đang là các nhân tố kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới.

Tháng 7/2022, châu Âu cũng nâng lãi suất lần đầu sau 11 năm và tiếp tục tăng lãi suất vào các tháng 9, 10 và 12. Ngân hàng trung ương các nước đồng loạt nâng lãi suất cao khiến ngành xây dựng/bất động sản rơi vào trạng thái tê liệt, trì trệ. Các dự án xây/sửa nhà sụt giảm mạnh, dẫn đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu của Vicostone gặp nhiều khó khăn.

Lạm phát cao dẫn đến việc các hộ gia đình phải trả nhiều tiền hơn cho các hàng hóa và dịch vụ mà họ phải mua. Bên cạnh đó, việc ngân hàng trung ương các nước tại thị trường chính của Công ty tăng lãi suất liên tục trong quý III, IV, cũng hạn chế nhu cầu người dân muốn sửa chữa/xây mới nhà cửa khi phải tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí cao hơn.

Cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cùng ngành cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Vicostone trong năm vừa qua. Theo báo cáo của công ty Freedonia (Mỹ), nhu cầu thị trường đá nhân tạo toàn cầu cho lĩnh vực countertop sẽ tăng trưởng trung bình CAGR 4,8% trong giai đoạn 2019 - 2024 để đạt 75,2 triệu m2 vào năm 2024. Nhưng trên thực tế, hiện nay tại các thị trường lớn trên thế giới, nguồn cung các sản phẩm đá nhân tạo đang gia tăng mạnh mẽ vượt quá mức tăng trưởng của nhu cầu, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các nhà sản xuất đá thạch anh để giành thị phần.

Trong bối cảnh đầy khó khăn thách thức, Vicostone chủ động triển khai các hoạt động để tiết giảm chi phí, duy trì thị trường trọng điểm và đẩy mạnh việc phát triển thị trường tiềm năng thông qua việc phát triển kênh phân phối trực tiếp; hỗ trợ các đại lí/đối tác lắp đặt showroom, warehouse qua đó gia tăng nhận diện thương hiệu VICOSTONE® và hỗ trợ công tác bán hàng.

Chiến lược nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu (NVL) sản xuất đá thạch anh của Tập đoàn Phenikaa cũng giúp Vicostone ổn định sản xuất, hạn chế tối đa việc phụ thuộc vào nguồn NVL nhập khẩu, ổn định giá bán, tăng tính cạnh tranh.

Cùng chuyên mục
Tin khác