Viện phó CIEM: Mới chỉ bãi bỏ, sửa đổi được 25 – 30% điều kiện kinh doanh

Lê Nguyễn - 14/11/2018 15:08 (GMT+7)

(VNF) – Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định số điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi chỉ mới chiếm 25 – 30% tổng số điều kiện kinh doanh.

VNF
Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM

Theo ông Phan Đức Hiếu, tính tới ngày 14/11/2018, tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong các văn bản hiện tại là 2.204. Trong đó, sửa đổi là 542 điều kiện (chiếm 24,59%), bổ sung 98 điều kiện (chiếm 4,45%), bãi bỏ 771 điều kiện (chiếm 34,98%), thay thế 11 điều kiện (chiếm 5,04%) và có 29 điều kiện mới (chiếm 1,32%).

Như vậy, số điều kiện kinh doanh được bãi bỏ và sửa đổi chiếm 59,57% tổng số điều kiện kinh doanh được “đụng” đến.

Ông Hiếu nhận định nếu chiếu theo yêu cầu của Chính phủ là bãi bỏ, sửa đổi 50% điều kiện kinh doanh thì con số trên (59,57%) đã đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu tính trên tổng số điều kiện kinh doanh hiện có (gần 5.000 điều kiện) thì số điều kiện kinh doanh chưa được “đụng” đến còn khoảng 3.000. Như vậy, tỷ lệ điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi chỉ mới đạt từ 25 – 30%.

Ông Hiếu đánh giá các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh mang lại tác động không đồng đều. Cụ thể, một số điều kiện kinh doanh được bãi bỏ chỉ có tác động rất hạn chế, nếu không muốn nói là không có tác động gì; nhiều điều kiện kinh doanh được sửa đổi chỉ mang lại tác động trung bình hoặc rất yếu.

“Còn hoạt động bổ sung điều kiện kinh doanh thì chỉ có tác động bất lợi cho doanh nghiệp”, ông nói.

Điều đáng chú ý hơn, theo ông Hiếu, có những điều kiện kinh doanh mới ra đời có chất lượng rất kém. Chẳng hạn như Điều 4, Nghị định 49/2018 quy định để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp phải có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm, có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu 8m2/người…

“Doanh nghiệp lâp ra không biết có tồn tại được 1 tháng hay không mà lại đi bắt người ta kí một cái hợp đồng 2 năm thuê trụ sở, lại còn yêu cầu có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu 8m2/người… Rất nhiều điều kiện tương tự đã được các bộ ngành bãi bỏ, nay lại tái xuất hiện ở các bộ ngành khác, ở điều kiện mới. Tôi cho đây là điều rất quan ngại”, ông Hiếu bình luận.

Một quan ngại khác được ông Hiếu chỉ ra là không rõ sau khi cắt bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, việc tổ triển khai thực thi các điều kiện này sẽ được tổ chức như thế nào.

“Ai sẽ là người phát biểu? Làm sao doanh nghiệp biết trong 130 nghị định được ban hành, được trộn lẫn như thế, cái nào đã bãi bỏ, cái nào sửa đổi bổ sung, cái nào phải chấp hành một lần? Các cán bộ Sở có rà soát kĩ càng như chúng tôi không?”

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh điều kiện kinh doanh chỉ là một phần nhỏ trong số các nội dung quy định gây hạn chế đến quyền kinh doanh, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo, gây rủi ro cho doanh nghiệp.

Đó là chưa kể việc cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ được thực hiện ở cấp nghị định, còn các điều kiện kinh doanh nằm ở luật thì chưa.

“Thách thức hiện giờ là làm thế nào kiểm soát chất lượng điều kiện kinh doanh, làm sao thường xuyên rà soát và bãi bỏ điều kiện kinh doanh cũng như kiểm soát chất lượng các điều kiện mới”, ông Hiếu nêu vấn đề.

Cùng chuyên mục
Tin khác