Viễn thông vệ tinh: Thế bá chủ của Elon Musk và những hệ lụy

Lê Anh - 26/08/2023 20:47 (GMT+7)

(VNF) - Vai trò của tỷ phú Elon Musk trong lĩnh vực viễn thông vệ tinh đang ngày càng tăng, thậm chí có thể nói không ngoa rằng ông là “người thống trị” của thị trường này. Tuy nhiên, việc lĩnh vực viễn thông vệ tinh có rất ít quy định và sự giám sát, cộng với phong cách thất thường lẫn cá tính có phần “lập dị” của ông đã khiến nhiều người lo ngại vị tỷ phú công nghệ đôi khi sử dụng quyền lực của mình theo những cách không thể lường trước.

VNF

Vệ tinh Starlink phủ kín bầu trời

Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk đang ngày càng mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực Internet vệ tinh khi Tập đoàn Công nghệ Hàng không Vũ trụ SpaceX do ông sáng lập đang chiếm hơn 60% số vệ tinh được phóng lên quỹ đạo Trái đất trong nửa đầu năm 2023, theo dữ liệu từ nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell ở Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ).

Kể từ năm 2019, gần như mỗi tuần, SpaceX đã phóng các tên lửa SpaceX chở cùng lúc 60 vệ tinh vào không gian. Cho tới nay, gần 5.000 vệ tinh Starlink đã được đưa lên bầu trời. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nhỏ trong tham vọng mở rộng mạng lưới Starlink lên 42.000 vệ tinh đến năm 2027 của tỷ phú Elon Musk.

Với những con số trên, Elon Musk được xem là sở hữu “sức mạnh vô song” trên thị trường này. Số lượng vệ tinh Starlink đã hoạt động vượt xa tất cả đối thủ, bao gồm cả mạng lưới OneWeb của Vương quốc Anh với khoảng 650 vệ tinh.

Các vệ tinh Starlink của SpaceX có thể giúp người dùng kết nối Internet băng thông rộng tốc độ cao khi chúng bay quanh quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất từ 300-600 km, thấp hơn đáng kể so với vệ tinh khí tượng, thường hoạt động trong quỹ đạo khoảng 36.000 km.

Trong email gửi đến khách hàng, SpaceX cho biết mạng Internet vệ tinh có thể đạt tốc độ 50-150 Mb/giây, thậm chí đạt 175 Mb/giây. Theo Ookla, nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra tốc độ Internet của Mỹ, tốc độ của Starlink nhanh hơn tới 40% so với băng thông rộng thông thường ở Anh và nhanh gấp đôi ở Úc.

Hiện có hơn 1,5 triệu người đăng ký sử dụng dịch vụ Starlink trên 56 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, phần lớn Châu Âu và một phần châu Mỹ Latin… trong đó SpaceX chủ yếu nhắm mục tiêu đến những người ở vùng sâu vùng xa không có cơ sở hạ tầng viễn thông. Ở châu Phi, nơi truy cập Internet chậm hơn so với phần còn lại của thế giới, Starlink đã có mặt ở Nigeria, Mozambique và Rwanda. Dịch vụ này dự kiến ra mắt tại hơn chục quốc gia khác vào cuối năm 2024. Hiện SpaceX có giá trị được ước tính lên đến gần 140 tỷ USD.

Hầu như không bị quản lý

Việc Elon Musk gần như kiểm soát hoàn toàn vệ tinh Internet đã dấy lên hồi chuông cảnh báo tại nhiều quốc gia bởi việc sử dụng vệ tinh thương mại trong không gian hầu như không bị quản lý. Có lo ngại rằng tỷ phú Elon Musk có thể tự tay quyết định việc ngừng cấp dịch vụ Internet của Starlink cho một khách hàng hoặc toàn bộ quốc gia bất cứ lúc nào. Mặt khác, ông cũng có khả năng tận dụng thông tin nhạy cảm mà Starlink thu thập được. Những lo ngại như vậy càng được khuếch đại khi ở thời điểm hiện tại không có một chính phủ hay công ty đối thủ nào xây dựng được mạng Internet vệ tinh rộng lớn như SpaceX.

Đôi khi, vị tỷ phú Mỹ cũng công khai phô trương khả năng của Starlink. “Với Tesla, Starlink và Twitter, tôi có thể có nhiều dữ liệu kinh tế toàn cầu theo thời gian thực hơn bất kỳ ai”, Elon Must viết trên trang cá nhân Twitter vào tháng 4.

Starlink đã trở thành một công cụ thiết yếu để mang Internet đến vùng sâu vùng xa và các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bao gồm cả khu vực xung đột như Ukraine. Dù Elon Musk được khen ngợi vì giúp những vùng chiến sự duy trì kết nối với bên ngoài, tuy nhiên một số lãnh đạo lo lắng về việc Musk sẽ sử dụng quyền lực của mình như thế nào và liệu ông có cắt đứt Internet ở đây nhanh như cách ông kết nối chúng hay không.

Trong thời gian xung đột tại Ukraine diễn ra, tỷ phú Elon Musk đã nhiều lần hạn chế quyền truy cập Starlink của nước này. Do sự phụ thuộc vào công nghệ của SpaceX, các quan chức Ukraine đã liên hệ với các nhà cung cấp Internet vệ tinh khác, nhưng không có nhà cung cấp nào sánh được với Starlink. Ông Mykhailo Fedorov, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số Ukraine, thừa nhận Starlink thực sự là “máu” của toàn bộ cơ sở hạ tầng truyền thông của nước này.

Ít nhất 9 quốc gia, bao gồm cả ở Châu Âu và Trung Đông, cũng đã đề cập tới Starlink với các quan chức Mỹ trong 18 tháng qua, bày tỏ lo ngại về quyền lực của tỷ phú Elon Musk đối với công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác lại lựa chọn im lặng vì họ không muốn bị ông chủ SpaxeX ngừng cấp dịch vụ.

Ngay cả chính phủ Mỹ, một trong những khách hàng lớn nhất của SpaceX, cũng tránh đề cập tới Starlink khi họ cố gắng cân bằng các ưu tiên trong nước và địa chính trị liên quan đến tỷ phú Elon Musk. Hiện Mỹ đang sử dụng tên lửa của SpaceX cho các nhiệm vụ của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và phóng các vệ tinh giám sát quân sự.

Lo ngại rò rỉ bức xạ

Không chỉ lo ngại về thế độc quyền của SpaceX, một nghiên cứu mới cho thấy các vệ tinh Starlink đang rò rỉ bức xạ lên bầu trời khi chúng bay vòng quanh Trái đất. Trong nghiên cứu mới trên tạp chí Thiên văn học & Vật lý thiên văn, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các vệ tinh Starlink cũng phát ra các tín hiệu vô tuyến ngoài ý muốn và chưa được nhận dạng trước đây, tách biệt với các tín hiệu mà chúng gửi và nhận từ Trái đất.

Tác giả chính của nghiên cứu Federico Di Vruno, đồng giám đốc Trung tâm Bảo vệ Bầu trời Tối và Yên tĩnh của Liên minh Thiên văn Quốc tế, thuộc Liên minh Thiên văn Quốc tế, cho biết trước đây đã có lý thuyết về rò rỉ phóng xạ ngoài ý muốn, nhưng đây là lần đầu tiên nó được quan sát trực tiếp.

Các nhà thiên văn học trước đây đã phàn nàn về ô nhiễm ánh sáng từ các cụm vệ tinh Starlink, chúng gây ảnh hưởng đến các quan sát quang học. Tuy nhiên nghiên cứu mới nhất đã phát hiện ra việc hàng nghìn vệ tinh nhân tạo gây ra bức xạ có hại cho thiên văn nói chung. Họ đã đưa ra một số bằng chứng trực tiếp đầu tiên chứng minh rằng các vệ tinh Starlink đang can thiệp vào nghiên cứu không gian sâu, với lượng khí thải của chúng trôi ra ngoài các dải được phân bổ.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng 47 trong số các vệ tinh Starlink đang phát ra bức xạ ngoài ý muốn với tần số từ 110 đến 188 megahertz. Trong khi đó, dải tần được cho phép của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) là từ 150,05- 153 MHz.

Sự phát xạ này dường như là không cố ý, đến từ các thiết bị điện tử của vệ tinh. Đến nay, nó cũng không phạm vào bất kỳ quy tắc nào. Trên Trái Đất, Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với các thiết bị điện để kiểm soát nhiễu điện từ, nhưng những quy tắc đó không áp dụng trong không gian. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nếu tỷ phú Elon Musk không ngừng phóng vệ tinh lên Quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất (LEO) thì việc rò rỉ bức xạ sẽ trở thành vấn đề lớn.
 

Cùng chuyên mục
Tin khác