Việt Nam chịu gánh nặng kinh tế hàng trăm nghìn tỷ đồng do thói quen sử dụng thuốc lá

Thuỷ Bình - 11/12/2023 17:14 (GMT+7)

(VNF) - Việt Nam là một trong những quốc gia ASEAN có tỷ lệ người lớn và nam giới hút thuốc lá cao nhất khu vực, và cũng phải chịu gánh nặng kinh tế tương đương 1% GDP do thói quen gây hại này.

VNF
Thói quen hút thuốc lá của người Việt tạo ra gánh nặng kinh tế lớn.

Theo dữ liệu từ các nghiên cứu quốc tế và trong nước, từ năm 2015, Việt Nam liên tục nằm trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới và trong khu vực ASEAN.

Một nghiên cứu từ Đại học Y tế Công cộng và tổ chức Health Bridge năm 2011 cho thấy Việt Nam có khoảng 15 triệu người hút thuốc. Tỷ lệ tử vong do thuốc lá tại nước ta xấp xỉ 15% so với tổng ca tử vong trong nước trong giai đoạn 1990-2018. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Do tỷ lệ người hút thuốc cao, ước tính chi phí y tế Việt Nam phải chịu là khoảng trên 67.000 tỷ/năm.

Dữ liệu từ Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam, tổn thất kinh tế do sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 4,5 tỷ USD (hơn 109.000 tỷ đồng) trong năm 2022, tương đương 1.14% GDP, cao hơn so với trung bình 0.9% of GDP với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương.

Trong đó bao gồm 0.7 tỷ USD (gần 17.000 tỷ đồng) chi phí y tế trực tiếp hàng năm để điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra, tương đương 4.3% chi phí y tế, so với trung bình 3.8% ở các nước khu vực Tây Thái Bình Dương.

Gánh nặng kinh tế do thuốc lá gây ra ở Việt Nam đã ở mức cao hơn khoảng 10% so với các nước khác trong khu vực nơi mà nạn dịch thuốc lá đã ở giai đoạn muộn hơn.

Trong chuyến công tác tới Việt Nam cuối tháng 11, GS. David Khayat, tác giả các kế hoạch phòng chống ung thư quốc gia tại Pháp, nhận định Việt Nam hiện vẫn chưa ban hành chính sách kiểm soát thuốc lá mới, khiến tình trạng nhập lậu các sản phẩm này ngày càng gia tăng. Hệ lụy kéo theo là người dùng bị đe dọa sức khỏe của khi tiếp cận các sản phẩm lậu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; ngành y tế phải chịu thêm nhiều gánh nặng, trật tự xã hội cũng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh việc kiểm soát thuốc lá, tăng thuế thuốc lá cũng là một trong những biện pháp được coi là hiệu quả trong việc phòng chống sử dụng thuốc lá. Theo WHO, thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất trong gói MPOWER, theo đó cơ quan này khuyến nghị sử dụng thuế tuyệt đối với thuốc lá, tỷ lệ thuế/giá bán lẻ là 70%. 

Mặc dù thuốc lá hiện nay là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Việt Nam với mức thuế suất 75% trên giá xuất xưởng (áp dụng từ năm 2019). Tuy nhiên tỷ lệ hút thuốc lá Việt Nam vẫn ở mức cao do tỷ lệ thuế trên mức giá bán lẻ vẫn thấp khoảng 38%. Chưa tính tới việc giá thuốc lá hiện nay ở Việt Nam vẫn rất thấp, nên các mức tăng thuế vẫn chưa đủ để làm thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân.

Xem thêm >> Kinh doanh thuốc lá 'lợi đơn nhưng hại kép': Thu 941 tỷ USD nhưng gây hại hàng nghìn tỷ USD

Cùng chuyên mục
Tin khác