Thị trường

Việt Nam gia nhập EVFTA, Samsung kỳ vọng gì?

(VNF) - Hiện Samsung có 5 nhà máy sản xuất thiết bị sản phẩm và được đặt ở 5 quốc gia khác nhau, tuy nhiên những quốc gia đó chỉ là sản xuất để phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước, còn xuất khẩu chỉ duy nhất tại Việt Nam.

Việt Nam gia nhập EVFTA, Samsung kỳ vọng gì?

Việt Nam gia nhập EVFTA, Samsung Việt Nam kỳ vọng gì?

Có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được nhìn nhận sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu lớn không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà còn tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đặt nhà máy tại Việt Nam vào thị trường EU, trong đó có Samsung Việt Nam.

Trước những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập EVFTA, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Park Sung Geun, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Truyền thông Đối ngoại Samsung Việt Nam về một số vấn đề liên quan.

- Phóng viên: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Samsung tại Việt Nam đã thực hiện các biện pháp nào để phục hồi sản xuất cũng như xuất khẩu?

Ông Park Sung Geun: Hiện tại thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Samsung chủ yếu là Mỹ và Châu Âu, tuy nhiên do dịch Covid-19, hiện chúng tôi đang bị ảnh ưởng rất nặng nề. Việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu về xuất khẩu của Samsung năm nay không phải do yếu tố nội tại mà là do ảnh hưởng của thị trường.

Hiện tại Samsung đang nổ lực làm sao để tạo ra các sản phẩm có giá thành cạnh tranh nhất để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tính toán để làm thế nào giảm thiểu tối đa chi phí liên quan tới việc xuất khẩu.

- Trong đại dịch Covid-19, Samsung Việt Nam đã có những đề nghị, kiến nghị gì tới các cơ quan chức năng để đảm bảo các điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Nhờ các biện pháp phòng dịch kịp thời của Chính phủ Việt Nam mà Samsung tại Việt Nam được xem là địa điểm duy nhất đảm bảo việc sản xuất diễn ra một cách bình thường và không bị gián đoạn. Trong khi đó, một số chi nhánh khác của chúng tôi trên toàn cầu đã bị đóng cửa do dịch Covid-19 hoặc phải tạm dừng sản xuất trong một thời gian nhất định.

Đa số sản phẩm của Samsung đều được xuất khẩu bằng đường hàng không, bằng máy bay chở hàng, do đó chúng tôi cũng rất mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, cũng như là các bộ ngành liên quan có những chính sách hỗ trợ để chúng tôi đảm bảo được việc xuất khẩu thuận lợi, tạo tiền đề để duy trì mục tiêu xuất khẩu và giữ vững được những đóng góp vào kinh tế của Việt Nam.

- Với việc Việt Nam gia nhập EVFTA, Samsung Việt Nam có kỳ vọng và mong muốn gì?

Hiện chúng tôi có 5 nhà máy sản xuất thiết bị sản phẩm và được đặt ở 5 quốc gia khác nhau, tuy nhiên những quốc gia đó chỉ là sản xuất để phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước, còn xuất khẩu chỉ duy nhất tại Việt Nam.

Trong khi đó, Samsung tại Việt Nam hiện có 6 nhà máy tập trung vào sản xuất điện thoại di động cũng như các mặt hàng gia dụng. Các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hiện đang được xuất khẩu tới 123 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó xuất khẩu ở thị trường Châu Âu chiếm thị phần chủ lực là 33%.

Khi EVFTA chính thức có hiệu lực, chúng tôi kỳ vọng các chính sách thông quan, chính sách hải quan sẽ được đơn giản hoá hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Châu Âu.

Ngoài ra, ở một số hạng mục liên quan tới sản xuất phụ kiện, chúng tôi cũng mong Chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách miễn và giảm thuế xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Hiện tại, tổng số vốn đầu tư của tập đoàn Samsung tại Việt Nam là hơn 17 tỷ USD, trong đó Samsung Điện tử chiếm 9,5 tỷ USD với sự hiện diện đầu tiên là nhà máy sản xuất điện thoại tại tỉnh Bắc Ninh vào năm 2008, tiếp theo đó là nhà máy sản xuất điện thoại thứ hai tại tỉnh Thái Nguyên; khu tổ hợp sản xuất hàng gia dụng và tivi tại TP. HCM và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại nội thành Hà Nội.

Vào tháng 3/2020, Samsung Việt Nam chính thức công bố về việc bắt đầu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây, thủ đô Hà Nội.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới của Samsung Việt Nam có quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD với tổng diện tích xây dựng là 11.603m2 và diện tích sàn là 79.511m2. Tòa nhà được thiết kế với 16 tầng nổi, 3 tầng hầm và dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022.

Ngoài cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại phục vụ các nghiên cứu trong lĩnh vực di động và hệ thống mạng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới của Samsung Việt Nam còn mang đến một môi trường làm việc sáng tạo và thân thiện với các tiện ích như phòng tập thể thao, phòng sinh hoạt câu lạc bộ, nhà ăn nội bộ và sân vườn trên cao…

Dự kiến khi đi vào hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới của Samsung Việt Nam sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người lên 3.000 người.

Trung tâm này là tòa nhà đầu tiên được Samsung Điện tử xây dựng ở nước ngoài nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển của tập đoàn. Đây cũng là Trung Tâm Nghiên cứu và Phát triển được xây dựng với quy mô lớn nhất trong số các trung tâm của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Xem thêm: Bộ Công thương nói gì về sự cố lỗi phần mềm trên điện thoại Samsung Galaxy?

Tin mới lên