Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, nông dân Thái Lan ‘lo đứng lo ngồi’
Quỳnh Anh -
21/11/2022 17:34 (GMT+7)
(VNF) - Bà Busaba Nakpipat, một nông dân Thái Lan đã có hơn 3 thập kỷ gắn bó với công việc trồng sầu riêng, chia sẻ việc Việt Nam bắt đầu xuất khẩu loại quả nhiệt đới này sang quốc gia láng giềng đồng nghĩa với “cánh cửa” cho nông sản Bangkok đang thu hẹp dần.
Nỗi lo của nông dân Thái Lan
Tại Việt Nam, ngày 17/9/2022 là một ngày đáng nhớ cho người dân trồng sầu trên khắp cả nước, đánh dấu sự kiện hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sự kiện này sẽ mở ra cơ hội cho người trồng sầu riêng của Việt Nam trong việc gia tăng xuất khẩu mặt hàng có giá trị này sang thị trường tỷ dân.
Tuy nhiên, điều này lại mang tới nỗi lo cho người dân Thái Lan. Bà Busaba Nakpipat, nông dân trồng sầu riêng Thái Lan chia sẻ với SCMP: “Trước đây, Thái Lan là nước duy nhất được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, trong khi Việt Nam chỉ xuất khẩu sầu riêng đã qua chế biến. Nhưng bây giờ Việt Nam là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi và điều đó làm tôi lo lắng”.
Bà Busaba đã trồng sầu riêng hơn 30 năm, có thời điểm xuất khẩu sang Trung Quốc trước khi chuyển sang phục vụ thị trường nội địa. Với việc Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn và theo quan điểm của bà, có sự kiểm soát chất lượng tốt hơn, Thái Lan có thể bị tụt hậu trong “cuộc đua” này.
Trước đó, hồi tháng 9, bà Busaba đã đến thăm Việt Nam và chứng kiến nhiều vườn sầu riêng đang mở rộng với tốc độ vượt xa tưởng tượng của bà.
“Việt Nam không trồng nhiều sầu riêng như Thái Lan nhưng không ngừng hoàn thiện mình. Có rất nhiều cơ hội cho ngành sầu riêng phát triển ở Việt Nam trong khi ở Thái Lan mọi người đang cạnh tranh với nhau”, bà nói.
Vị thế vững chắc của sầu riêng Thái Lan...
Thái Lan, nước sản xuất sầu riêng lớn nhất thế giới, đã đạt được thành tích xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc gần như không có đối thủ kể từ ít nhất là đầu những năm 2000. Danh tiếng của Thái Lan là nơi trồng sầu riêng chất lượng hàng đầu đã giúp nước này trở thành quốc gia đầu tiên xuất khẩu loại trái cây này sang Trung Quốc.
Năm 2021, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc tăng kỷ lục 68%, tương đương khoảng 875.000 tấn trái cây.
Từ tháng 2 - 6 năm nay, hơn nửa triệu tấn đã được gửi đến thị trường Trung Quốc, được cho là có giá cạnh tranh. Sự gia tăng các lô hàng này báo hiệu rằng đã có phản ứng tích cực đối với sầu riêng Thái Lan từ người tiêu dùng Trung Quốc, bất chấp các quy định nghiêm ngặt về Covid-19 của Trung Quốc đại lục.
…dần bị đe dọa bởi sự xuất hiện của nông sản Việt Nam
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam đang nhanh chóng phát triển thành một đối tác thương mại trái cây lớn của Trung Quốc nhờ vào mạng lưới hậu cần và vị trí địa lý thuận lợi.
Trong quý III năm nay, kim ngạch ngoại thương của Sùng Tả, một thành phố của Trung Quốc có đường biên giới với Việt Nam và là đô thị lớn nhất về xuất nhập khẩu trái cây biên giới của Trung Quốc, đã tăng lên 78 tỷ NDT (11 tỷ USD), tương đương mức tăng hàng năm gần 50%, theo một báo cáo của Tân Hoa Xã.
Ông Sakda Sinives, chuyên gia nông nghiệp và học thuật Thái Lan, cho biết nông dân Việt Nam có lợi thế vì họ có thể thu hoạch sầu riêng để xuất khẩu muộn hơn so với ở Thái Lan và các chuyến hàng của Việt Nam đến Trung Quốc mất ít thời gian hơn.
“Ngay cả khi không có sự khác biệt rõ ràng về hương vị, thì trái chín từ Việt Nam sẽ dần được người mua định giá cao hơn, trong khi giá sầu riêng từ Thái Lan sẽ giảm”, ông Sakda nói, đồng thời cho biết vấn đề kiểm soát chất lượng này là lý do sản lượng sầu riêng của Thái Lan sẽ giảm do nông dân không còn gánh nổi chi phí.
Các vấn đề cạnh tranh gay gắt, cả khu vực và trong nước, về kiểm soát chất lượng,chi phí từ lâu đã bị gạt sang một bên khi trái cây của Thái Lan thống trị thị trường Trung Quốc. Nhưng việc Việt Nam gia nhập thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng đã khiến người trồng trọt Thái Lan gặp khó khăn.
Ông Wootichai Kunjet, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan, cho biết mùa thu hoạch sầu riêng của Việt Nam là từ tháng 6 - 11, trùng với mùa thu hoạch của sầu riêng ở miền nam Thái Lan.
“Thông thường sầu riêng từ phía nam thống trị thị trường nội địa và xuất khẩu sau, nhưng hiện sản xuất từ phía Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ từ các vùng khác của Thái Lan mà cả Việt Nam”, ông Kunjet nói.
Tương lai rộng mở cho sầu riêng Việt Nam
Theo đại diện từ Đại học Phòng Thương mại Thái Lan, Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan về xuất khẩu sầu riêng vì nước này chỉ sản xuất được một nửa trong tổng sản lượng 1,2 triệu tấn của Thái Lan vào năm 2021.
Tuy nhiên, với đặc quyền thương mại với Trung Quốc, tiềm năng giao thương nông nghiệp của Việt Nam, hay Campuchia, là vô cùng lớn, và có thể dẫn tới cạnh tranh nhiều hơn với Bangkok trong tương lai.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone