Tài chính tiêu dùng

VietABank cảnh báo việc giả mạo công ty tài chính mời vay tiền qua ứng dụng Auto Cash

(VNF) - Đối tượng giả mạo công ty tài chính mời khách hàng vay vốn và hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash… ) để giải ngân “tiền ảo”, kèm theo hiển thị hợp đồng tín dụng, con dấu và chữ ký giả của công ty. Sau đó, lừa khách hàng chuyển khoản tiền đặt cọc để chiếm đoạt.

VietABank cảnh báo việc giả mạo công ty tài chính mời vay tiền qua ứng dụng Auto Cash

Ảnh minh hoạ.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, HNX: VAB) vừa đưa ra thông báo cảnh báo khách hàng về tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Theo VietABank, trong thời đại phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã lợi dụng uy tín, thương hiệu của ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi.

Một số thủ đoạn lừa đảo điển hình như đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng, công ty, đối tác gửi email đề nghị khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản (tên đăng nhập, mật khẩu…) để đăng nhập lại tài khoản đã bị khóa hoặc xác nhận lại thông tin.

Thông qua email, đối tượng lừa đảo thông báo khách hàng nhận được một khoản tiền bằng cách truy cập vào link giả hoặc tệp tin (file) có chứa mã độc… từ đó đánh cắp thông tin cá nhân/tài khoản và thực hiện giao dịch nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Đối tượng lừa đảo cũng giả mạo brandname của ngân hàng gửi tin nhắn trong đó có chứa link giả với các nội dung như: thông báo giao dịch của khách hàng có dấu hiệu bất thường, chuyển nhầm tiền, nâng cấp hệ thống, thông báo trúng thưởng… hoặc hướng dẫn, yêu cầu khách hàng truy cập vào các website/đường link giả gần giống như website ngân hàng, nhập tài khoản, mã xác thực OTP giao dịch qua dịch vụ ngân hàng số trên website giả mạo. Sau khi có các thông tin này, đối tượng sẽ thực hiện giao dịch chiếm đoạt toàn bộ tiền từ tài khoản.

Các đối tượng lừa đảo cũng giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã xác thực OTP hoặc cung cấp đầy đủ số thẻ của khách hàng để kiểm tra số dư hoặc để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng. Sau khi có thông tin này, đối tượng thực hiện chuyển toàn bộ tiền từ tài khoản khách hàng đi.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo lập website giả mạo gần giống như website ngân hàng, mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ giải đáp các thắc mắc về dịch vụ sau đó yêu cầu khách hàng truy cập vào website giả nhập tài khoản, mã xác thực OTP giao dịch qua internet banking/ mobile banking trên địa chỉ giả mạo. Sau khi có các thông tin này, đối tượng thực hiện giao dịch chuyển toàn bộ tiền từ tài khoản của khách hàng.

Đối tượng cũng giả mạo công ty tài chính mời khách hàng vay vốn và hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash… ) để giải ngân “tiền ảo”, kèm theo hiển thị hợp đồng tín dụng, con dấu và chữ ký giả của công ty. Sau đó, lừa khách hàng chuyển khoản tiền đặt cọc để chiếm đoạt.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên nhà mạng liên lạc với khách hàng để hỗ trợ chuyển đổi sim 3G sang 4G nếu không sẽ bị khóa 2 chiều. Sau đó đối tượng hướng dẫn các bước thực hiện để lừa chuyển số điện thoại của thực hiện sang sim của đối tượng. Đối tượng sẽ có quyền sử dụng số điện thoại và lấy được các thông tin giao dịch, mã xác thực OTP…sau đó chiếm đoạt tài khoản giao dịch và chuyển tiền đi.

Cũng thông qua việc có được số điện thoại của khách hàng, đối tượng chuyển tiền vào tài khoản của khách hàng với nội dung “cho vay”, sau đó gọi thông báo đã chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng chuyển trả lại (tài khoản nhận tiền khác với tài khoản đã chuyển nhầm). Sau một thời gian, người chuyển nhầm thật sẽ liên hệ đòi tiền khách hàng cùng số tiền lãi vay.

VietABank khẳng định ngân hàng này không bao giở liên lạc hoặc yêu cầu khách hàng truy cập đăng nhập đường link để cung cấp thông tin bảo mật (số thẻ, mã xác thực OTP, tên đăng nhập…) hay bất kỳ thông tin cá nhân nào của khách hàng.

Do đó, VietABank khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin về các dịch vụ ngân hàng số gồm tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng, số CVV2, CVC2,… cho bất kỳ ai.

Khách hàng cũng được yêu cầu không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng; không cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng đặc biệt là theo yêu cầu của các đối tượng lạ.

Cũng theo VietABank, khách hàng không nên cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng.

Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, khách hàng cần chủ động khoá tài khoản, thay đổi mật khẩu đăng nhập hoặc thông báo ngay tới ngân hàng; liên hệ ngay công an địa phương khi phát hiện mất tiền trong tài khoản do bị lừa đảo để kịp thời điều tra.

Tin mới lên