Ngân hàng

Vietbank dự kiến tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng

(VNF) - Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, mục tiêu tăng trưởng quy mô tổng tài sản đạt trên 130.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1.000 tỷ đồng.

Vietbank dự kiến tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng

Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Năm 2021 lợi nhuận trước thuế Vietbank đạt 640 tỷ đồng, tăng 150% so với năm 2020; tổng tài sản đạt 103.377 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020; tổng huy động đạt 74.398 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 56.678 tỷ đồng, hoàn thành 94,5% kế hoạch năm 2021; kiểm soát nợ quá hạn ở mức 2,25% tổng dư nợ và các hệ số an toàn hoạt động được bảo đảm.

Năm 2022, Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 71,4% so với năm 2021; tổng tài sản đạt trên mức 130.000 tỷ đồng và nằm trong nhóm 15 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%.

Ngân hàng cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản cả về chất và lượng, kiểm soát nợ quá hạn (nợ từ nhóm 2-5) dưới mức 3,5% tổng dư nợ theo quy định.

Đối với kế hoạch tăng vốn điều lệ, Vietbank dự kiến tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 21%. Sau khi hoàn tất việc tăng vốn, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ đạt 5.779 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn tăng thêm được dự kiến sử dụng toàn bộ cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đảm bảo các tỷ lệ an toàn toàn trong hoạt động sinh lời cho hoạt động kinh doanh Vietbank.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietBank, ông Dương Nhất Nguyên, dự kiến đến cuối năm 2022, quy mô tổng tài sản của VietBank sẽ đạt 133.000 tỷ đồng, tăng trưởng 28,7% so với năm 2021.

Theo Tổng giám đốc VietBank Nguyễn Hữu Trung, trong năm 2022, VietBank sẽ tập trung kiểm soát nợ quá hạn dưới 3,5% tổng dư nợ theo quy định.

Ngân hàng sẽ tập trung tăng trưởng huy động, đặc biệt là nguồn vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư, vốn huy động không kỳ hạn, phát hành giấy tờ có giá. Đồng thời, Ngân hàng cũng sẽ từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng bán lẻ, giảm sử dụng vốn vào các ngành nghề nhiều rủi ro.

Kết quả kinh doanh quý I/2022, VietBank dự kiến thu hồi 80 tỷ đồng nợ xấu, nhưng thực tế đã thu hồi được 122 tỷ đồng.

Đồng thời, với định hướng 2022, VietBank đang cơ cấu lại hoạt động bằng cách triển khai quy trình số hóa nhằm giảm thiểu chi phí hoạt động, nhắm vào phân khúc khách hàng có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, Ban điều hành Ngân hàng đã chỉ đạo bán chéo sản phẩm để tăng lợi nhuận. Với những lý do trên, HĐQT, Ban điều hành tin tưởng sẽ đạt được lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng trước thuế.

Về phương án tăng vốn trong năm 2022, ngân hàng dự kiến phát hành 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 21%, tức là cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ mua thêm 21 cổ phiếu phát hành thêm.

Thời gian phát hành dự kiến từ quý III đến quý IV/2022. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng từ 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng.

Toàn bộ phần vốn tăng từ phát hành cổ phiếu năm 2022 là 1.003 tỷ đồng được dự kiến sử dụng toàn bộ cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, sinh lợi cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Căn cứ vào kết quả kinh doanh năm 2018-2019, 2020 và phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu của Vietbank giai đoạn 2016-2020, ngân hàng đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, trong năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch bệnh làm cho thị trường chứng khoán biến động rất mạnh. Theo đánh giá của Ban lãnh đạo Vietbank, việc niêm yết cổ phiếu trong năm 2021 sẽ không phản ánh đúng giá trị cổ phiếu và đảm bảo quyền lợi của cổ đông nên việc niêm yết chưa thể thực hiện được. Việc niêm yết cổ phiếu ngân hàng này sẽ thực hiện khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi.

Tin mới lên