Vietjet lên kế hoạch tấn công mảng thương mại điện tử
Minh An -
03/07/2019 15:36 (GMT+7)
(VNF) - Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air có kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử bán tất cả mọi thứ, từ dịch vụ tài chính đến hàng tiêu dùng, theo mô hình của AirAsia, Nikkei Asia đưa tin.
Vietjet đặt mục tiêu triển khai dịch vụ nói trên trong vòng 2 năm tới, bằng cách hợp tác với các ngân hàng, khách sạn và các công ty khác. Đây là điểm khác biệt so với AirAsia vì hãng này thiết lập một nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch và tài chính trực tuyến chủ yếu thông qua các công ty con.
Trong khi AirAsia cho biết họ đang đầu tư 20 triệu USD/năm cho nỗ lực đa dạng hóa của mình, thì Vietjet từ chối tiết lộ số tiền sẽ chi cho kế hoạch mới này.
Theo Phó chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Thúy Bình, các hãng hàng không giá rẻ đang tìm cách tận dụng dữ liệu phong phú của họ về chi tiêu của khách hàng để mở rộng phạm vi kinh doanh.
"Chúng tôi sẽ có một nền tảng thương mại điện tử không chỉ để bán vé máy bay mà cung cấp bất cứ thứ gì khách hàng cần," bà Nguyễn Thị Thúy Bình nói với Nikkei Asian Review vào hôm 1/7.
"Tất cả các nhà cung cấp và đối tác sẽ tham gia nền tảng của chúng tôi để phục vụ không chỉ 30 triệu hành khách của chúng tôi mà còn hàng trăm triệu khách hàng tại Việt Nam và các nơi khác trên thế giới", bà Bình nói và tiết lộ thêm rằng nền tảng này sẽ cung cấp dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, cũng như đặt phòng khách sạn, mua sắm hàng tiêu dùng và nhiều hơn nữa.
Nền tảng của VietJet sẽ sử dụng công nghệ blockchain. Hãng này tin tưởng các giao dịch sẽ được thực hiện trơn tru.
Vietjet đã đàm phán với một số công ty. Phó chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Thúy Bình cho biết, trước tiên nền tảng của Vietjet sẽ đặt trọng tâm vào việc phục vụ hành khách sử dụng dịch vụ bay của hãng, con số dự kiến sẽ đạt 30 triệu vào năm 2019, tăng 30% so với năm 2018. Nhưng bà Bình tin rằng phạm vi khách hàng sẽ được mở rộng trong 2 năm tới.
"Vietjet đang cố gắng tăng doanh thu phụ trợ vì chi phí nhiên liệu tăng đã gây áp lực lên hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tổng doanh thu từ vận tải hàng không của hãng tăng trưởng 28% trong quý I năm 2019, trong khi doanh thu từ các hoạt động phụ trợ tăng trưởng 45%. Nền tảng của Vietjet đã bắt đầu hoạt động. Vào tháng 6, công ty đã liên kết với HD Saison Finance - một liên doanh với HDBank và Credit Saison của Nhật Bản - để cung cấp các khoản vay từ 2 triệu đến 15 triệu đồng (85 USD đến 642 USD) khi khách hàng mua vé máy bay Vietjet mà không cần trả trước hoặc xác nhận thu nhập. Đây là cơ hội tốt cho những người chưa có đủ tiền để mua vé nhưng muốn đặt sớm để nhận được giá vé khuyến mãi", bà Bình nói.
Vietjet đã phát triển nhanh chóng kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2011 và hiện khai thác 119 đường bay trong nước và quốc tế với đội bay gần 80 máy bay. Tuy nhiên, cạnh tranh trên bầu trời ngày càng khốc liệt. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và "người mới đến" Bamboo Airways đã đặt mục tiêu khai thác các chuyến bay thẳng tới Mỹ sau khi được Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ chấp thuận vào đầu năm nay.
Khi được hỏi về kế hoạch của Vietjet trên mặt trận này, Phó chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Thúy Bình cho biết hãng đang tập trung vào thị trường nội địa và khu vực châu Á, "nơi chúng tôi đã phục vụ một nửa dân số trên thế giới", bà nói.
Tuy nhiên, Vietjet cũng đang nghiên cứu tính khả thi của việc mở rộng hoạt động bên ngoài châu Á với một đội tàu bay phù hợp, phục vụ các tuyến đường dài.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone