Vietstar Airlines được cấp chứng nhận khai thác tàu bay VIP

Ngọc Lưu - 23/07/2019 10:38 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) trở thành doanh nghiệp hàng không chung đầu tiên được cấp AOC thương mại cho dòng máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam.

VNF
Máy bay Embraer Legacy 600 là một trong hai loại máy bay mà Vietstar Airlines vừa được cấp chứng nhận khai thác

Cục Hàng không Việt Nam vừa cấp chứng nhận khai thác tàu bay (Aircraft Operator Certificate - AOC) cho Vietstar Airlines. AOC là chứng chỉ được cơ quan quản lý phê chuẩn cho phép một hãng bay được quyền khai thác máy bay với mục đích thương mại hoặc chỉ khai thác trong phạm vi chứng chỉ nêu.

Theo đó, hai loại máy bay mà Vietstar Airlines được cấp phép là Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300. Đây là hai dòng máy bay phản lực thương gia cỡ nhỏ.

Embrear Legacy 600 là máy bay phản lực thương gia hiện đại lắp nội thất ghế VIP, có tầm bay thẳng lên tới 8 giờ trong bán kính khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong khi đó, Beechcraft King Air B300 là máy bay cánh quạt hiện đại, có tốc độ cao, lắp 8 ghế du lịch.

Nói về hai chiếc máy bay được cấp phép, đại diện Vietstar Airlines cho biết đây là loại máy bay chở người với số ghế ngồi là 13 ghế. Máy bay này, phục vụ khách tư nhân và có thể bay trong nước và đi quốc tế.

Được biết, với chứng nhận vừa được cấp, Vietstar Airlines sẽ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bay VIP cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Giấy chứng nhận khai thác tàu bay của Vietstar Airlines

Vietstar Airlines được thành lập năm 2010 với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Đây là hãng hàng không liên doanh giữa Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân).

Cuối năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar.

Điểm vướng của Vietstar Airlines là chọn sân bay Tân Sơn Nhất làm “thủ phủ”, trong bối cảnh nhà ga T3 mới chưa được xây dựng, vì thế quy hoạch của hãng hàng không này chưa được phê duyệt.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trong phương án xây dựng nhà ga T3 mà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đưa ra mới đây thì nhanh nhất 2 năm nữa mới có thể hoàn thiện báo cáo khả thi, mặt bằng… để thi công nhà ga mới. Nếu suôn sẻ, phải 2 năm tiếp theo mới hoàn thành nhà ga T3, Tân Sơn Nhất. Như vậy, ít nhất 4 năm nữa, Vietstar Airlines mới có thể cất cánh.

Đến thời điểm hiện tại, thị trường nội địa đã có các Hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways và Vietstar Airlines.

Xem thêm >>> Bốn hãng hàng không ‘xếp hàng’ xin giấy phép: Ai sẽ được bay sớm?

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.