Vinamilk chính thức công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050

PV - 27/05/2023 09:09 (GMT+7)

(VNF) - Vinamilk cho biết năm 2027 sẽ cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính, năm 2035 cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải và tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050.

VNF
Các đại biểu tham gia sự kiện công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình hành động "Vinamilk Pathway to Dairy Net Zero 2050"

Ngày 26/5/2023, tại Nghệ An, Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk tổ chức công bố chính thức lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình hành động "Vinamilk Pathway to Dairy Net Zero 2050" (Vinamilk hướng đến Net Zero 2050).

Đặc biệt tại sự kiện, nhà máy sữa Nghệ An và trang trại bò sữa Nghệ An của Vinamilk cũng là hai đơn vị đầu tiên được các tổ chức đánh giá độc lập của quốc tế trao chứng nhận đạt trung hoà Carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060. Sự kiện này đã đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong hành trình tiên phong của Vinamilk về phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ tịch HĐQT phát biểu tại buổi công bố

Việc công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình hành động "Vinamilk Pathway to Dairy Net Zero 2050", cho thấy sự tiên phong của Vinamilk hướng tới việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero 2050) theo tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP26 diễn ra tại Anh quốc năm 2021.

Là doanh nghiệp ngành sữa hàng đầu tại Việt Nam, với hệ thống nhà máy, trang trại quy mô công nghệ cao và hàng triệu sản phẩm được cung cấp mỗi ngày, Vinamilk đã xây dựng chương trình hành động tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm: Nông nghiệp bền vững – Sản xuất xanh – Logistics thân thiện môi trường – Tiêu dùng bền vững.

Trong đó, lộ trình được Vinamilk công bố tại sự kiện là: Cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027 (theo scope 1), cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035 (theo scope 1,2) và tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050 (theo scope 1,2,3).

Đặc biệt, sau quá trình hoàn thành việc kiểm kê khí nhà kính tại các đơn vị năm 2022, Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An và trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An đã trở thành đơn vị đầu tiên đạt trung hòa các-bon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014. Theo đó, Vinamilk cũng được xác nhận là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có cả nhà máy và trang trại đạt trung hòa Carbon theo tiêu chuẩn này.

Theo báo cáo được công bố và xác nhận, tổng lượng phát thải khí nhà kính của 2 đơn vị này đã được trung hòa là 17,560 tấn CO2 (tương đương với khoảng 1,7 triệu cây xanh). Kết quả này có được do “hành động kép” nỗ lực cắt giảm phát thải trong sản xuất, chăn nuôi của Vinamilk, và duy trì quỹ cây xanh của Vinamilk để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.

Theo nhiều nhận định, Vinamilk được đánh giá cao khi là một trong số ít các đơn vị đã bắt đầu từ việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính chính xác, kỹ lượng từ sớm, từ đó xây dựng các lộ trình giảm phát thải. Tuy nhiên, việc cắt giảm phát thải, khí nhà kính và tiến tới Net Zero trong ngành sữa là thách thức rất lớn, đặc biệt với các trang trại bò sữa có quy mô lớn. Mục tiêu này đòi hỏi cho việc đầu tư các giải pháp công nghệ, chuyển đổi năng lượng xanh, vận dụng kinh tế tuần hoàn…một cách toàn diện. 

Quỹ sữa vươn cao Việt Nam đã trao tặng 141.000 hộp sữa (tương đương 1 tỷ đồng) cho 1.600 trẻ em tỉnh Nghệ An

Tại Việt Nam, Vinamilk là doanh nghiệp đã và đang có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững hơn của ngành sữa, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hướng tới Net Zero 2050. Từ năm 2012, Vinamilk đã công bố báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế, để ghi nhận đánh giá một cách chính xác về các thực hành tiên tiến của mình. Đến nay, trong giai đoạn chiến lược 2022 – 2026, phát triển bền vững đã trở thành 1 trong 4 mũi nhọn chiến lược của Vinamilk.

Quản lý phát thải khí nhà kính, góp phần giảm dấu chân Carbon là một trong các khía cạnh phát triển bền vững trọng tâm được Vinamilk tích cực triển khai. Đơn cử như hiện nay, 13 trang trại, 10 nhà máy của Vinamilk đã được lắp đặt hoàn thiện năng lượng mặt trời, song song đẩy mạnh các năng lượng xanh như Biomass (tại nhà máy), Biogas (tại trang trại). Vinamilk cũng đầu tư mạnh để xây dựng mô hình trang trại bò sữa như Green Farm định hướng theo nông nghiệp bền vững. Các nhà máy đều được chuyển đổi mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ cao, vận dụng kinh tế tuần hoàn từ rất sớm để giảm phát thải.

Hội nhập để học hỏi, Vinamilk cũng là doanh nghiệp sữa đầu tiên của Việt Nam đã tham gia vào sáng kiến toàn cầu của ngành sữa về Net Zero - Pathways to Dairy Net Zero, được sáng lập bởi Liên đoàn Sữa thế giới (IDF), Khung phát triển bền vững ngành sữa (DSF), Global Dairy Platform…

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Quỹ sữa vươn cao Việt Nam đã trao tặng 141.000 hộp sữa (tương đương 1 tỷ đồng) cho 1.600 trẻ em tỉnh Nghệ An. 

Để chuẩn bị cho tương lai, từ năm 2012, Vinamilk đã triển khai Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam, hoàn thành trồng 1.121.000 cây vào cuối năm 2020. Năm 2023, tiếp tục phối hợp cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai hoạt động trồng cây để trung hòa Carbon, hướng đến Net Zezo trong vòng 5 năm 2023 – 2027 và nhiều dự án trồng cây khác để hình thành các cánh rừng Vinamilk trong quỹ cây xanh giúp hấp thụ chất thải Carbon.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.