'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Để đánh giá cơ hội của Việt Nam sau khi ký thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng chất hiếm với Mỹ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Hóa học Phạm Quang Minh - Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ).
- Thưa ông, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9/2023 của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai nước đã nâng cấp mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Trong đó, hai bên đã ký thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng chất hiếm. Sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác này sẽ mang đến những cơ hội gì cho Việt Nam, thưa ông?
Tiến sĩ Hóa học Phạm Quang Minh: Việc nâng cấp mối quan hệ Việt Nam – Mỹ thành đối tác chiến lược toàn diện, trong đó, hai nước đã ký thỏa phát triển lĩnh vực chất bán dẫn và khoáng chất hiếm là cơ hội mang lại lợi ích cho cả hai bên. Về khoáng chất hiếm nói chung hay các nguyên tố đất hiếm nói riêng, Việt Nam có trữ lượng tiềm năng, với khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Tuy nhiên, hoạt động khai thác, chế biến còn rất hạn chế.
Mỹ là quốc gia có nhu cầu lớn và có công nghệ tiên tiến sử dụng đất hiếm vào lĩnh vực công nghệ cao và cũng là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn (2,3 triệu tấn), có nhiều mỏ quy mô công nghiệp và đã từng có nhà máy chế biến đất hiếm. Gần đây, Mỹ tìm cách xây dựng lại ngành đất hiếm và đẩy mạnh tập hợp các quốc gia, đồng minh trong lĩnh vực khoáng sản chiến lược nhằm hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ nguồn cung (các quốc gia giàu tài nguyên như Úc, Brazil, các nước châu Phi…) đến tinh chế/luyện kim (Nhật Bản, Hàn Quốc, sở hữu nhiều công nghệ then chốt) - tiêu thụ (Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...).
Như vậy, việc ký kết này sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong hợp tác quốc tế, tiếp cận công nghệ, thu hút đầu tư... Đây sẽ là cơ hội thu hút các doanh nghiệp từ Mỹ cũng như nhiều nước khác có công nghệ chế biến và ứng dụng đất hiếm tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác ở Việt Nam.
Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và các nhà khoa học trong nước thông qua tăng cường hợp tác quốc tế để phối hợp, từng bước xây dựng và làm chủ công nghệ lõi chế biến quặng đất hiếm với mục tiêu sẽ tập trung nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đầu tư chế biến sâu khoáng sản như trong Quyết định 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023.
- Như ông vừa cho biết, Việt Nam có trữ lượng khoảng 22 triệu tấn đất hiếm, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Vậy chúng ta cần có những chính sách gì để quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này?
Hiện nay, chính sách về khoáng sản Việt Nam đang dần được hoàn thiện theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ban hành ngày 10/2/2022.
Chính phủ đã ban hành một số quyết định trong lĩnh vực khoáng sản như: Quyết định số 334/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ban hành ngày 01/4/2023; Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ban hành ngày 18/7/2023.
Việc hoàn chỉnh dự án Luật Địa chất và Khoáng sản (thay thế Luật Khoáng sản 2010) để trình Quốc hội cho ý kiến vào năm 2024 cũng đang được triển khai tích cực.
Cùng với các Nghị định và Quyết định là các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) quy định các điều kiện đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai khoáng tại Việt Nam; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cho phép thành lập liên doanh với phần vốn góp của bên nước ngoài không quá 51% hoặc doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Có thể thấy với các Nghị quyết, Quyết định trên đã tạo dựng cơ bản các cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển lĩnh vực khoáng sản, trong đó có khoáng sản đất hiếm Việt Nam. Để quản lý và khai thác hiệu quả đất hiếm trước hết cần phải thực hiện tốt quy hoạch đã được phê duyệt, trong quy hoạch nhiệm vụ, chức năng của các Bộ, ngành và địa phương đã được phân định rõ, tuy nhiên cần có cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề cụ thể và đặc biệt là cần chú trọng đẩy mạnh và đầu tư có trọng điểm về khoa học công nghệ, đào tạo đội ngũ cán bộ, tăng cường năng lực nghiên cứu và triển khai trong lĩnh vực đất hiếm, trên cơ sở phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế từng bước làm chủ công nghệ lõi về chế biến đất hiếm.
- Theo "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050", dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. Ông có đánh giá gì về quy hoạch này?
Quy hoạch được phê duyệt đúng thời điểm khi vấn đề về đất hiếm đang rất nóng. Quy hoạch đã nêu rất rõ quan điểm, mục tiêu phát triển đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (như bô xít, titan, đất hiếm…), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.
Phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả, bền vững. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản đất hiếm phải gắn với dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%, khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO), công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích đi kèm, đảm bảo môi trường, an toàn về phóng xạ.
Quy hoạch nêu rõ giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm, đầu tư mới từ 3 dự án thủy luyện, với sản phẩm tổng các ôxit đất hiếm (TREO) dự kiến từ 20.000 - 60.000 tấn/năm, đầu tự các dự án chiết tách, với sản phẩm đất hiếm riêng rẽ (REO) dự kiến từ 20.000 - 60.000 tấn/năm. Đây chính là căn cứ để các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan (kể cả công ty tư nhân) xây dựng Chiến lược phát triển lĩnh vực chế biến đất hiếm và ứng dụng công nghệ đất hiếm trong các ngành kinh tế kỹ thuật, với các nhiệm vụ cụ thể cho 5 - 10 và 20 năm tiếp theo.
- Như ông vừa nói ở trên, mặc dù Việt Nam có trữ lượng đất hiếm đứng thứ 2 thế giới nhưng hoạt động khai thác, chế biến sâu còn rất hạn chế. Vậy chúng ta cần giải quyết bài toán này ra sao?
Đất hiếm bao gồm 17 nguyên tố có tính chất rất giống nhau và để ứng dụng được đất hiếm, cần phải tách riêng rẽ các nguyên tố này; yêu cầu ứng dụng đòi hỏi tách và tinh chế ra các đơn nguyên tố đất hiếm có độ sạch rất cao. Chính vì vậy, công nghệ chế biến sâu đất hiếm đến sản phẩm cuối cùng là các nguyên tố đất hiếm riêng rẽ độ sạch cao, có giá trị cao là rất phức tạp. Công nghệ chế biến đất hiếm là bí mật của mỗi quốc gia, các nước không "chia sẻ" hoặc "chuyển giao" công nghệ chế biến cũng như công nghệ ứng dụng các sản phẩm đất hiếm.
Trên thế giới hiện có rất nhiều công nghệ tuyển, chế biến đất hiếm, tùy thuộc vào đối tượng quặng và tùy thuộc vào yêu cầu đối với sản phẩm cuối. Công nghệ chế biến đất hiếm phổ biến trên thế giới gồm các giai đoạn sau:
Thứ nhất, giai đoạn tuyển quặng đất hiếm để thu nhận quặng tinh có hàm lượng đất hiếm cao hơn trong quặng nguyên khai. Đây là giai đoạn quan trọng, quá trình tuyển thu nhận quặng tinh chất lượng tốt sẽ thuận lợi cho giai đoạn thủy luyện sau này; giảm thiểu được việc tiêu tốn vật tư, hóa chất và năng lượng và giảm được ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Thứ hai, giai đoạn thủy luyện quặng tinh để thu nhận tổng oxit đất hiếm có độ sạch trên 95%.
Thứ ba, giai đoạn phân chia và tinh chế tổng oxit đất hiếm để thu nhận các nguyên tố đất hiếm riêng rẽ có độ sạch cao, có giá trị cao.
Thứ tư, giai đoạn xử lý chất thải có chứa nhân phóng xạ của quá trình chế biến đất hiếm. Trong quặng đất hiếm luôn có các nhân phóng xạ thori và urani đi kèm, do vậy công đoạn này là cần thiết và bắt buộc trong quá trình chế biến quặng đất hiếm nhằm đảm bảo môi trường và khai thác bền vững khoáng sản đất hiếm.
Trong lĩnh vực đất hiếm nói chung có hai vấn đề nghiên cứu lớn đối Việt Nam: Nghiên cứu chế biến sâu đất hiếm từ quặng đất hiếm Việt Nam và nghiên cứu ứng dụng đất hiếm trong các ngành kinh tế kỹ thuật.
Về phương diện các tổ chức nghiên cứu, từ những năm 1970, Đảng và Nhà nước đã chú trọng công tác thăm dò, nghiên cứu chế biến và ứng dụng đất hiếm Việt Nam như chương trình 24C và chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước đã thu hút nhiều Viện nghiên cứu tham gia như: Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Luyện kim màu và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (tập trung chủ yếu ở Viện Công nghệ xạ hiếm).
- Việt Nam đã từng khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao, song do nhiều yếu tố trong đó có vấn đề liên quan đến hiệu quả kinh tế do chi phí khai thác cao, nhưng giá thành bán ra lại thấp nên phải đóng cửa. Với cơ hội hợp tác lần này giữa hai nước Việt- Mỹ, ông đánh giá như thế nào về triển vọng khởi động lại mỏ đất hiếm Đông Pao (tỉnh Lai Châu)?
Do thấy tầm quan trọng của lĩnh vực đất hiếm và tài nguyên lớn của đất nước, từ năm 1990 đến nay, Viện Công nghệ xạ hiếm có quá trình nghiên cứu liên tục về tất cả các giai đoạn của quá trình chế biến các loại quặng đất hiếm ở Việt Nam, Viện đã đạt được những kết quả nhất định về chế biến quặng đất hiếm Đông Pao, Yên Phú. Viện đã phát triển và làm chủ công nghệ chiết lỏng-lỏng phân chia tinh chế các nguyên tố đất hiếm
Như vậy, để tiếp cận và tiến tới làm chủ công nghệ đất hiếm, bao gồm cả công nghệ chế biến và ứng dụng, triển khai trên quy mô công nghiệp, phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, bài toán đặt ra không hề đơn giản, nhất là việc đầu tư công nghệ. Tìm hiểu và làm chủ được công nghệ hiện đại, phù hợp chính là chìa khóa giúp Việt Nam khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này, tôi có một số đề xuất sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần có cơ chế hợp tác với các đối tác nước ngoài có năng lực tài chính và công nghệ chế biến và ứng dụng đất hiếm mạnh, đảm bảo an toàn môi trường trong chế biến và đủ sức cạnh tranh về sản phẩm ứng dụng đất hiếm, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thứ hai, Việt Nam bước đầu đã có đội ngũ cán bộ và nền tảng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đất hiếm, cần tiếp tục tập trung xây dựng một Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ đất hiếm với các nhiệm vụ sau:
Xây dựng được cơ sở có đầy đủ trang thiết bị phòng thí nghiệm và quy mô pilot để nghiên cứu công nghệ đất hiếm.
Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển nhằm giải quyết các khó khăn kỹ thuật để đạt được công nghệ tiên tiến trong chế biến sâu khoáng sản đất hiếm và ứng dụng đất hiếm.
Xây dựng cơ sở đào tạo nguồn nhân lực lâu dài và chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ đất hiếm.
Triển khai nhiệm vụ hợp tác quốc tế với một số viện nghiên cứu nước ngoài như: Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, ...
Thứ ba, đối với mỏ đất hiếm lớn như mỏ Đông Pao, mặc đù đã được cấp phép khai thác từ nhiều năm nhưng hiện chưa tìm được đối tác cũng như công nghệ hiện đại để chế biến, cần phải có chiến lược hợp lý trên cơ sở phát huy nội lực, Việt Nam cần tạo cơ chế cho doanh nghiệp phối hợp với các nhà khoa học trong nước đầu tư xây dựng một cơ sở chế biến đất hiếm quy mô nhỏ xử lý khoảng 500 tấn tinh quặng đất hiếm/năm, với đầy đủ các công đoạn tuyển, thủy luyện thu nhận tổng oxit đất hiếm có độ sạch trên 95% và xử lý chất thải đảm bảo an toàn phóng xạ và môi trường.
Cơ sở này nhằm chứng minh và hoàn thiện công nghệ trước khi xây dựng nhà máy chế biến quy mô công nghiệp lớn, giúp các doanh nghiệp xem xét và lựa chọn công nghệ phù hợp với đối tượng đất hiếm và mục tiêu đầu tư. Cơ sở này nên đặt tại vùng mỏ đất hiếm được cấp phép khai thác, giúp thuận lợi cho quá trình khai thác mỏ cũng như xử lý và quản lý chất thải trong quá trình chế biến sâu đất hiếm.
- Trung Quốc hiện là "ông lớn" trên thị trường đất hiếm với trữ lượng khoảng hàng trăm triệu tấn và sản lượng khai thác tới cả triệu tấn mỗi năm. Tháng 7/2023 Trung Quốc cũng đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu kim loại quý, trong đó có đất hiếm. Đây có phải là cơ hội để Việt Nam thay thế Trung Quốc cung cấp đất hiếm cho thị trường thế giới?
Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp đất hiếm được như ngày nay cũng phải trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ đầu Trung Quốc cũng gặp những vấn đề lớn đối với khai thác chế biến đất hiếm như: Khai thác quá mức, khai thác trái phép, lấy quặng giàu bỏ quặng nghèo, dễ thì lấy, khó thì bỏ, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, kết cấu công nghiệp giữa các công đoạn chế biến không hợp lý, số lượng doanh nghiệp quá nhiều.
Sau này Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp và chính sách bảo hộ như: Kiên quyết bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên; kiểm soát tổng sản lượng và tối ưu việc bảo vệ trữ lượng; thực hiện chiến lược tập đoàn doanh nghiệp lớn, nâng cao mức độ tập trung của công nghiệp đất hiếm, tích cực đổi mới công nghệ, loại bỏ công nghệ lạc hậu ảnh hưởng xấu môi trường; phối hợp phát triển đất hiếm với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, duy trì trật tự phát triển bình thường của ngành đất hiếm,... ban hành "Quy chế quản lý đất hiếm" trong đó, nêu "Nhà nước có quyền hạn chế hoặc dừng việc khai thác các mỏ trong nước nếu nhận thấy có vi phạm các điều luật quy định về sản lượng cũng như quy định về môi trường".
"Đối với Việt Nam, việc ban hành Quyết định 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển lĩnh vực đất hiếm nói riêng, chế biến khoáng sản nói chung. Quy hoạch đã chỉ rõ việc từng bước hình thành hệ thống công nghiệp đất hiếm hoàn chỉnh từ khai thác, tuyển, thủy luyện, phân chia tinh chế, chế tạo vật liệu, thiết bị và ứng dụng đất hiếm, ưu tiên kiên quyết bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên, nâng cao mức độ tập trung của công nghiệp đất hiếm, tích cực đổi mới công nghệ, phát huy nội lực khoa học công nghệ trong nước, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tiếp thu, áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hiện đại trên thế giới".
- Xin cảm ơn ông!
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.