Vào công trường thi công 600 căn nhà ở xã hội tại Long Biên - Hà Nội
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.
Hoàng tử Vĩnh Thụy là con trai duy nhất của vua Khải Định và được tấn phong Hoàng Thái tử năm 1922 khi lên 9 tuổi. Cũng năm đó, ông theo vua cha sang thăm Pháp, dự Đấu xảo (triển lãm) thuộc địa tại Marseille, sau đó ở lại học tập tại Pháp. Cuối năm 1925, vua Khải Định qua đời, Vĩnh Thụy về nước và chính thức lên ngôi vào ngày 8/1/1926. Sau đó, ông trở lại Pháp tiếp tục học tập, đến năm 1932, ông mới về nước chính thức chấp chính.
Về việc vua Bảo Đại mê đánh golf, chính nhà vua đã khẳng định trong cuốn hồi ký “Con rồng An Nam”, được xuất bản bằng tiếng Pháp tại Pháp năm 1980. Theo lời kể của nhà vua, môn thể thao đến với ông đầu tiên là tennis, nhà vua bắt đầu chơi quần vợt từ năm lên 11 tuổi. Trong hồi ký, nhà vua không nói rõ quá trình học chơi golf của mình thế nào. Sau khi trở về Việt Nam chính thức chấp chính, nhận ra rằng ngôi vị Hoàng đế trong một thể chế bảo hộ của chính quyền thực dân chỉ là hư vị, vì “ngoài các việc phong thần cho các làng muốn thờ cúng một vị thành hoàng”, nên Bảo Đại ngao ngán nhận thừa nhận “tôi còn nhiều giờ rảnh để hoạt động về thể thao”.
Nhà vua viết: “Tùy từng mùa, tôi cũng chơi golf. Cạnh kinh thành Huế, giữa những đồi cỏ êm đềm, tôi cho lập một sân golf, không khác gì các sân golf trứ danh ở châu Âu, để thường xuyên tập dượt”. Bên cạnh đó, vua Bảo Đại cũng có nhiều thú chơi thể thao khác như quần vợt, lướt ván, đua thuyền, lái ôtô tốc độ, thậm chí, cả lái máy bay thể thao…
Về sân golf do nhà vua xây dựng ở Huế cũng như việc chơi golf của vua Bảo Đại, trên báo Trong Khuê Phòng số tháng 3/1936, tác giả ký tên A.M (bút danh của nhà báo Nguyễn Tiến Lãng, nguyên bí thư của Toàn quyền Đông Dương Eugène Jean Louis René Robin và đến năm 1936 là bí thư của Hoàng hậu Nam Phương) đã viết: “Ngoài những giờ làm việc, Ngài ưa sống một cách vui tươi, hoạt động mà bình dị.... Ngài còn lập một sân đánh côn (golf) lớn nhất Đông Dương ở làng Dạ Lê (nay là phường Dạ Lê thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) cách kinh đô chừng 16km. Về môn thể thao này, Ngài là một tay kiện tướng. Lúc ở Pháp, khi nghỉ mát tại tỉnh Vichy, Ngài hay đánh chơi với những tay thiện nghệ bên ấy”.
Hiện nay không có tư liệu nào về các sân golf do người Pháp xây dựng ở miền Bắc. Nhưng trong kho lưu trữ báo chí, chúng ta bất ngờ đọc được những bài báo viết rằng trong chuyến thăm Hà Nội cuối năm 1933, vua Bảo Đại đã đánh golf tại đây. Đó là thông tin trên tờ Hà Thành Ngọ Báo số 1882 ra ngày 10/12/1933, tường thuật ngày thứ sáu trong chuyến thăm Hà Nội của vua Bảo Đại, cho biết, sáng ngày hôm trước, nhà vua thăm các trường học. “Ba giờ chiều, Hoàng thượng mặc đồ golf ra trường đua ngựa đánh golf”. Phóng viên miêu tả kỹ trang phục của nhà vua trên sân golf: “trong sơ mi, ngoài “pi-lô-vơ” (tức áo len cổ chui - pullover) cụt tay, quần trắng, ống lấp vào trong bí tất”.
Bài báo đăng kèm hai bức ảnh chụp vua Bảo Đại đang đánh golf, ký tên “Photo Khánh Ký” (thương hiệu của hiệu ảnh nổi tiếng xuất phát từ làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, Hà Đông), cho thấy vua Bảo Đại để đầu trần, tóc chải keo bóng mượt, tay đeo găng trắng, chân đi giày “đờ cu-lơ” (hai màu đen trắng). Một ảnh thể hiện nhà vua đang chuẩn bị cú “swing” đưa bóng từ hố cát lên, bức bên cạnh thể hiện nhà vua đang chuẩn bị tư thế “put” (đẩy bóng) trên cỏ. “Mãi đến gần năm giờ chiều, cuộc chơi mới tan”, bài báo viết và thông tin chi tiết thêm: “Hoàng thượng chơi gofl trong ngót một tiếng đồng hồ với bác sĩ Cartoux và nhiều người khác”. Một bức ảnh khác đăng ở trên báo cho thấy các nữ golf thủ người Pháp vác gậy đi cạnh nhà vua. Qua thông tin này, chúng ta có thể xác định vào năm 1933, Hà Nội có sân golf nằm ngay trong trường đua ngựa, được xây dựng ở khu vực sân vận động Quần Ngựa ngày nay.
Trong bài báo “Đức Bảo Đại với đại biểu thể thao” đăng trên Hà Thành Ngọ báo số 2295, ra ngày 21/4/1935, cũng mở đầu rằng: “Đức Bảo Đại chẳng những chỉ bắn tài, mà chơi golf cũng giỏi. Về tennis thì Yến là vô địch ở Huế cũng thường bị ngài thắng luôn...”.
Theo lời kể của ông Lê Văn Hồ, sinh năm 1915, kém vua Bảo Đại 2 tuổi, người sinh sống ngay ở phường Dạ Lê, nơi vua Bảo Đại xây sân golf, thì nhà vua thường đánh ôtô xuống chơi môn thể thao quý tộc này ngay vào chiều mùng Một, mùng Hai Tết Nguyên đán. Bạn chơi của nhà vua thường là người nước ngoài. Theo ông Hồ kể thì khi nhà vua đánh golf, hai bên có hai nhóm đồng ấu nhặt bóng. “Vua Bảo Đại chơi golf giỏi lắm, trong những trận đấu thì hầu như vua đều giành phần thắng”, ông Hồ kể.
Rất nhiều tài liệu gán việc hình thành sân golf Đà Lạt Palace – sân golf lâu đời nhất ở Việt Nam với sở thích và yêu cầu của vua Bảo Đại, tuy nhiên điều này hiện khó có thể kiểm chứng. Như có thông tin nói sân golf này được khánh thành từ đầu những năm 1920 để phục vụ vua Bảo Đại, nhưng lúc đó, Bảo Đại vẫn chỉ là một vị hoàng tử còn rất bé và đang học tập tại Pháp, không hề sống tại Đà Lạt.
Theo các tài liệu về quy hoạch và xây dựng của người Pháp để lại thì từ năm 1923, sân golf ở vị trí quanh khách sạn Đà Lạt Palace đã được kiến trúc sư người Pháp E. Hébrard phác thảo. Sân golf này được xây dựng đầu những năm 1930, trùng với thời gian vua Bảo Đại về nước. Tuy nhiên vua Bảo Đại không viết về việc ra lệnh xây dựng sân golf này trong cuốn hồi ký của mình. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những hình ảnh lịch sử trước năm 1945 về một sân golf với cảnh quan tuyệt đẹp nằm trên ngọn đồi bao quanh khách sạn với hồ nước, rừng thông thơ mộng. Lúc mới thi công, sân golf này chỉ mới có 6 lỗ golf và nhà Câu lạc bộ còn tồn tại đến ngày nay. Từ sau cuộc gặp gỡ với vị hôn thê của mình, sau này là vợ chính thất của nhà vua – Nam Phương hoàng hậu – ngay tại khách sạn Đà Lạt Palace vào cuối năm 1932, vua Bảo Đại gắn bó rất nhiều với mảnh đất ngàn thông này, nhất là sau khi được người Pháp đưa về nước lập ra “Hoàng triều cương thổ”, với Đà Lạt là thủ phủ năm 1949 và sống trong những dinh thự nổi tiếng nơi đây. Có lẽ Bảo Đại đã dành nhiều thời gian cho thú vui đánh golf của mình trên sân golf còn được gọi là Đồi Cù này. Tuy nhiên, sân golf này có số phận khá thăng trầm, nó bị bỏ hoang nhiều lần sau những biến động của lịch sử và mãi đến những năm đầu thập kỷ 1994, mới được một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cải tạo và phát triển như ngày nay.
Còn ở miền Nam, cũng từ những năm 1930, đã xuất hiện một sân golf đầu tiên nằm gần sân bay Tây Sơn Nhất. Đó không phải là sân golf nằm sát khu vực đường băng như ngày nay, mà trên công viên Gia Định hiện nay. Dù vua Bảo Đại nhiều lần vào Sài Gòn, nhưng thành phố lúc này là thuộc địa của Pháp nên mỗi khi đến thăm, vua Bảo Đại như một vị “khách” và số hoạt động cũng hạn chế, và sách báo để lại cũng không cho biết nhà vua chơi golf tại đây.
Sân golf này thuộc quyền quản lý của Hội Golf Club de Saigon, mang tên câu lạc bộ, dù người dân vẫn gọi là sân golf Gia Định. Ban đầu khu đất 40ha của sân golf chưa thuộc về sân bay Tân Sơn Nhất, vì diện tích phi trường còn nhỏ hẹp, chưa được mở rộng đến đây. Đến năm 1947, khi phi trường Tân Sơn Nhất được mở rộng, khu đất 40ha do Golf Club thuê mới thật sự thuộc phạm vi phi trường Tân Sơn Nhất, nhưng sân golf vẫn được phép tồn tại vì diện tích nay chưa đưa vào sử dụng cho việc mở rộng phi trường. Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, sân golf này mới ngưng hoạt động và đóng cửa. Đến tháng 12/1978, UBND Thành phố đã giao toàn bộ khu bãi sân golf nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận và Gò Vấp cho Sở Quản lý Công trình Công cộng quản lý để xây dựng thành Công viên Thành phố, đặt tên là Công viên Gia Định và trở thành địa điểm vui chơi, sinh hoạt thể thao cho nhân dân đến ngày nay.
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.