Xây dựng 'ngôi nhà số': Đồng bộ “từ trên xuống và từ dưới lên”

Tấn Phước - Khánh Hồng - 09/06/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Quảng Nam đang triển khai thực hiện chuyển đổi số đồng bộ “từ trên xuống và từ dưới lên” với mục tiêu cao nhất là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có những chia sẻ với Đầu tư Tài chính về lộ trình chuyển đổi số của địa phương thời gian qua và sắp tới.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

- Thời gian qua, công cuộc chuyển đổi số của Quảng Nam đã triển khai như thế nào, thưa ông?

Trong năm 2023, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được lãnh đạo tỉnh và các cấp các ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Công tác chuyển đổi số ngày càng lan tỏa và được thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các ngành, lĩnh vực với 3 trụ cột chính là chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Trong đó, triển khai chính quyền số là một nội dung trong chuyển đổi số, là quá trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính.

Địa phương tiếp tục duy trì, phát huy các kết quả nền tảng chuyển đổi số đã đạt được cũng như triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các nền tảng mới, ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh cũng đã triển khai thống nhất, đồng bộ các ứng dụng chung cơ bản của chính quyền điện tử như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Qoffice, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, kết nối liên thông dữ liệu giữa các cấp, thúc đẩy trao đổi, sử dụng văn bản điện tử và hình thành môi trường làm việc qua mạng.

Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia phục vụ nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định Phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến gồm 1237 dịch vụ công toàn trình và 442 dịch vụ công một phần. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 76,55%. Các dịch vụ công trực tuyến ngày càng được cải tiến và thuận tiện giúp giảm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh đã đưa vào vận hành hệ thống bản đồ giám sát thực thi thể chế của tỉnh tại địa chỉ https://bandotheche.quangnam.gov.vn, cung cấp thông tin giám sát, thống kê đối với các chỉ tiêu về tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Địa phương cũng đã triển khai thực hiện hệ thống Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh và 11 huyện; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai các ứng dụng phục vụ người dân như Smart Quảng Nam, 1022 Quảng Nam cho phép người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin, thông báo, dịch vụ tiện ích của chính quyền, đồng thời có thể gửi các phản ánh, kiến nghị, khó khăn vướng mắc đến các cơ quan chức năng để được giải quyết.

Hạ tầng CNTT ngày càng được nâng cấp, hệ thống mạng LAN, máy tính, hội nghị truyền hình trực tuyến, camera giám sát được đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G), thứ 5 (5G).

Ngoài ra, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Nam, Mạng diện rộng và Trung tâm giám sát an toàn thông tin (gọi chung là Trung tâm tích hợp dữ liệu) đã được khánh thành và đưa vào vận hành. Đây là nơi tập trung toàn bộ hệ thống mạng, hệ thống máy chủ phục vụ triển khai các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn toàn tỉnh. Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được tập trung tại trung tâm nhằm đảm bảo khả năng bảo vệ các ứng dụng, dịch vụ, dữ liệu dùng chung, cũng như tránh tình trạng phát triển ứng dụng, dịch vụ manh mún, riêng lẻ tại các cơ quan, đơn vị.

Một kết quả quan trọng của năm 2023 là Triển khai hợp nhất hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Với hệ thống mới này, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức được xác minh và cấp một tài khoản duy nhất, sử dụng thống nhất cho việc đăng ký trực tuyến dịch vụ công đối với tất cả các dịch vụ hành chính công các cấp, thông qua hệ thống hồ sơ điện tử. Ngoài ra, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính còn cung cấp công cụ theo dõi về tiến trình, nhật ký hồ sơ, ghi nhận tất cả nội dung trao đổi, giao dịch điện tử giúp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp theo dõi, giám sát hồ sơ của mình, qua đó tạo thành công cụ để giám sát việc triển khai dịch vụ công của các cơ quan nhà nước.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Quảng Nam là hệ thống tập trung duy nhất của tỉnh, có khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Lễ khánh thành Trung tâm tích hợp dữ liệu - mạng diện rộng và trung tâm giám sát an toàn thông tin tỉnh Quảng Nam

- Hiện tại, lộ trình chuyển đổi số của tỉnh có đang đi đúng kế hoạch không, thưa ông?

Hiện tại, lộ trình chuyển đổi số của tỉnh được triển khai theo đúng chủ trương, chiến lược của Chính phủ về Chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số.

Về lộ trình cụ thể, tỉnh xác định mục tiêu lâu dài là thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Quảng Nam vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt. Đồng thời, hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân. Tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Ngoài ra còn khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tỉnh sẽ là thực hiện đồng bộ chuyển đổi số từ trên xuống và từ dưới lên. Mỗi huyện, thị xã, thành phố chủ động lựa chọn một đơn vị cấp xã để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Cùng với đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chương trình kế hoạch về chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số.

Địa phương cũng đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Theo đó, chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và nền tảng số trong công tác bảo đảm an toàn thông tin; phát triển hệ thống nền tảng, hạ tầng, mạng lưới gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Phát triển hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tập trung xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hệ thống giám sát an ninh thông minh, số hóa lĩnh vực tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục...

- Chuyển đổi số được xem là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Vậy tỉnh cần làm gì để đưa kinh tế số - một trong 3 trụ cột của chuyển đổi số cùng với chính quyền số và xã hội số ngày một phát huy hiệu quả?

Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch Xây dựng Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số giai đoạn 2024 - 2026 và 2026 - 2030. Triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào trong quản lý, quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm từ ứng dụng công nghệ số. Tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng công cụ do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp để thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Ngoài ra, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân, hợp tác xã tham gia sàn thương mại điện tử giới thiệu quảng bá nông sản.

- Chuyển đổi số là một xu thế mới và một cách làm mới, tỉnh đã có biện pháp gì để thay đổi cách nhìn nhận của cán bộ và người dân trong công cuộc chuyển đổi số, thưa ông?

Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức. Tham gia vào tiến trình chuyển đổi số, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp cần cảm nhận, thấy rõ, nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể để thực hiện.

Chuyển đổi số không phải là một khái niệm trừu tượng, xa vời, không thiết thực với bản thân. Trên thực tế, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực quản lý, giáo dục, y tế, kinh tế… nhưng vẫn chưa ý thức được những gì đang diễn ra chính là biểu hiện của thực hiện chuyển đổi số và mình đã và đang làm gì ở đâu, trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, quá trình chuyển đối số và tiến tới đạt được các mục tiêu Chương trình chuyển đổi số đặt ra là quá trình lâu dài, do đó việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số vẫn cần triển khai ngay những giải pháp cụ thể.

“Chìa khóa” để đẩy nhanh sự chuyển đổi nằm ở trong “nhận thức”, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ công chức viên chức, người dân trong công cuộc chuyển đổi số. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hội thảo, đào tạo, bồi dưỡng tập huấn kỹ năng số cho cán bộ công chức, viên chức, đào tạo người dân về các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Cùng với đó, lắng nghe ý kiến và phản hồi từ cán bộ, người dân về các vấn đề và thách thức liên quan đến quá trình chuyển đổi số.

- Hiện nay, kinh tế số đóng góp như thế nào trong GDP của tỉnh? Dự báo kinh tế số của tỉnh phát triển thế nào trong những năm tới, thưa ông?

Hiện nay, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Quảng Nam là 7,13%. Theo mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu kinh tế số chiếm từ 8 - 10% GRDP. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có chính sách, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số trên các ngành, lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, du lịch… nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Ông có thể chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế số của địa phương không?

Thế mạnh của Quảng Nam là kinh tế số ngành, đặc biệt là ngành du lịch, nông nghiệp. Tuy nhiên, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế số. Để phát triển kinh tế số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bao gồm mạng internet, điện thoại di động và hệ thống viễn thông phải đủ mạnh. Quảng Nam có thể đối mặt với vấn đề hạ tầng không đủ hoặc không ổn định, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Song song với đó, cần có đủ lượng nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin. Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng có thể là một thách thức, đặc biệt ở các lĩnh vực chuyên sâu như lập trình và quản lý dự án công nghệ thông tin.

Vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư cũng là một vấn đề quan trọng trong môi trường kinh tế số. Việc thiếu kiến thức và biện pháp bảo mật có thể tạo ra rủi ro cho cả doanh nghiệp và người dân, đồng thời gây ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế số.

Phát triển kinh tế số đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ, hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực. Chi phí đầu tư ban đầu này có thể là một thách thức, đặc biệt đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp ở vùng nông thôn.

- Từ khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong chỉ đạo, điều hành, tỉnh đã đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

Sử dụng công nghệ số trong chỉ đạo và điều hành đã giúp tăng cường hiệu suất và hiệu quả trong các quy trình hành chính. Công nghệ số giúp giảm thời gian và chi phí, cũng như tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý. Công nghệ số cho phép theo dõi và báo cáo các hoạt động một cách chính xác và minh bạch.

Công nghệ số đã tạo ra các kênh tương tác trực tuyến thuận tiện và hiệu quả, giảm thời gian và chi phí cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Việc áp dụng công nghệ số tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và ưu việt cho doanh nghiệp và đầu tư. Các quy trình hành chính được tối ưu hóa và giảm bớt thủ tục hành chính, từ đó tạo ra điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Sử dụng công nghệ số, tỉnh đã cung cấp các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa và giao thông một cách hiệu quả hơn và chất lượng hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.