Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Đề xuất xóa gần 28.000 tỷ đồng tiền thuế
Nghị quyết về xóa nợ thuế đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến với dự kiến xóa 27.753 tỷ đồng nợ thuế. Theo Bộ này, dù tổng nợ thuế trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh, song nợ đọng thuế vẫn còn cao do nhóm nợ không có khả năng thu hồi được tính cộng dồn năm này qua năm khác.
Cụ thể: số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, chỉ giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016. Trong đó, số nợ do cơ quan Thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng (số nợ không có khả năng thu hồi chiếm 31.469 tỷ đồng); nợ do cơ quan Hải quan quản lý là 5.320 tỷ đồng (số nợ không có khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng).
Theo Nghị quyết về xoá nợ thuế, Bộ Tài chính đề xuất xóa hơn 27.700 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi
Ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số nợ không có khả năng thu hồi chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu nợ. Thứ nhất, một số người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự với tổng số tiền thuế nợ là 247,5 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng số nợ đọng.
Thứ hai, có tới 14.816 doanh nghiệp (DN) tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể DN theo quy định với số tiền nợ đọng là 1.485 tỷ đồng; có 256 DN mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền nợ đọng là 688 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có hơn 620.000 người nộp thuế (cả DN, hộ gia đình và cá nhân) không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế với số tiền nợ đọng là 21.846 tỷ đồng.
Hiện nay, Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp. Dù quy định này là chế tài xử lý cần thiết nhưng do người nộp thuế bị coi là chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản không có khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian. Theo tính toán của Tổng cục Thuế, tổng số tiền chậm nộp lên đến 12.273 tỷ đồng trên sổ sách kế toán của cơ quan thuế, song thực tế không có khả năng thu hồi.
“Luật Quản lý thuế được xây dựng cách đây 10 năm, đã qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi, tuy nhiên các trường hợp xử lý xóa nợ đọng thuế chưa bao quát hết tình hình thực tiễn do nhiều nguyên nhân bất khả kháng cũng như chưa phản ánh thực tiễn công tác quản lý thuế”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay.
Do đó, để giải quyết gánh nặng thuế này, Bộ Tài chính đề xuất xóa 27.753 tỷ đồng tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi. Việc xóa các khoản nợ không có khả năng thu sẽ giúp cơ quan Thuế, Hải quan có điều kiện tập trung nguồn lực vào việc quản lý và đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu, tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách. Đồng thời, làm minh bạch số liệu, dữ liệu tiền nợ thuế và phản ánh đúng bản chất của các khoản nợ thuế để xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng tiêu chí xóa nợ thuế
Theo ông Vũ Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, nợ thuế từ các tổ chức, cá nhân không còn kinh doanh chưa được giải quyết kéo dài qua các năm khiến tỷ lệ nợ thuế không có khả năng thu ngày càng tăng và đã chiếm gần 44,9% trên tổng số tiền thuế nợ tính đến cuối năm 2017. Do đó, việc ban hành Nghị quyết xử lý nợ thuế là cần thiết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của Quốc hội và Chính phủ đối với Luật Quản lý thuế nói chung và pháp luật về quản lý nợ thuế nói riêng.
Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, đây là Nghị quyết đặc thù, nhạy cảm với các chính sách được ban hành chưa được quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành, có phạm vi rộng, tác động khá lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, do vậy, hơn hết là phải đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng, tâm lý của người nộp thuế và tính nghiêm minh của pháp luật về thuế.
Ông Vũ Đức Hải đề nghị, cần rà soát, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tiêu chí, nguyên tắc xử lý nợ thuế; thời gian xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp quy định tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc xóa nợ thuế hầu hết các nước trên thế giới đều làm. Hàng năm, các nước đều có số lượng thuế nhất định chưa thu được, có khoản sau 1-5 năm có thể thu hồi được nhưng có khoản được xác định là không thể thu hồi.
“Nhiều khoản nợ thuế không thể thu được. Đặc biệt, Việt Nam và một số nước có khoản gọi là phạt chậm nộp tính theo ngày. Vì thế, ngoài khoản nợ thuế, phạt chậm nộp cứ thế sẽ đội lên nhiều. Chúng ta trong thời gian dài không thực hiện xoá những khoản nợ thuế không có khả năng thu nên nó đã trở thành khoản nợ lớn, năm ngoái là 26.500 tỷ đồng, hiện thì là 27.700 tỷ đồng. Vài chục nghìn tỷ đồng này phải xin xóa đi”, ông Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Xoá nợ thuế có thể nói là một việc làm khá “nhạy cảm”. Theo nhiều chuyên gia, nếu được thông qua, việc thực hiện Nghị quyết sẽ có tác động trên toàn quốc, do đó yêu cầu cần phải có sự chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xử lý nợ thuế của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo việc thực hiện xử lý nợ công khai, minh bạch, chính xác đúng đối tượng, đảm bảo tính nghiêm minh và không để thất thu ngân sách nhà nước.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.