Xem xét dấu hiệu vi phạm cạnh tranh trong vụ Grab mua Uber

Anh Minh - 27/03/2018 16:51 (GMT+7)

Không chỉ phía Việt Nam, Singapore cũng yêu cầu Uber, Grab báo cáo chi tiết vụ mua bán để ngăn ngừa vi phạm cạnh tranh nếu có.

VNF
Sau khi mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Đông Nam Á, Grab cam kết sẽ đem lại tiện ích tốt nhất cho người dùng và tài xế.

Chia sẻ với VnExpress, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan này vừa có văn bản gửi Công ty TNHH Grab Taxi yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý cạnh tranh nhận định việc một doanh nghiệp mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của đơn vị khác cùng lĩnh vực đã có dấu hiệu của tập trung kinh tế và nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên, tới nay nhà chức trách Việt Nam chưa nhận được báo cáo từ Uber, Grab về thương vụ trên nên chưa có đủ căn cứ pháp lý để đánh giá. "Sau khi Grab gửi báo cáo đầy đủ về vụ việc này chúng tôi sẽ xem xét, phân tích và đánh giá thương vụ mua bán trên có đúng theo quy định của pháp luật cạnh tranh hay không", ông Tuấn nói.

Tương tự, ngày 26/3, Uỷ ban quản lý cạnh tranh Singapore cũng yêu cầu Grab, Uber gửi báo cáo "làm rõ chi tiết" về thoả thuận mua lại giữa hai doanh nghiệp này. Đại diện Uỷ ban này cho hay cơ quan này có quyền xem xét bất kỳ thương vụ sáp nhập hoặc mua lại nào có ảnh hưởng đến cạnh tranh trên thị trường.

"Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng không một nhà đầu tư nào thống trị thị trường, gây thiệt hại cho người dân, tài xế. Trường hợp chúng tôi nhận thấy việc sáp nhập có thể dẫn tới việc suy giảm cạnh tranh trên thị trường thì sẽ đưa ra những biện pháp tạm thời ngăn ngừa", đại diện Uỷ ban cho biết.

Bình luận về thương vụ mua bán này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng sự xuất hiện của Uber, Grab thời gian qua là tiền đề cho các cải cách về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải ở Việt Nam. Ông hy vọng sự thâu tóm lần này về tay một ông lớn sẽ không làm giảm sức ép cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. "Nếu không, đó lại là một tín hiệu xấu, từ doanh nghiệp", ông nói.

Trong khi đó ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Công ty Vinasun nhận định, thị trường khi chỉ còn mình Grab sẽ "càng nguy hiểm hơn", bởi lẽ doanh nghiệp này đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và với tiềm lực tài chính mạnh, cùng chiến lược "giá huỷ diệt", Grab đang tiến gần tới độc quyền trong thị trường đặt xe qua ứng dụng ở Việt Nam.

Hôm 25/3, Uber Technologies phát đi thông báo xác nhận bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đánh dấu sự rút lui thứ 2 tại châu Á. Theo thỏa thuận, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại thị trường 620 triệu dân này, kể cả dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats cho Grab. Đổi lại, họ sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab. Từ 8/4, toàn bộ khách hàng và tài xế dùng Uber sẽ chuyển qua ứng dụng của Grab.

Theo VNE
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.