'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
1. Trong câu chuyện trà dư tửu hậu cuối năm Quý Mão 2023, nhóm bạn cùng sở thích đầu tư chứng khoán của chúng tôi đùa vui rằng năm Rồng - Giáp Thìn 2024 sẽ là một năm tích cực của thị trường khoán bởi vì trong tiếng Trung, Rồng gọi là Long, mà trong chứng khoán phái sinh, “Long” biểu thị cho thị trường chứng khoán đi lên (trái ngược với “Short” biểu thị cho thị trường chứng khoán đi xuống).
Câu chuyện vui này gợi mở một thực tế đáng suy ngẫm, đó là kể từ khi thị trường chứng khoán phái sinh chính thức vận hành từ tháng 8/2017, các lực lượng đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự thay đổi căn bản. Nếu như trước thời điểm ra đời thị trường chứng khoán phái sinh, về mặt chính thống, nhà đầu tư chỉ có thể “đánh chứng” một chiều, tức là chỉ lãi khi giá cổ phiếu tăng, không hề có khái niệm “Long” và “Short”, thì kể từ tháng 8/2017, nhà đầu tư có thể kiếm tiền cả khi thị trường đi lên và đi xuống.
Nhiều nhà đầu tư từ xưa đến nay vẫn gọi thị trường chứng khoán là “chứng trường” bởi tính khốc liệt của nó. Đây được ví như trò chơi có tổng bằng 0, tiền chảy từ túi người này sang túi người khác. “Đánh chứng” cũng giống như “đánh trận”, ai thắng thì tiền về túi còn ai thua thì phải chịu mất mát. Những liên tưởng này không phải không có lý, khi vốn dĩ đa số đều thừa nhận “thương trường như chiến trường” và “chứng trường” cũng là một phần của “thương trường”.
Thế nhưng, “chứng trường” hiện nay mang nhiều đặc trưng của “chiến trường” hơn so với “thương trường” thông thường, bởi như đã đề cập, kể từ khi thị trường chứng khoán phái sinh chính thức vận hành thì trên thị trường đã xuất hiện 3 lực lượng chủ đạo rất rõ ràng: Nhóm nhà đầu tư đặt cược giá xuống (Short phái sinh, gọi tắt là “Short”), nhóm nhà đầu tư đặt cược giá lên (Long phái sinh và nắm giữ cổ phiếu cơ sở, gọi tắt là “Long”) và nhóm nhà đầu tư cầm tiền. Trong đó, “Long” và “Short” là 2 phe đối địch, tạo nên thế cục rất giống với chiến trường.
Vậy thiên thời, địa lợi trên “chứng trường” là gì? Trong các phương pháp xác định giá trị cổ phiếu, có 2 phương pháp được sử dụng nhiều nhất, đó là phương pháp sử dụng hệ số định giá P/E và phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF). Cả 2 phương pháp này về cơ bản đều hàm ý rằng biến động giá cổ phiếu tỷ lệ thuận với lợi nhuận của doanh nghiệp và tỷ lệ nghịch với sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác.
Tư duy theo hướng như vậy thì “thiên thời” ở đây chính là triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp và rộng hơn là triển vọng kinh tế vĩ mô, bởi kinh tế vĩ mô tốt thì nhiều khả năng lợi nhuận doanh nghiệp cũng khả quan. Còn “địa lợi” ở đây chính là sức hấp dẫn của kênh đầu tư cổ phiếu so với các kênh đầu tư khác. “Nước chảy chỗ trũng”, nếu tỷ suất sinh lợi của kênh đầu tư cổ phiếu (thể hiện qua hệ số E/P, nghịch đảo của hệ số P/E) cao hơn các kênh đầu tư khác, đặc biệt là lãi suất tiền gửi ngân hàng (bởi ở Việt Nam, gửi tiền ngân hàng là kênh đầu tư áp đảo về quy mô), thì dòng tiền có xu hướng chảy từ nơi có tỷ suất sinh lợi thấp về nơi có tỷ suất sinh lời cao.
Nếu chỉ được “địa lợi” mà không có “thiên thời”, như nửa cuối năm 2023, thì thị trường chứng khoán khó lòng bứt phá. Ngược lại, nếu chỉ được “thiên thời” - triển vọng kinh tế vĩ mô tốt nhưng tỷ suất sinh lợi của thị trường chứng khoán lại thấp so với các kênh đầu tư khác - tức là không được “địa lợi”, thì thị trường cũng khó chinh phục các mốc cao mới.
Trên chiến trường, nhận diện được thiên thời, địa lợi là bài toán khó và trên “chứng trường” cũng vậy, đặc biệt là yếu tố thiên thời. Bài học năm 2022 cho thấy rằng triển vọng kinh tế vĩ mô có thể đảo chiều đột ngột bởi một vài sự kiện nằm ngoài tầm hiểu biết của đa số nhà đầu tư; hoặc nhà đầu tư có thể tưởng rằng kinh tế vĩ mô cũng như lợi nhuận doanh nghiệp đang dần phục hồi nhưng thực tế cho thấy kỳ vọng này là sai lầm, như bài học nửa cuối năm 2023. Ngay cả đối với yếu tố địa lợi, có một cái “bẫy” chờ đợi nhà đầu tư, đó là lòng tham. Có bao nhiêu nhà đầu tư sẵn sàng bán cổ phiếu khi thị trường chứng khoán liên tục tăng bất chấp định giá thị trường ngày càng đắt và đắt hơn các kênh đầu tư khác?
2. Chẳng cần đọc binh pháp, có lẽ ai cũng đã từng nghe đến kế “Dương Đông kích Tây”. Một trong những cách phổ biến nhất để thực hiện kế “Dương Đông kích Tây” chính là tạo tin đồn.
Tin đồn cũng là đặc sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hàng ngày, trên khắp các diễn đàn hội nhóm chứng khoán, tin đồn mọc ra như nấm, có tin đồn trở thành sự thật nhưng cũng có tin đồn mãi chỉ là tin đồn, tuy vậy dù thế nào thì các tin đồn đều có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Tin đồn, dù trên chiến trường hay trên “chứng trường”, cũng đều được tung ra một cách có chủ đích, nhằm đem lại lợi thế cho một nhóm lợi ích lớn nào đó.
Một dạng “Dương Đông kích Tây” khác là nghi binh, tức là muốn điều này nhưng lại giả làm điều kia, nói điều này mà lại làm điều nọ. Đây cũng là chuyện phổ biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc đăng ký mua vào cổ phiếu nhưng rốt cuộc lại không mua, hoặc mua rất ít, đã trở nên nhan nhản; hay như việc doanh nhân, nhà quản lý danh mục đầu tư miệng thì hô thị trường rất triển vọng, doanh nghiệp hoạt động rất tốt, sắp hái quả ngọt… nhưng tay lại đặt lệnh bán cổ phiếu.
Một kế khác không cần đọc binh pháp nhưng ai cũng quen thuộc, đó là “36 kế, chạy là thượng sách”. Bất luận là đánh trận hay là “đánh chứng”, không ai là có thể thắng mãi, lúc nhận thấy nguy cơ thua là phải “chạy” để đảm bảo lực lượng, bảo vệ nguồn vốn. “Chạy” chỉ là giải pháp tạm thời để có cơ hội quay lại với tâm thế vững vàng hơn, tập trung hơn và với cơ hội thuận lợi hơn. Đối với những nhà đầu tư vay margin, nếu không nhanh chân “chạy” thì có thể rất nhanh “cụt vốn”, không còn cơ hội để làm lại.
Nhưng người xưa cũng dạy về những điểm nguy khi “chạy”, đó là sẽ mất tinh thần, mất sự tin tưởng vào chính bản thân cũng như từ những người xung quanh. Nếu không giải quyết định vấn đề này thì “chạy” không còn là một kế hoạch, mà là một sự tan rã!
Nhìn chung, nếu nhìn nhận “chứng trường” với 3 lực lượng như đã đề cập ở trên, trong đó có 2 lực lượng đối lập là “Long” và “Short”, thì sự tương đồng về nguyên lý thành - bại giữa “chứng trường” và chiến trường là rất lớn, giới hạn nằm ở chính người vận dụng mà thôi.
3. Trong 36 kế, có một kế gọi là “phản khách vi chủ”, tức là đổi địa vị khách thành địa vị chủ. Người xưa thường phân chủ - khách rất rõ, trong đó chủ ở thế chủ động, khách ở thế bị động, mọi việc đều do chủ đặt định sắp xếp. Vậy nhưng trên “chứng trường”, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lại có sự ngộ nhận giữa chủ và khách.
Trong đa số trường hợp, nhà đầu tư nhỏ lẻ là khách, còn chủ là chủ doanh nghiệp hoặc/và thế lực mà giới đầu tư vẫn gọi là “lái”. Điều đó đồng nghĩa rằng, nhà đầu tư nhỏ lẻ ở thế bị động còn chủ doanh nghiệp/“lái” ở thế chủ động. Sự ngộ nhận thường thấy là “nhà đầu tư nào cũng bình đẳng”, trong khi thực tế là nhà đầu tư nhỏ lẻ yếu thế và bị động hơn ngộ nhận rất nhiều. Sự ngộ nhận này dẫn đến chiến lược đầu tư không hợp lý, từ đó dẫn đến thua lỗ, nhất là tại những thị trường cận biên, có tính đầu cơ cao như Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng có những trường hợp “phản khách vi chủ”, nhưng vai “khách” trong các trường hợp như vậy thường không phải nhà đầu tư nhỏ lẻ mà là nhà đầu tư có tổ chức. Trường hợp kinh điển nhất trên thị trường chứng khoán thế giới về “phản khách vi chủ” là câu chuyện tại GameStop, khi sự “điên cuồng” của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã khiến các quỹ đầu cơ khổng lồ thua lỗ hàng chục tỷ USD.
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.