Xuân Nhâm Dần, ngắm bộ sưu tập 2022 con hổ

Đoàn Tùng - 03/02/2022 17:32 (GMT+7)

(VNF) - Sơn mài được coi là đặc trưng của nền hội hoạ Việt Nam. Chất liệu làm nên sơn mài là nhựa cây sơn trộn chung với bột màu và đem mài bóng để tạo nên sự độc đáo của sơn mài. Nghề sơn mài sử dụng nhiều chất liệu truyền thống như: sơn then, sơn cánh gián, sơn son, thếp vàng, vỏ trai, thếp bạc...

VNF

Hiện nay nghề truyền thống dường như đã mai một theo năm tháng, chỉ còn ít người vẫn theo và giữ gìn nghề. 

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là người tâm huyết với việc duy trì và phát triển sơn mài.

Là hoạ sĩ mỹ thuật ứng dụng, ông luôn muốn những sản phẩm mình làm ra phải phục vụ con người, nó không đơn giản là sản phẩm mang tính mỹ thuật, nghiên cứu hoặc chuyên sâu.

"Tôi đã có ý tưởng làm bộ sưu tập hổ này từ cách đây 2 năm bắt đầu từ năm 2019. Cách đây 2 tháng tôi bắt đầu trưng bày những sản phẩm hoàn thiện đầu tiên, và dự tôi dự tính hoàn thiện 2022 bức tượng hổ này sẽ triển lãm vào 30/4." Anh Phát cho biết.

Con số 2022 cũng là con số anh muốn đưa vào vì đây là con số của năm mới (xuân Nhâm Dần). Bộ sưu tập Hổ này nghệ nhân muốn gửi gắm thông điệp vào đây bởi theo ông thì "tinh thần của mỗi con giáp cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của người Việt". Chẳng hạn, như năm con Trâu (Tân Sửu - 2021) đất nước ta cũng trải qua một năm quá nhiều vất vả với rất nhiều những biến động của xã hội như là: dịch bệnh, thiên tai, khó khăn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.

Anh Phát đã sáng tác rất nhiều các chủ đề khác nhau nhưng những năm gần đây đã thay đổi đi theo hướng nghệ thuật dân gian đương đại, lấy cảm hứng từ những gì có sẵn có tự nhiên và sẵn có của người Việt.

Thông thường mọi người hay e dè hình tượng Hổ khi đặt trong không gian nội thất của gia đình vì Hổ thường là con vật hung dữ, luôn có khoảng cách đối với con người. Bộ sưu tập này đã được cách điệu nhằm giảm đi sự mãnh liệt, quyết liệt của loài Hổ tuy nhiên vẫn giữ được chất riêng không lẫn của con giáp này.

Các sản phẩm đều được gắn những công năng mang tính ứng dụng cao.

Anh Phát cho biết: "Một giá trị vô hình nữa tôi muốn đưa vào tác phẩm của mình đó là những câu chuyện mang tính dân gian, mang tính văn hoá, tôi đã tìm tòi, khơi gợi lại những tích truyện dân gian vì đề tài Hổ này là đề tài vô cùng hóc búa, khó cả về tạo hình và cả về ý nghĩa tích truyện".

Bộ ghế ngũ Hổ là tác phẩm anh Phát ưng ý nhất với tích truyện ngũ Hổ rất gần gũi, đó là biểu tượng gắn liền với tín ngưỡng người Việt. Quá trình làm bộ ghế này đòi hỏi rất nhiều tâm lực và tài lực của anh vì kích thước rất lớn, một chiếc ghế có thể nặng tới 60kg và cao, rộng đến 1,2m. Hiện tại anh đã hoàn thiện 5 chiếc ghế và hơn 1000 sản phẩm tượng Hổ.

Hiện sản phẩm đang được triển khai tại xưởng ở thôn Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm. 2.022 tượng hổ được làm từ gỗ mít, là chất liệu bản địa tại miền trung du Sơn Tây, kết hợp với nghệ thuật sơn mài thuần Việt ra mắt công chúng dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Tags: