Apple: 'Con tốt' trên bàn cờ căng thẳng Mỹ - Trung

Khánh Tú - 18/09/2023 19:37 (GMT+7)

(VNF) - Căng thẳng Mỹ - Trung, lệnh hạn chế sử dụng các sản phẩm của Apple và sự hồi sinh của Huawei đang đặt ra hàng loạt thách thức không nhỏ đối với Apple.

VNF
Apple trở thành 'con tốt' trên bàn cờ 'căng thẳng Mỹ - Trung'.

Thị trường tỷ dân giúp Apple kiếm bộn tiền

Vào tháng 3 năm nay, CEO Apple Tim Cook trở thành một trong số ít các CEO Mỹ tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc và có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, Tim Cook đề cao cách Apple và Trung Quốc đã cùng nhau phát triển trong một “mối quan hệ cộng sinh”.

Cho đến nay, Apple vẫn giữ được vị thế quan trọng ở Trung Quốc và tránh được số phận của những công ty công nghệ “đồng hương” như Google, Meta, Twitter và Micron – những cái tên đã bị hạn chế hoặc cấm hoàn toàn tại thị trường tỷ dân này.

Trung Quốc từ trước đến nay luôn là thị trường ăn nên làm ra của Apple.

Ông Tim Cook vẫn luôn được ca ngợi là “kiến trúc sư tài ba” vẽ đường cho cuộc “di dời” dây chuyền sản xuất Apple sang Trung Quốc. Nhiều năm đầu tư, tiếp thị với chính sách ngoại giao doanh nghiệp thận trọng cùng với sự lãnh đạo của Tim Cook đã giúp Apple trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất Trung Quốc.

Theo kết quả báo cáo của S&P Global Market Intelligence, lợi nhuận hoạt động của Apple tại thị trường Trung Quốc, bao gồm Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và Trung Quốc đại lục, đạt 31,2 tỷ USD trong 12 tháng (kết thúc vào tháng 9/2022), vượt mặt Tencent (15,2 tỷ USD) và Alibaba (13,5 tỷ USD) trong cùng kỳ.

Ông Paul Triolo, đối tác liên kết của nhóm cố vấn Albright Stonebridge, cho biết Apple “đã đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ với cả trung ương và chính quyền thành phố, đặc biệt là ở Trịnh Châu”, nơi họ đã hợp tác với Foxconn và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người dân nơi đây. Ông cũng nói thêm rằng Apple đã tuân thủ các quy định của địa phương một cách “rất cẩn thận”, gỡ bỏ các ứng dụng nhạy cảm về mặt chính trị.

Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn?

Trớ trêu thay, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Apple tại thị trường Trung Quốc lại khiến công ty này trở thành mục tiêu bị ngắm đến trong cuộc chiến kinh tế Mỹ - Trung.

Gã khổng lồ công nghệ phải đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh mới tại Trung Quốc – nơi vừa là trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới, vừa là thị trường quốc tế lớn nhất của hãng, chiếm gần 20% doanh thu của Apple trong quý II/2023.

Doanh số bán điện thoại di động của Apple so với Huawei tại Trung Quốc.

Ngay sau khi có thông tin nhiều cơ quan chính phủ của Trung Quốc đặt lệnh cấm sử dụng các sản phẩm của Apple, một đợt bán tháo cổ phiếu đã làm giảm gần 200 tỷ USD vốn hóa thị trường của Apple trong tháng 9.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, có khoảng 56,3 triệu công dân được các đơn vị nhà nước tuyển dụng vào năm 2021. Lương trung bình của những người làm tại các đơn vị nhà nước cao hơn khoảng 8% so với mức lương tại thành thị. Chính vì thế, đây là những khách hàng hấp dẫn và tiềm năng với Apple, hãng công nghệ chuyên về các thiết bị cao cấp. Nếu đánh mất đi phân khúc khách hàng này, chắc chắn doanh thu của Apple sẽ giảm sút đáng kể.

Vào ngày 13/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không cấm quan chức sử dụng iPhone, nhưng cũng đang theo dõi các báo cáo về vấn đề an ninh của thiết bị này. Đồng thời, phía Trung Quốc cũng yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh tuân thủ pháp luật.

Đáp trả lại phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết phía Mỹ đang “quan sát tình hình với sự lo lắng”. Đi cùng với đó, Mỹ cho rằng hành động theo dõi các vấn đề an ninh của iPhone cho thấy Trung Quốc đang từng bước thực hiện biện pháp trả đũa khi căng thẳng giữa hai siêu cường tăng mạnh. Còn phía Apple lại từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.

Huawei Mate 60 Pro có màn chào sân ấn tượng.

Không chỉ chịu sức ép từ căng thẳng Mỹ - Trung, Apple còn đang phải đương đầu với thách thức mang tên Huawei Technologies. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vừa qua đã ra mắt mẫu điện thoại thông minh Mate 60 Pro mới với tốc độ tương đương 5G bất chấp lệnh cấm xuất khẩu chip tiên tiến của Mỹ.  

Khi các chuyên gia tiết lộ Mate 60 Pro sử dụng chip tiên tiến của Trung Quốc, sản phẩm này ngay lập tức đánh trúng tâm lý yêu nước của khách hàng nội địa. Mate 60 Pro đã bán hết ngay lập tức và nhận được số đơn đặt trước vô cùng ấn tượng.

Đáng chú ý, Mate 60 Pro đã có màn chào sân thành công ngay trước thời điểm Apple ra mắt dòng sản phẩm iPhone 15. Cú sốc này đã khiến giá cổ phiếu Apple giảm gần 7% trong vòng 2 ngày sau khi Mate 60 Pro ra mắt, khiến công ty thiệt hại khoảng 194 tỷ USD giá trị thị trường.

Đáng lo ngại hơn, Mate 60 Pro lại đang nhắm đến phân khúc điện thoại thông minh cao cấp tại Trung Quốc – phân khúc đang ăn nên làm ra của Apple. Các lệnh trừng phạt của Mỹ trước đây đã phần nào làm “tê liệt” Huawei và giúp Apple “một mình một cõi” trong phân khúc này.

Thế nhưng giờ đây, khi Mate 60 Pro sử dụng chip của Trung Quốc nhưng vẫn có nhiều tính năng vượt trội, Apple nên cảm thấy bị đe dọa. Các chuyên gia cho biết Bắc Kinh có thể lấy Huawei làm lựa chọn thay thế cho Apple.

iPhone 15 ra mắt mới đây.

Sau buổi ra mắt không mấy ấn tượng của iPhone 15, cổ phiếu của Apple vẫn tiếp tục giảm. Mặc dù các chuyên gia cho hay sự sụt giảm của cổ phiếu Apple phần lớn là do nền kinh tế Trung Quốc đang khủng hoảng trong thời gian gần đây. Tuy vậy, vẫn có thể có một kịch bản xấu dành cho Apple.

Ông Gene Munster, đối tác quản lý tại Deepwater Asset Management, cho biết “trường hợp xấu nhất” là lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc sẽ làm giảm 2% doanh số bán iPhone toàn cầu và 1% tổng doanh thu của Apple vào năm 2024.

Trung Quốc – Apple vẫn sẽ còn “nặng tình”

Thế nhưng nhiều chuyên gia vẫn có cái nhìn tích cực về tương lai của Apple tại Trung Quốc. Ông Paul Triolo cho biết Bắc Kinh sẽ không, hoặc nếu có thì rất miễn cưỡng, thực hiện các hành động làm suy yếu vị thế của Apple tại Trung Quốc bởi nó có thể tác động “rất tiêu cực đến môi trường kinh doanh trong nước”.

Việc Trung Quốc không có bất kỳ chỉ thị công khai nào chống lại Apple cũng trái ngược với lập trường rõ ràng của nước này khi cấm nhà sản xuất chip nhớ Micron của Mỹ tham gia vào cơ sở hạ tầng quan trọng vào tháng 5 vì “rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng”.

Apple cần khéo léo hơn để tránh "đạn lạc" trong căng thẳng Mỹ - Trung.

Ông Paul Triolo khẳng định, Trung Quốc – Apple là mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi”. Apple có 14.000 nhân viên trực tiếp tại Trung Quốc, nhưng các chuyên gia ước tính hãng này đã tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm tại đây. Trái lại, doanh số bán hàng của Apple tại phân khúc Trung Quốc Đại lục cũng tạo ra tỷ suất lợi nhuận hoạt động trước thuế cao hơn 12 điểm phần trăm so với tổng lợi nhuận của hãng trong năm tài chính gần đây nhất.

Về phần Huawei, mặc dù có nhiều tiềm năng trở thành “kẻ thế chỗ” Apple nhưng ngay cả Mate Pro cao cấp nhất của họ vẫn thua iPhone về mặt kỹ thuật. “Huawei đã đi sau Apple cả một thế hệ. Chính vì thế, hãng công nghệ Trung Quốc sẽ phải chơi trò đuổi bắt với Apple trong một thời gian dài”, ông Ivan Lam, nhà phân tích tại Counterpoint Research ở Hồng Kông cho hay.

Apple đã trở thành “con tốt” trên bàn cờ cạnh tranh Mỹ - Trung và nếu không khéo léo, hoạt động kinh doanh của gã khổng lồ công nghệ này sẽ phải chịu những tổn thất nặng nề.

Theo các chuyên gia, để có thể thực sự né được làn đạn giữa Mỹ và Trung Quốc, Apple và Tim Cook phải có “hành động cân bằng tế nhị” nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc trong khi vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, một cựu giám đốc điều hành của Foxconn nói.

Theo WSJ, Financial Times
Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Ông Nguyễn Đỗ Lăng: Ngày trở lại sau lệnh bắt giam, sắc tím đã 'nhạt'

Ông Nguyễn Đỗ Lăng: Ngày trở lại sau lệnh bắt giam, sắc tím đã 'nhạt'

(VNF) - Màn tái xuất của ông Nguyễn Đỗ Lăng khiến bộ ba cổ phiếu APS, API và IDJ phủ sắc tím. Song so với thời điểm vị doanh nhân này hô hào 'gồng lãi', sắc tím đã nhạt đi rất nhiều.

Thủ tướng: 'Khuyến khích DN Trung Quốc đầu tư dự án lớn như đường bộ, đường sắt'

Thủ tướng: 'Khuyến khích DN Trung Quốc đầu tư dự án lớn như đường bộ, đường sắt'

(VNF) - Nhấn mạnh Việt Nam xác định rõ định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, Thủ tướng khẳng định luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh và Việt Nam nhu cầu và ưu tiên cao.

Cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Nhiều người Việt mất trắng cơ nghiệp

Cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Nhiều người Việt mất trắng cơ nghiệp

(VNF) - Hỏa hoạn lớn tại khu mua sắm Marywilska 44 ở Bialoleka, Ba Lan, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam, đã khiến rất nhiều thương nhân mất trắng gia sản gây dựng trong nhiều năm.

Công ty tài chính sẽ sớm thoát cảnh thua lỗ?

Công ty tài chính sẽ sớm thoát cảnh thua lỗ?

(VNF) - Trong năm 2023, lợi nhuận của nhiều công ty tài chính đồng loạt lao dốc do chịu “cú đấm kép” khi thị trường khó khăn chung và tình trạng bùng nợ diễn ra ngày càng nhiều. Thế nhưng, bước sang năm 2024, thị trường tài chính tiêu dùng đang đứng trước nhiều dư địa phát triển, tạo động lực thúc đẩy cho các công ty tài chính bứt tốc.

Sau thông báo tái khởi động, Cocobay Đà Nẵng vẫn im lìm

Sau thông báo tái khởi động, Cocobay Đà Nẵng vẫn im lìm

(VNF) - Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng cho biết sẽ triển khai lại dự án vào đầu tháng 5/2024, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì.

'Hố sâu' bất động sản Trung Quốc: Người dân 'chồng' tiền 8 năm chưa có nhà

'Hố sâu' bất động sản Trung Quốc: Người dân 'chồng' tiền 8 năm chưa có nhà

(VNF) - Một nhóm khoảng 1.500 người mua nhà ở thành phố Thiên Tân, gần Bắc Kinh, Trung Quốc, vẫn chưa thấy – chứ đừng nói đến việc chuyển đến – những căn hộ mà họ cho biết đã trả tiền mua từ 8 năm trước.

Tháng 5/2024: 4.700 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, nhiều DN cạn tiền trả nợ

Tháng 5/2024: 4.700 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, nhiều DN cạn tiền trả nợ

(VNF) - VIS Rating ước tính 4.700 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 5/2024 có rủi ro không trả được nợ gốc đến hạn, trong đó có trái phiếu do Trung Nam phát hành đã chậm trả lãi coupon trong năm 2023. Nhóm này khả năng cao sẽ chậm trả nợ gốc đến hạn do dòng tiền yếu và nguồn tiền mặt cạn kiệt.

Dự thảo NĐ mới về xăng dầu: 'Can thiệp không hợp lý, hạn chế quyền tự do kinh doanh'

Dự thảo NĐ mới về xăng dầu: 'Can thiệp không hợp lý, hạn chế quyền tự do kinh doanh'

(VNF) - Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cho rằng, nội dung dự thảo Nghị định trái với nhiều quy định cơ bản của các luật có liên quan. Đặc biệt, có nhiều quy định can thiệp không hợp lý vào các quan hệ thị trường, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không bảo đảm xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.

Nhịp sống muôn màu tại khu đô thị xanh phía Đông Hà Nội

Nhịp sống muôn màu tại khu đô thị xanh phía Đông Hà Nội

(VNF) - Với các cư dân Eurowindow Twin Parks, mỗi ngày trôi qua là một ngày trải nghiệm chất sống hiện đại lý tưởng giữa không gian tràn ngập sắc xanh kết hợp cùng hàng loạt tiện ích cao cấp.

Ông Biden ký sắc lệnh mới, tước ‘con bò sữa hái ra tiền’ của Nga

Ông Biden ký sắc lệnh mới, tước ‘con bò sữa hái ra tiền’ của Nga

(VNF) - Thượng nghị sĩ Mỹ John Barrasso, thành viên Đảng Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Năng lượng Thượng viện, cho rằng “cỗ máy chiến sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mất đi một trong những con bò sữa hái ra tiền” sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật cấm nhập khẩu uranium được làm giàu từ Nga.