Tiêu điểm

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: 'Sẽ chỉ giữ lại 17 doanh nghiệp ‘thuần túy’ quốc phòng'

(VNF) - Đăng đàn tại Quốc hội sáng 24/11 trong phiên thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã tái khẳng định thông điệp quan trọng liên quan đến chủ đề "quân đội làm kinh tế".

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: 'Sẽ chỉ giữ lại 17 doanh nghiệp ‘thuần túy’ quốc phòng'

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch

Theo Bộ trưởng, có một số ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ quy định tham gia sản xuất làm kinh tế, ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc quân đội làm kinh tế.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng, ngay từ ngày đầu thành lập, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Đảng và Bác Hồ xác định: Quân đội ta là quân đội cách mạng, đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt, tham gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, cơ sở hạ tầng, khai hoang, phục hóa đất đai, tạo điều kiện cho hàng vạn hộ dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, hạn chế và chấm dứt tình trạng du canh, du cư của một số đồng bào dân tộc.

Cùng với nhiệm vụ trên, các đoàn kinh tế quốc phòng còn tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, tạo điều kiện ổn định tình hình kinh tế - xã hội nơi biên giới, địa bàn khó khăn, trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Đối với các doanh nghiệp quân đội, bên cạnh không ngừng đổi mới, phát triển, hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với thực hiện quốc phòng. Nhiều doanh nghiệp còn tạo lập được thương hiệu đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.

Một số doanh nghiệp quân đội hiện đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị công nghệ cao, hàng năm đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước như Tập đoàn viễn thông quân đội, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Sông Thu, Tổng công ty trực trăng Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội...

Năm 2017, quán triệt nghị quyết Trung ương, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thực hiện đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội từ 88 doanh nghiệp chỉ để lại 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng, số còn lại thực hiện thoái vốn cổ phần hóa sắp xếp sáp nhập.

Ngoài nhiệm vụ trên, các Tập đoàn kinh tế quốc phòng và các doanh nghiệp quân đội còn là đơn vị dự bị động viên sẵn sàng mở rộng thành các binh đoàn chủ lực tác chiến khi đất nước có chiến tranh.

"Vì vậy, nhiệm vụ tham gia sản xuất xây dựng làm kinh tế đã, đang và sẽ luôn là chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng của quân đội cần phải được quy định trong dự thảo Luật Quốc phòng", Bộ trưởng nói.

Tin mới lên