Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch - vấn đề của Việt Nam

GS.TSKH Nguyễn Mại - 26/06/2018 16:03 (GMT+7)

(VNF) - Thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ở Mỹ và một số nước, đối lập với tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư quốc tế. Là quốc gia có độ mở lớn về kinh tế, Việt Nam cần theo dõi biến động quan hệ kinh tế giữa các nước, nhất là giữa các cường quốc để ứng phó kịp thời với mọi tình huống.

VNF
Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch - vấn đề của Việt Nam.

Nhận diện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch

Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là thuật ngữ kinh tế học, chỉ việc áp dụng các biện pháp để bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa (hay dịch vụ) của quốc gia bằng cách nâng cao tiêu chuẩn như chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ… hoặc áp đặt thuế nhập khẩu cao đối với một số mặt hàng; được sử dụng trong quan hệ thương mại giữa các nước.

Với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chính phủ muốn bảo vệ sản phẩm trong nước đối với sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ đối thủ cạnh tranh nước ngoài với giá thấp hơn.

Trong khi toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang trở thành xu hướng chủ đạo của thương mại và đầu tư thì hoạt động chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng.

Tại Mỹ, một trong các hành động lập pháp đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ngừng đàm phán FTA với EU, tiếp đó là áp đặt thuế nhập khẩu khá cao đối với sản phẩm của nhiều nước như nhôm, thép cuốn; đặt ra yêu sách với Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách mở cữa thị trường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.

Tại EU, có vẻ như xu hướng tự do thương mại và bảo hộ mậu dịch đang diễn ra khá cân bằng tại các nước lớn. Cả hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua Francois Hollande và Nicolas Sarkozy đều hùng biện về bảo hộ mậu dịch nhằm thu hút 80% cử tri là những người chống toàn cầu hóa. Tổng thống Francois Hollande chủ trương hỗ trợ tài chính cho các nhà xuất khẩu sản phẩm của Pháp.

Nước Anh đã rời khỏi EU- một tổ chức hợp tác khu vực lớn nhất thế giới, đang tiến hành đàm phán lại toàn bộ những quy chế thương mại với Châu Âu. Trung Quốc, cường quốc kinh tế số hai thế giới vốn được xem là hưởng lợi từ thương mại tự do, đang theo đuổi một chính sách giảm nhập khẩu mạnh mẽ bằng nhiều biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu càng nhiều càng tốt.

Tại các nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, do sản phẩm nhập khẩu chịu thuế cao nên giá cả khó cạnh tranh với sản phẩm trong nước, phần lớn người tiêu dùng tìm đến hàng hóa sản xuất nội địa có mức giá thấp hơn. Nhà sản xuất do được bảo hộ nên gia tăng mua nguyên vật liệu trong nước có giá thành thấp hơn, thu được lợi nhuân nhiều hơn.

Tuy vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, thị trường thế giới trở nên “mở” hơn, thuận lợi hóa đầu tư và thương mại ngày càng tốt hơn thì chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tác động tiêu cực đến chính những nước đang theo đuổi nó. Người tiêu dùng không có điều kiện để lựa chọn hàng hóa có chất lượng và giá cả cạnh tranh như ở những nước theo đuổi thương mại tự do; nhà sản xuất do đã được chính phủ bảo hộ nên cũng thiếu động lực đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là “con dao hai lưỡi”, không có “bên thắng cuộc”. Điển hình là cuộc đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc đang được cả thế giới theo dõi, có thể gây ra “cuộc chiến tranh thương mại” giữa hai cường quốc hàng đầu về kinh tế thế giới; theo nhiều nhà phân tích thì cả hai bên đều chịu hậu quả khó lường trước, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu..

Phản ứng quốc tế

Nhiều nhà chính trị và nhà nghiên cứu đã cảnh báo về nguy cơ trổi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2018, Tổng thống Brazil Michel Temer, cho rằng: “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà xu hướng cô lập đang thịnh hành. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ không phải là giải pháp hay...Khi chúng ta xích lại gần nhau, chúng ta sẽ có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, ý tưởng sáng tạo mới, khả năng mới. Do đó, chúng ta có thể cùng nhau giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà chúng ta đang gặp phải”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận định:“Bảo hộ mậu dịch có nghĩa là đang chống lại quá trình toàn cầu hóa. Các quốc gia theo xu hướng này không chỉ muốn tránh toàn cầu hóa, mà còn muốn đi ngược lại quá trình tất yếu này”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh các nước tham gia CPTPP "sẽ đẩy lùi xu hướng chống thương mại tự do trong tiến trình toàn cầu hóa," đồng thời cho rằng bảo hộ mậu dịch chỉ "đẩy thế giới vào tình trạng tồi tệ" . Ông kêu gọi các cuộc đàm phán thương mại cần quan tâm đến sự thịnh vượng của những người dân bình thường và khẳng định "đây chính là điều mà 11 quốc gia đã làm được" khi ký kết CPTPP.

Đứng trước chủ trương của Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu khá cao đối với một số mặt hàng như 25% với thép, 10% với nhôm, các nước có phản ứng khá gay gắt.

Nước Anh "thất vọng sâu sắc" bởi quyết định của Hoa Kỳ. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker coi đó là một "ngày tồi tệ với thương mại thế giới". Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng thuế quan này là "vô lý và nguy hiểm” và tuyên bố: “EU sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết" để đáp trả nếu Mỹ áp đặt thuế bảo hộ. Ông cho biết:."Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền Hoa Kỳ liệu họ muốn tham gia vào một cuộc xung đột thương mại với đối tác lớn nhất của họ, châu Âu".

Trung Quốc đã có và sẵn sàng đưa ra các biện pháp trả đũa đối với Mỹ nếu phía Mỹ tiếp tục “hành động nhiều hơn là một giọng điệu mạnh mẽ, để có thể thay đổi mối quan hệ quá phức tạp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới” như tuyên bố của Tổng thống Mỹ.

Một số nhà phân tích cho rằng, những quyết định “xoay như chong chóng” của Tổng thống Trump khiến các đồng minh của Washington cũng cảm thấy khó hiểu và tìm đối tác mới; chẳng hạn, Nhật Bản đã tổ chức cuộc đàm phán thương mại đầu tiên với Trung Quốc trong vòng 8 năm qua để đối phó với mối đe dọa từ quyết định áp thuế của Mỹ.

Ngày 29/5 trả lời phỏng vấn của FinancialTimes, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, người vừa nhậm chức, tuyên bố ông không hứng thú với việc gặp mặt Tổng thống Trump. “Tôi không biết làm thế nào để có thể làm việc được với một người mà có thể thay đổi quyết định chỉ trong một đêm như vậy”.

Nhiều chính khách Mỹ đã biểu thị sự không đồng tình với quyết định của Tổng thống Trump. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan tuyên bố:"Tôi không đồng tình với quyết định này. Có những cách tốt hơn để hỗ trợ người lao động và người tiêu dùng ở Mỹ”. Thượng nghị sĩ Kevin Brady nhận định: "Hành động này khiến những người lao động và gia đình Mỹ gặp rủi ro, bởi công việc của họ phụ thuộc vào các sản phẩm thương mại công bằng từ các đối tác thương mại quan trọng đó". Nghị sĩ đảng Cộng hòa Ben Sasse cho rằng:"Điều này thật ngu ngốc. Châu Âu, Canada và Mexico không phải là Trung Quốc, và bạn không thể đối xử với đồng minh theo cách bạn đối xử với đối thủ".
Dự tính nếu Mỹ tăng thuế quan lên 20% đối với hàng nhập khẩu từ các nước, thì xuất khẩu của Mỹ sang hầu hết các quốc gia sẽ giảm từ 40 đến 50%.

Theo nghiên cứu của Viện Bertelsmann, trong trường hợp xấu nhất do tác động của chính sách bảo hộ mậu dịch, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Mỹ sẽ giảm 2,3%, thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm 1.300 USD/năm trong dài hạn; ở Canada là 3,85% và 1.800 USD/người; và ở Đức là 0,4% và 160 USD/người.

Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) chứng minh rằng, toàn cầu hóa đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng kinh tế thế giới, làm cho hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo ở các nước đang phát triển. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nếu các rào cản thương mại hoàn toàn được dỡ bỏ thì mỗi năm các nước đang phát triển có thể tăng thêm thu nhập 142 tỷ USD.

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển bị chậm lại khoảng 1,2%.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao chủ nghĩa bảo hộ lại đang có dấu hiệu trở lại rõ rệt và ở một phạm vi rộng lớn hơn bao giờ hết (?).

Quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, dường như các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không còn đặt nhiều niềm tin vào hiệu quả của tự do thương mại nữa. Tuy vậy, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch hiện nay mang tính đối phó với quan hệ thương mại giữa các nước, tùy thuộc vào cách tiếp cận của nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ, hoặc Thủ tướng chính phủ đại diện cho đảng cầm quyền, có thể kéo dài 4-5 năm.

Thương mại tự do và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng chủ đạo của thế giới trong ký nguyên toàn cầu hóa và cách mạng 4.0.

Ứng phó của Việt Nam

Hơn lúc nào hết, phương châm “đa dạng hóa, đa phương hóa” cần được thực hiện một cách chủ động và linh hoạt để ứng phó với diễn biến không bình thường trên thị trường thế giới.

Trong quan hệ thương mại quốc tế, nước ta cần tận dụng cơ hội do các FTA mới tạo ra để mở rộng quan hệ với nhiều đối tác, tạo lập tại mỗi thị trường chính một số mặt hàng chủ lực chiếm được thị phần ngày càng lớn, để trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng biện pháp “có đi có lại” nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Năm 2017 đã minh chứng điều đó, mặc dù thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Mỹ giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng do đa phương hóa thành công nên tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 21,1% và tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 20,8% so với năm trước. Trong đó kim ngạch thương mại của nước ta với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng trưởng hai con số.

Với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu 35,463 tỷ USD, tăng 61,5%; nhập khẩu 58,23 tỷ USD, tăng 16,4%.

Với Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu 14,8 tỷ USD, tăng 30%, kim ngạch nhập khẩu 46,734 tỷ USD, tăng 45,3%.

Với Mỹ, kim ngạch xuất khẩu 41,608 tỷ USD , tăng 8,2%, kim ngạch nhập khẩu 9,203 tỷ USD, tăng gần 5,7%, thấp hơn nhiều so với 2016 khi kim ngạch xuất khẩu tăng 15% và kim ngạch nhập khẩu tăng 11,74%... Mỹ từng là thị trường lớn nhất, chiếm 20% kim ngạch thương mại quốc tế của nước ta, năm 2017 chỉ còn 11,95%.

Trong năm 2018, Mỹ đã áp đặt thuế quan khá cao đối với thép, nhôm, cá da trơn của Việt Nam, với những quyết định khó doán trước của Tổng thống Mỹ thì quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước hiện đang được cải thiện sẽ chịu tác động tiêu cực.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IHS Markit, Rajiv Biswas khuyến cáo:“Tình hình thế giới đang bất ổn, các quốc gia phát triển luôn muốn áp đặt cuộc chơi vì trên thế giới này không có đồng minh hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi quốc gia mới là vĩnh viễn. Bởi vậy, Việt Nam cần tạo thế mạnh cho chính mình để duy trì mối quan hệ hợp tác thương mại, nhưng cũng cần phải nỗ lực để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường toàn cầu... Thay vì hướng tới một cực chủ yếu là Mỹ, cần hướng tới các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, Nhật Bản, Nga... Việt Nam có lợi thế là đất nước sở hữu nhiều Hiệp định Thương mại Tự do trên thế giới; chính điều này sẽ giúp thu hút đầu tư từ bên ngoài vào cũng như giúp Việt Nam giảm nhẹ sự ảnh hưởng của xu hướng bảo hộ mậu dịch”.

Trước biến động khó lường trước của một số cường quốc, nước ta cần thông qua nhiều kênh thông tin để theo dõi kịp thời biến động của thị trường thế giới, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp, chủ động hình thành hệ thống giải pháp ứng phó để bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà xuất khẩu, giảm thiểu thiệt hai, chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng khác.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần coi trọng hơn hoạt động xúc tiến thương mại, lựa chọn đối tác chiến lược tin cậy, tạo lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường với việc gia tăng thị phần của từng loại sản phẩm để có thể đối phó với những quyết định bất lợi cho doanh nghiệp theo phương châm “có đi có lại”; hình thành đồng minh trong việc ứng phó với các quyết định theo hướng bảo hộ mậu dịch, bởi vì chính các nhà nhập khẩu của nước đó cũng chịu tổn thất. Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp phải coi trong đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, tạo lập và quảng bá thương hiệu, tạo năng lực cạnh tranh, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng nhờ hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh.

Nhà nước đã và đang hoàn chỉnh thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia để tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn cho phát triển và kinh doanh của doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp với quy mô lớn hơn vào năm 2020. Thực hiện được mục tiêu đó sẽ làm cho thế và lực của doanh nghiệp Việt Nam mạnh hơn, cũng là giải pháp tốt nhất để ứng phó có hiệu quả với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Do vậy, những phát hiện về khiếm khuyết của bộ máy và công chức nhà nước, về thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự chuyển biến của cả hệ thống.

Trong vài năm gần đây nước ta đã bắt đầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại bằng các hàng rào kỹ thuật, thuế bán phá giá đối với một số mặt hàng vi phạm luật cạnh tranh. Tuy vậy, cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện rào cản kỹ thuật cần được rà soát đồng bộ để tạo thành một giải pháp hữu hiệu ứng phó với các quyết định của nước khác gây thiệt hại cho thương mại quốc tế của Việt Nam.

Nếu cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc xảy ra sẽ có tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam; đồng thời cũng tạo ra cơ hội mới cho các nước có nền kinh tế mở như nước ta. Chẳng hạn khi Mỹ dựng hàng rào thuế quan với hàng hóa của Trung Quốc thì nước này phải tìm thị trường để xuất khẩu những hàng hóa đó; Việt Nam là cửa ngõ của Trung Quốc đối với ASEAN cần nghiên cứu việc tận dụng lợi thế về địa lý, truyền thống để tranh thủ cơ hội mới nhằm mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của nước ta.

Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch còn tiếp diễn đang gây ra những khó khăn trong thương mại toàn cầu, thậm chí có thể xảy ra chiến tranh thương mại; nhưng những người ủng hộ mậu dịch tự do, hội nhập quốc tế vẫn chiếm đa số, tạo cơ sở để tin tưởng vào chính sách công bằng trao đổi tự do hàng hoá và dịch vụ, vì lợi ích của các nhà sản xuất và người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Cùng chuyên mục
Tin khác