Tài chính

Dùng Bitcoin đóng học phí: Nhiều nước hưởng ứng, Việt Nam dè chừng

(VNF) - Đại Học FPT đã chấp nhận cho sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Dùng Bitcoin đóng học phí: Nhiều nước hưởng ứng, Việt Nam dè chừng

Đại học FPT cho sinh viên đóng học phí bằng Bitcoin

Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin, trước mắt, áp dụng cho sinh viên nước ngoài.

Quy định mới gây ra ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng Đại học FPT cho sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ lo ngại về những rủi ro khi giao dịch bằng đồng tiền ảo.

Luật sư phản đối

Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết trên báo chí gần đây, Bitcoin chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận là đồng tiền hay phương tiện thanh toán hợp pháp.

Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về "Thanh toán không dùng tiền mặt", đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định như sau:

"Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước".

Khoản 6, Điều 6 về "Các hành vi bị cấm", Nghị định số 101/2012/NĐ-CP cũng quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là "sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp".

Như vậy, việc sử dụng đồng tiền này để thanh toán nói chung và trả học phí nói riêng là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Còn Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín, Đại Học Ngân hàng TP.HCM, Đoàn luật sư TP. HCM, phát biêu trên báo chí cho biết Chính phủ đang giao các bộ, ngành liên quan, bao gồm Ngân hàng Nhà nước, soạn thảo khung pháp lý để quản lý đồng tiền ảo, tiền điện tử. Theo đề án, đến năm 2019, việc xây dựng mới hoàn thành bước đầu tiên. Như vậy, từ nay đến khi ban hành khung pháp lý, các giao dịch bằng tiền điện tử chưa được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ.

Ông cho rằng Đại học FPT chấp nhận sinh viên đóng học phí bằng Bitcoin sẽ phải đối mặt rủi ro lớn.

Về mặt pháp lý, vì chưa được pháp luật điều chỉnh, những rủi ro liên quan việc nhận và bán đồng tiền này không được pháp luật bảo vệ. 

Dân mạng hào hứng

Khác với các luật sư, nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ trên Facebook, cho rằng ĐH FPT có một bước đột phá mới. Trong khi đó cũng có nhiều người lo ngại việc cho phép sử dụng Bitcoin sẽ gây những tác động tiêu cực đến sinh viên, khuyến khích sinh viên đầu tư mạo hiểm…

Vì hiện chưa có quy định quản lý của nhà nước về đồng tiền Bitcoin. Thậm chí, rất nhiều người cho rằng, đây vẫn là đồng tiền ảo, dù nó được mua bằng tiền thật.

Cư dân mạng tỏ ra hào hứng với Bitcoin

Có người cho rằng FPT "cầm đèn chạy trước ô tô"

Phần lớn còn lại cho rằng bây giờ là "hơi sớm" để chấp nhận Bitcoin

Nhiều nước đã ứng dụng Bitcoin từ lâu

Những người đầu tư và sở hữu Bitcoin tin rằng nó là vàng trong thời đại công nghệ thông tin. Ngoài một số đặc tính như tiền pháp định (tiền được phát hành bởi chính phủ), Bitcoin được tuyên bố có số lượng giới hạn nên tránh được lạm phát (do không thể in thêm như tiền), không thể tự tạo ra và không bị làm giả, có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có đánh giá khác nhau về Bitcoin. Tại Mỹ, nó được coi là một dạng tài sản ảo thay vì tiền tệ chính thống. Bởi vậy, giao dịch sử dụng Bitcoin sẽ chịu thuế, người "đào" hay dùng Bitcoin để chi trả thù lao, lương thưởng cũng nằm trong khung tính thuế.

Trong khi đó khối Liên minh châu Âu (EU) nhìn nhận Bitcoin là một dạng tiền tệ, không phải tài sản. Anh lại coi Bitcoin là một loại ngoại tệ, chịu sự quản lý như quy định với ngoại tệ. Bitcoin được công nhận là một hình thức thanh toán tại Nhật Bản và việc trao đổi Bitcoin tại quốc gia này không bị tính thuế.

Theo Marco Ciocca, người sáng lập ra "The Montessori", một chuỗi gồm hai trường ở các khu SoHo và Flatiron của Manhattan, cho biết đã có ít nhất 10 gia đình ở New York đang trả học phí 30.000 USD cho con em hàng năm bằng Bitcoin.

Ciocca cho biết: "Những bậc phụ huynh đã sớm chấp nhận điều này, giờ đây họ có thể sử dụng tài sản số để trả tiền học phí cho con cái. Điều đó, một phần nào đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến gia đình."

Theo Ciocca, Montessori đã mở một tài khoản Coinbase để lưu giữ Bitcoin cho các phụ huynh chấp nhận thanh toán và khoản tiền này sẽ tự động chuyển đổi thành USD.

Ciocca cho biết: "Là một ngôi trường lớn, chúng tôi nhận thấy hiệu quả của những tài sản số mới này mang lại cho các doanh nghiệp và cảm thấy rằng trong những năm tới chúng sẽ trở nên phổ biến hơn. "Với tư cách là một ngôi trường lớn có những tư tưởng tiến bộ, chúng tôi muốn bứt phát và sẽ vô cùng bình thường nếu tỷ lệ học phí trả bằng tiền tệ ảo tăng liên tục mỗi năm và trở thành một phần quan trọng trong các khoản thanh toán của chúng tôi."

Tin mới lên