Giới đầu tư bất động sản Hà Nội đang ‘tháo chạy’ đi đâu?
Vĩnh Chi -
17/07/2018 13:49 (GMT+7)
(VNF) – Giá đất Hà Nội bị đẩy lên quá cao đã khiến các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và giới đầu cơ dịch chuyển dòng tiền sang các tỉnh thành khác.
“Tháo chạy” khỏi Hà Nội
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý II/2018, thị trường chung cư tại Hà Nội ghi nhận 6.755 giao dịch, tăng 32,7% so với quý trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước.
Gộp chung với quý I, thị trường chung cư Hà Nội 6 tháng đầu năm có 11.846 giao dịch, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2017.
Về giá bán, ngoại trừ căn hộ trung cấp không có biến động, giá bán căn hộ bình dân và cao cấp đều có mức giảm, lần lượt là 7,6% và 0,5% so với quý trước.
VARS đánh giá giao dịch trên thị trường chung cư Hà Nội 6 tháng qua rất ấn tượng, nhưng chủ yếu là giao dịch thực (người có nhu cầu ở). Còn sự nhộn nhịp, sôi động mua đi, bản lại trên thị trường của các nhà đầu tư, đầu cơ đã gần như không còn.
“Hầu hết giới đầu tư, đầu cơ đã chuyển hướng đến các thị trường mới nổi tại các tỉnh lẻ trên cả nước, nơi có giá bất động sản đang ở mức thấp, có khả năng tăng giá sinh lời. Đây cũng là nguyên nhân làm giá bất động sản ở Hà Nội không tăng mạnh, thậm chí một vài phân khúc còn giảm”, VARS nhận xét.
Giới đầu tư hướng đến đâu?
Đất nền tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu được quan tâm từ cuối 2016, tuy nhiên phải đến đầu năm 2018 các thị trường này mới thực sự phát triển mạnh mẽ.
Hiện tượng "sốt" đất đã được ghi nhận tại một số các tỉnh phía bắc như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... Theo VARS, các tỉnh thành này có sự điều chỉnh giá mạnh so với các năm trước đây.
Tại thành phố Thái Nguyên, 6 tháng đầu năm ghi nhận có 778 căn chung cư, 912 sản phẩm đất nền và 466 sản phẩm biệt thư, nhà liền kề được giao dịch. Trong đó, các sản phẩm giao dịch chủ yếu thuộc các dư án: TBCO Riverside, Tecco Thái Nguyên, khu đô thị Kosy Gia Sàng. .. Mức giá bán căn hộ chung cư dao động từ 8 - 14 triệu đồng/m2.
Sau hội nghị xúc tiến thương mại ngày 1/7/2018, Thái Nguyên đã thu hút được hơn 46.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư, trong đó có nhiều dư án được đầu tư vào thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng.
Có thể kể đến như: dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Thái Nguyên; khu đô thị mới FLC Thái Nguyên; khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Thái Hưng Eco City; Công viên giáo dục trải nghiệm Thái Hưng; khu chung cư Gang Thép…
Tại Hạ Long (Quảng Ninh), thị trường sôi động trở lại sau quý I có phần trầm lắng. Các dự án được mở bán là Marina Square (88 căn Shophouse 8 tầng), Dragon Hill City (147 căn shophouse, liền kề). Một số dự án được “tái khởi động bán hàng” trong quý như: Ha Long Bay View, Beverly Hill, Đồi Monaco.
Theo báo cáo từ các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn, tổng số giao dịch thành công trong quý II lên đến hơn 1.000, trong đó chung cư khoảng 300 căn, đất nền 200 căn, còn lại là shophouse, biệt thự, liền kề.
Tại Bắc Ninh, các dự án bất động sản với hơn 10.000 sản phẩm nhà và liền kề được phát triển tập trung tại các khu vực được đầu tư mạnh về hạ tầng đô thị, khu công nghiệp và các khu hành chính mới như: thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong.
Lực hấp thụ tại các dự án hiện nay khá tốt, thường đạt trên 60% lượng giao dịch cho mỗi đợt ra hàng.
Các tỉnh ở khu vực phía bắc khác như Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An đều xuất hiện nhiều dự án phát triển nhà ở và có lượng giao dịch rất sôi động.
Xa hơn tại miền nam, số liệu do các sản địa phương cung cấp cho biết ở Đồng Nai trong quý II có 3.794 nền đất được cung ra thị trường. Sức tiêu thụ của thị trường đạt trên 90% với 3.586 sản phẩm được giao dịch thành công.
Tại Long An, lượng cung mới được tung ra thị trường là 2.751 sản phẩm đất nền. Lượng giao dịch thành công đạt 2.250 sản phẩm, xác lập tỷ lệ tiêu thụ đạt trên 80%.
Một số tỉnh khác như Bình Dương, Biên Hòa… cũng có giao dịch rất sôi động. Ngoài sản phẩm đất nền tại các khu vực này cũng đã xuất hiện nhiều dự án chung cư có giá không thua kém các sản phẩm tương đương tại TP. HCM, tỷ lệ hấp thụ đều đạt từ 60 - 80% giao dịch thành công cho mỗi đợt ra hàng.
Theo đánh giá của VARS, thị trường Hà Nội (và cả TP. HCM) đã không còn hấp dẫn được các nhà đầu tư thứ cấp, giới đầu cơ và thậm chí là cả các nhà đầu tư phát triển bất động sản quy nhỏ và vừa.
Giới đầu tư này hiện đang dịch chuyển dòng tiền của mình đến các thị trường tỉnh lẻ để tận dụng lợi thế về giá và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là khi các địa phương này đang có sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng.
“Thị trường bất động sản từ năm 2017 đến nay đã không còn là sự độc tôn của các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Nha Trang mà đã sôi động trên hầu hết các vùng miền, lan tỏa cả đến những vùng sân xa hẻo lánh như Tây Nguyên, Tây Bắc…”, VARS nhận định.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.