Hơn 100 đại biểu quốc hội Trung Quốc là tỷ phú USD

Lê Anh - 03/03/2018 10:08 (GMT+7)

(VNF) – Trong hơn 5.130 đại biểu quốc hội của Trung Quốc có 153 người thuộc giới siêu giàu với tổng tài sản ròng 650 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2017. Có 102 đại biểu là tỷ phú USD.

VNF
Ma Huateng, chủ tịch Tencent, là đại biểu quốc hội giàu nhất Trung Quốc với tổng tài sản 48,3 tỷ USD

Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Toàn quốc của Trung Quốc sắp bước vào kỳ họp "lưỡng hội", hội nghị chính trị lớn nhất trong năm.

Khoảng 5.130 đại biểu sẽ tham dự hai hội nghị riêng biệt của hai cơ quan nhưng được tổ chức gần như cùng thời điểm, dự kiến khai mạc vào ngày 5/3.

Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc dự kiến khai mạc vào ngày 5/3.

Đáng chú ý hơn cả, đây chính là dịp để quy tụ các tỷ phú trong giới công nghệ cho tới những nhân vật chủ chốt trong giới bất động sản, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc…

Theo báo cáo của tạp chí có trụ sở tại Thượng Hải Hurun, trong hơn 5.130 đại biểu tham dự kỳ họp, có 153 người thuộc giới siêu giàu, so với 209 người hồi năm ngoái. Dù số lượng có giảm hơn, nhưng tổng tài sản ròng của nhóm này hơn hẳn năm ngoái: 650 tỷ USD, so với 507 tỷ năm 2017.

Chủ tịch hãng sản xuất xe hơi Geely Li Shufu có tài sản ròng 17,1 tỷ USD.

Trong đó có 102 tỷ phú USD, tương đương với con số năm ngoái. Thành viên tiêu biểu nhất tham dự có thể kể tới như ông Ma Huateng, chủ tịch tập đoàn Internet khổng lồ Tencent, đại biểu quốc hội giàu nhất Trung Quốc với tổng tài sản 48,3 tỷ USD. Năm 2017, tài sản của ông chỉ là 24,9 tỷ USD.

Hai cái tên ấn tượng khác có thể kể đến giám đốc điều hành hãng điện thoại Xiaomi Lei Jun (12,6 tỷ USD) và chủ tịch hãng sản xuất xe hơi Geely Li Shufu (17,1 tỷ USD).

Trong số những đại biểu tham gia, có 28 người nằm trong danh sách 100 người giàu nhất Trung Quốc do tạp chí Hurun bầu chọn.

Kỳ họp quốc hội năm nay của Trung Quốc dự kiến thông qua đề xuất xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ với chức danh chủ tịch và phó chủ tịch nước được quy định trong hiến pháp. Điều này cho phép Chủ tịch Tập có thể tiếp tục nắm quyền sau năm 2023, thời điểm ông kết thúc nhiệm kỳ thứ hai.

Kỳ họp cũng được cho là sẽ thông qua việc đưa học thuyết chính trị mang tên ông Tập vào hiến pháp sửa đổi, góp phần củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo sau khi "Tập tư tưởng" được bổ sung vào điều lệ đảng hồi cuối năm ngoái.

>> Truyền thông Đức: Giải đua F1 sẽ tới Hà Nội vào năm 2019

Theo Channel News Asia
Cùng chuyên mục
Tin khác