Nền tảng internet video của startup Việt được 2 quỹ ngoại rót vốn

Hoàng Lan - 23/08/2018 16:04 (GMT+7)

(VNF) - Nhận thấy tiềm năng của thị trường Internet video có giá trị ước tính lên đến gần 70 tỷ USD trong 5 năm tới, ESP Capital và Framgia đã “xuống tiền” cho Uiza.io trong vòng ươm mầm (pre-seed).

VNF
Các thành viên của Uiza

Uiza là nền tảng ứng dụng dịch vụ đám mây cho video, livestream do Nguyễn Đức Anh và cộng sự sáng lập năm 2017. Bằng việc thu thập hàng tỷ đầu mối dữ liệu theo thời gian thực từ các kết nối giữa hàng ngàn ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet), hàng tỷ lượt xem video, hàng trăm địa điểm truyền dẫn, Uiza ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo) và Machine Learning (máy học) vào việc tối ưu trải nghiệm xem cho người dùng. Dự án đang cung cấp giải pháp cho nhiều khách hàng quốc tế tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam.

Uiza hiện có hơn 30 kỹ sư tới từ Thung lũng Silicon và các tập đoàn công nghệ lớn của châu Á và Việt Nam. Mục tiêu của dự án trong 5 năm tới sẽ hỗ trợ khách hàng truyền phát video và livestream tới hơn 2 tỷ người xem toàn cầu.

CEO Nguyễn Đức Anh từng là kỹ sư Machine Learning làm việc tại CGI và Giám đốc cấp cao - phát triển sản phẩm quốc tế tại tổ hợp công nghệ giáo dục Topica.

Ông Nguyễn Đức Anh cho biết nguồn vốn mới sẽ được sử dụng để xây dựng đội ngũ kỹ sư và cải tiến công nghệ lõi.

Mục tiêu của Uiza là xây dựng một hệ thống video với những công nghệ hiện đại nhất như Youtube và đóng gói lại thành các API (giao diện lập trình ứng dụng) đơn giản để lập trình viên có thể sử dụng một cách dễ dàng.

Theo báo cáo từ Cisco, tới năm 2021, lưu lượng truy cập các video trực tuyến sẽ chiếm tới 80% lượng truy cập Internet toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng nhanh và lớn của kỷ nguyên video số, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các công ty nghiên cứu và cung cấp công nghệ liên quan truyền dẫn video.

Theo ông Nguyễn Đức Anh, châu Á sẽ là thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong mảng internet video với hơn 30% /năm.

CEO Uiza cho rằng vài năm trước là giai đoạn bùng nổ của thương mại điện tử còn hiện nay đến  thời của thương mại cộng đồng - hình thức thương mại qua video và livestream, bán hàng trực tuyến. Thị trường không còn dành cho các cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội mà tương lai có thể trở thành một ngành công nghiệp khi các ông lớn như Alibaba, Tencent vào cuộc.

Trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến, hình thức dạy học online qua video hay livestream đang tạo ra những startup trị giá hàng tỷ USD tại Trung Quốc và Singapore. "Với những tín hiệu đó, tôi và các nhà đồng sáng lập nhận thấy video, livestream sẽ là một sân chơi công nghệ khổng lồ và rất tiềm năng", ông Nguyễn Đức Anh nói.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư ESP Capital, đơn vị đầu tư vào Uiza, cho biết hiện số lượng công ty tại Việt Nam cũng như châu Á khởi nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng hay B2C là rất nhiều nhưng lại thiếu những startup cung cấp công nghệ nền tảng như Uiza.

Đại diện ESP Capital tin rằng với lợi thế về công nghệ, Uiza có tiềm năng rất lớn trong thị trường Internet video có giá trị ước tính lên đến gần 70 tỷ USD trong 5 năm tới.

Bà Vy cho biết Uiza phù hợp với mục tiêu của ESP Capital, xây dựng và phát triển những startup có tiềm năng phát triển thành startup kỳ lân có định giá trên 1 tỷ USD, đó cũng là lý do ESP lựa chọn đầu tư vào Uiza.

Ông Taihei Kobayashi, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Framgia Inc, chia sẻ video và livestream đang phát triển rất nhanh tại thị trường châu Á. Framgia vừa là nhà đầu tư vừa là một trong những khách hàng đầu tiên sử dụng hệ thống video và livestream của Uiza.

Nền tảng đã giúp tập đoàn tiết kiệm hàng chục lập trình viên và hàng tháng trời tự phát triển một hệ thống tương tự. Với thế mạnh và kinh nghiệm của mình, Framgia cho biết sẽ hỗ trợ Uiza trong việc chinh phục thị trường châu Á.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.