Ngân hàng

Ngân hàng thương mại tuần thứ 3 liên tiếp đón dòng tiền từ NHNN

(VNF) - Xu hướng bơm tiền tiếp tục được NHNN duy trì sang tuần thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên khối lượng có giảm so với mức 26.300 tỷ của tuần trước.

Ngân hàng thương mại tuần thứ 3 liên tiếp đón dòng tiền từ NHNN

NHNN bơm ròng tiền tuần thứ 3 liên tiếp

NHNN bơm ròng tuần thứ 3 liên tiếp

Theo báo cáo tiền tệ tuần từ 9/4 -13/4 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tín phiếu tăng trở lại với tổng khối lượng phát hành 49.300 tỷ, số lượng này không bằng lượng tín phiếu đáo hạn là 58.100 tỷ. Do đó, có thêm 8.800 tỷ được bơm ra hệ thống trong tuần qua.

Xu hướng bơm tiền được duy trì sang tuần thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên khối lượng có giảm so với mức 26.300 tỷ của tuần trước.

Lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp. Cụ thể, lãi suất qua đêm và 1 tuần đều duy trì dưới ngưỡng 1%, tương ứng 0,85% (tăng 0,15 điểm%), và 0,98% (tăng 0,14 điểm%). Các kỳ hạn dài 1 tháng và 3 tháng tăng ít hơn, 0,06 điểm%, lên 1,43% và 2,43%.

Tăng lãi suất, trái phiếu 10 năm, 15 năm "đắt hàng" trở lại

Tuần qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tăng khối lượng gọi thầu lên 4.000 tỷ đồng với 3 kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm. Các kỳ hạn 10 năm và 15 năm phát hành được 1.000 tỷ ở mỗi kỳ hạn, một kết quả tích cực sau nhiều phiên phát hành không thành công trong tháng 3.

Kết quả này có được là nhờ KBNN đã chấp nhận nâng lãi suất mỗi kỳ hạn thêm 0,05 điểm%, một là tín hiệu cho thấy lãi suất đã chạm đáy sau thời gian dài liên tục ở xu hướng giảm.

Trong khi đó, kỳ hạn 5 năm chỉ phát hành được 65 tỷ đồng do KBNN vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 2,97%. Như vậy trong tuần qua, KBNN đã phát hành được tổng cộng 2.065 tỷ đồng trái phiếu, nâng tổng giá trị phát hành từ đầu năm lên 43.073 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu biến động trái chiều

Thị trường trái phiếu thứ cấp chứng kiến lợi tức các kỳ hạn biến động trái chiều. Mặc dù xu hướng giảm lãi suất trên thị trường sơ cấp đã chững lại, lợi suất trái phiếu ngắn hạn trên thị trường thứ cấp vẫn giảm khá mạnh.

Hai kỳ hạn 1 năm và 2 năm giảm 0,23 điểm% và 0,22 điểm% xuống 2,06% và 2,33%, ngưỡng thấp nhất trong lịch sử từ năm 2012. Các kỳ hạn từ 3 – 5 năm giảm nhẹ 0,04 điểm%, trong khi các kỳ hạn dài 7 – 15 năm đều tăng khoảng 0,09 điểm%, tương tự biến động trên thị trường sơ cấp.

Chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn nới rộng và đường cong lợi suất trái phiếu tiếp tục dốc lên.

Thanh khoản thị trường được duy trì ở mức rất tốt với 65.000 tỷ đồng trong tuần qua. Lực mua từ khối ngoại cũng gia tăng trở lại khiến khối này mua ròng 463 tỷ đồng.

USD ổn định bất chấp căng thẳng địa chính trị leo thang

Trên thị trường thế giới, căng thẳng chính trị gia tăng trong tuần qua liên quan tới vấn đề Syria. Ngược lại, Mỹ xem xét đàm phán gia nhập lại TPP được coi là một động thái tích cực sau những căng thẳng về thương mại với Trung Quốc.

Thị trường ngoại hối gần như không phản ứng với những động thái này, giá trị đồng USD vẫn ổn định quanh ngưỡng 90 điểm, kết thúc tuần ở 89,8 điểm, giảm 0,34% so với tuần trước.

Tại thị trường trong nước, tỷ giá USD bình ổn trở lại, cùng giảm nhẹ trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do, tương ứng giao dịch ở mức 22.755/22.825 (giảm 25 đồng) và 22.780/22.795 (giảm 20 đồng)

Giá vàng tăng nhẹ khi dòng tiền tìm đến các tài sản an toàn, cụ thể tăng 0,88% lên mức 1.345 USD/ounce. Giá vàng trong nước tiếp tục bám rất sát giá thế giới khiến khoảng cách giá trong nước và thế giới ở mức không đáng kể, 120 nghìn đồng (~0,3%).

Tin mới lên